Phát huy vai trò của mình, tổ chức Đoàn Thanh niên trong các trường đã tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh cho học sinh, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018… qua mô hình câu lạc bộ.
Nhiều năm nay, việc học tập của học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) không đơn thuần là lên lớp, lắng nghe thầy cô giảng bài, chú tâm hoàn thành bài tập về nhà hay các kỳ kiểm tra căng thẳng… mà còn là khoảng thời gian tham gia các câu lạc bộ (thường vào cuối các tiết học) do Đoàn Thanh niên tổ chức.
Có mặt tại Trường THPT chuyên Lào Cai sẽ cảm nhận không khí vui tươi, sôi động của học trò trong những buổi sinh hoạt câu lạc bộ (CLB). Đặc biệt, các câu lạc bộ đều do Đoàn Thanh niên nhà trường xây dựng kế hoạch, tổ chức; đoàn viên là người thực hiện từ khâu nhỏ nhất. Những hoạt động ý nghĩa, thiết thực này đã giúp cho nhiều đoàn viên rèn luyện khả năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm - những điều chỉ khi bắt tay thực hiện mới có thể tích luỹ thành kiến thức, bài học.
Nhiều sự kiện, chương trình thiện nguyện như: Hoạt động 12 - HOUR CHALLENGE (CLB CLC Link); The Moonlight - CLB Yolo; Gom yêu thương tại Trường PTDTNT THCS Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, Lào Cai) của CLB GYT; Tết bên em tại Trường PTDTNT THCS Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà (CLB TBE),… được Đoàn trường phối hợp với đoàn viên thanh niên tổ chức thành công.
Anh Vương Văn Vũ - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT chuyên Lào Cai chia sẻ: “Trường có 25 câu lạc bộ dưới sự quản lý của Đoàn trường. Các câu lạc bộ hoạt động tích cực, sôi nổi và kỷ luật, mang đến những giá trị không chỉ về tinh thần, vật chất mà còn trau dồi các kỹ năng sống cho đoàn viên thanh niên nhà trường”.
Không riêng Trường THPT chuyên Lào Cai, tại các trường THPT trên cả nước, ngoài chú trọng nâng cao chất lượng dạy học, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục kỹ năng sống cho đoàn viên thanh niên cũng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và quyết liệt. Điều này phù hợp với định hướng của Chương trình GDPT 2018 là phát huy năng lực, phẩm chất người học.
Tại Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An (TP Vinh, Nghệ An) có 8 câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ, thể dục thể thao, học tập. Đoàn trường phụ trách 3 câu lạc bộ gồm: Nghệ thuật dân tộc, võ Vovinam, truyền thông.
Theo anh Trần Đình Huy - Bí thư Đoàn Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An, sau giờ học chính khóa, Đoàn trường thường tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục kỹ năng sống cho đoàn viên thanh niên.
“Với lợi thế học sinh học tập, sinh hoạt tại trường nên Đoàn trường tổ chức nhiều giải thể thao cấp chi đoàn, hội đồng hương các huyện như bóng đá, bóng chuyền nam, nữ, bóng rổ, bóng bàn, đá cầu, cầu lông, câu lạc bộ võ thuật cũng giúp đoàn viên thanh niên rèn luyện nâng cao sức khỏe thể lực.
Ngoài ra, Đoàn trường cũng tổ chức các CLB về thể thao văn hóa dân tộc như đẩy gậy, đánh gụ, cà kheo… với mục đích giúp học sinh bảo tồn, phát huy và lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, bản sắc dân tộc.
Các CLB còn có nhiều chương trình ý nghĩa khác như hương sắc vùng cao, học sinh thanh lịch… đặc biệt là diễn đàn giáo dục kỹ năng sống, nói không với bạo lực học đường, tập huấn tư vấn tâm lý…”, Bí thư Đoàn Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Tương tự, tại Trường THPT Đống Đa (Hà Nội), hơn 10 năm nay, ngoài hoạt động chung theo chỉ đạo của các cấp, Đoàn Thanh niên đã duy trì và xây dựng hơn 20 CLB sở thích để tất cả học sinh được toả sáng với đam mê, sở thích, phát huy năng khiếu sở trường bản thân. Các câu lạc bộ hoạt động trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết, yêu thương, chia sẻ để cùng nhau gắn bó và mang lại việc làm thiết thực, bổ ích.
“Đoàn Thanh niên họp với cán bộ lớp hằng tuần để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, triển khai kịp thời các hoạt động thiết thực, phù hợp tâm lý lứa tuổi. Hằng tuần, tháng, mỗi lớp nhận lịch tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao theo chủ đề để các thành viên được cùng nhau làm việc.
Từ đó, thu hút đông đảo học sinh toàn trường, sự ủng hộ nhiệt tình hào hứng của phụ huynh và thầy cô giáo”, cô Tống Thị Thoa - Bí thư Đoàn trường Trường THPT Đống Đa chia sẻ.
Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An (TP Vinh, Nghệ An) tham gia cuộc thi võ thuật. Ảnh NTCC. |
Ngoài nhiệm vụ tạo sân chơi bổ ích cho học trò sau những giờ học tập căng thẳng, rèn luyện kỹ năng sống, Đoàn Thanh niên các trường THPT nhiều nơi còn tích cực triển khai định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Tại Trường THPT Đống Đa, hoạt động định hướng nghề nghiệp được quan tâm, thường xuyên nhắc nhở và triển khai trong tiết sinh hoạt dưới cờ (nội dung là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp). Cùng đó, Đoàn trường kết nối giao lưu với các trường đại học, cao đẳng, mời chuyên gia nói chuyện, tháo gỡ, giải đáp thắc mắc,… Hằng năm, nhà trường tổ chức ngày hội hướng nghiệp tại trường để học sinh các khối lớp, đặc biệt lớp 12 có cơ hội tiếp cận.
Với Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai, thực hiện kế hoạch năm học, chỉ đạo của ban giám hiệu nhà trường, Ban chấp hành Đoàn trường xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình, hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho đoàn viên thanh niên nhà trường, đặc biệt chú trọng học sinh khối 12.
Chia sẻ của Bí thư Đoàn Thanh niên Vương Văn Vũ: Đoàn trường liên hệ, kết hợp các trường đại học, học viện... tổ chức nhiều chương trình: Tọa đàm, trò chuyện... để tư vấn, định hướng cho đoàn viên thanh niên; đồng thời tạo cơ hội giao lưu, đối thoại trực tiếp và định hướng. Có thể kể tới cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT; chương trình tuyên truyền, hướng nghiệp tuyển sinh quân sự vào Học viện Quân Y…
Hằng năm, Đoàn trường kết hợp với Hội chữ thập đỏ kêu gọi ủng hộ từ các câu lạc bộ, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường về vật chất để hỗ trợ học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
“Những suất quà tuy chưa lớn nhưng là tình cảm Đoàn trường và các tổ chức, cá nhân dành tặng các em. Mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng góp phần giúp học sinh khó khăn có điều kiện trang trải học tập, cuộc sống… hỗ trợ gia đình”, anh Vũ chia sẻ.
Anh Trần Đình Huy - Bí thư Đoàn trường Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An cho hay: “Hằng năm, Đoàn trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá để học trò các dân tộc giao lưu, gắn kết, chia sẻ văn hóa, nét đẹp truyền thống. Qua đó cũng nhắc nhở các em biết trân trọng, lan toả và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mình”.
Tác giả bài viết: Ngô Chuyên
Ý kiến bạn đọc