Sự khác nhau giữa các ngành đào tạo: Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính và Công nghệ thông tin

Thứ hai - 16/07/2018 22:32 3.924 0
GD&TĐ - Công nghệ thông tin đang là ngành hot của kì tuyển sinh Đại học- Cao đẳng năm nay. Nhiều bạn thí sinh đang băn khoăn lựa chọn giữa các ngành đào tạo Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính và Công nghệ thông tin.
Sự khác nhau giữa các ngành đào tạo: Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính và Công nghệ thông tin

Sau đây là các thông tin Đại học Bách khoa Hà Nội cung cấp nhằm hỗ trợ giúp các bạn thí sinh đưa ra quyết định phù hợp với nguyện vọng của mình.

Trước hết, cả 3 ngành đào tạo Khoa học máy tính (KHMT), Kỹ thuật máy tính (KTMT) và Công nghệ thông tin (CNTT)đều hướng đến đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Điểm khác biệt nằm ở định hướng đào tạo và nội dung đào tạo, cụ thể như sau:

Về định hướng đào tạo, ngành CNTT tập trung đào tạo các Cử nhân (ra trường sau 4 năm học) với đủ kiến thức và kỹ năng chuyên sâu để đáp ứng tốt nhất thị trường lao động Việt Nam – trên 95% nhu cầu nhân lực liên quan đến phát triển ứng dụng và tích hợp hệ thống.

Ngành KHMT và KTMT, ngoài việc cung cấp các kiến thức nền tảng như ngành CNTT còn hướng đến mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu theo các lĩnh vực chuyên môn hẹp (như Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Internet vạn vật, Robot, An toàn thông tin v.v..) và hỗ trợ sinh viên học tập, nghiên cứu chuyên sâu sau thời gian 4 năm cử nhân.

Như vậy, xét về khía cạnh mục tiêu đào tạo khớp với nhu cầu việc làm, ngành CNTT phù hợp với các bạn thí sinh mong muốn tốt nghiệp ra trường sớm để nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động.

Ngành KHMT và KTMT phù hợp với các bạn thí sinh muốn có thời gian tìm hiểu sâu hơn các lĩnh vực chuyên môn hẹp, tiên tiến trong lĩnh vực Công nghệ thông tin & Truyền thông, rèn luyện kỹ năng phân tích & thiết kế, nghiên cứu & phát triển để trở thành các Kỹ sư hoặc Chuyên gia giỏi.

Về nội dung đào tạo, cả 3 ngành KHMT, KTMT và CNTT có khối kiến thức đại cương (học trong 3 học kỳ đầu) gần như giống nhau.

Tiếp theo là khối kiến thức cốt lõi ngành (học trong 3 học kỳ tiếp theo) được thiết kế giống nhau khoảng 75 đến 85%. Cuối cùng là khối kiến thức chuyên ngành (học trong 3 học kỳ cuối, trước kỳ đồ án tốt nghiệp cử nhân) được thiết kế riêng biệt theo từng định hướng.

Ngành Khoa học máy tính

Định hướng Công nghệ phần mềm: gồm các kiến thức về các phương pháp, quy trình, kỹ thuật và công cụ trong việc phát triển phần mềm đặc biệt là phần mềm lớn và phức tạp; quản lý các dự án phần mềm, quản trị doanh nghiệp phần mềm.

Định hướng này phù hợp cho các bạn muốn sau này làm việc tại các vị trí kỹ sư, trưởng nhóm phát triển phần mềm, xây dựng giải pháp và dịch vụ CNTT, kiến trúc sư, quản trị dự án, giám đốc kỹ thuật CNTT, sáng lập viên/quản lý doanh nghiệp CNTT tại các công ty trong và ngoài nước.

Định hướng Hệ thống thông tin: gồm các kiến thức về các phương pháp, kỹ thuật và công nghệ để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin và phát hiện tri thức nhằm thiết kế, phát triển, vận hành, bảo trì và đánh giá các hệ thống thông tin.

Định hướng này phù hợp cho các bạn muốn sau này làm việc tại các vị trí kỹ sư tư vấn, thiết kế, xây dựng, đánh giá và quản trị cơ sở dữ liệu, các hệ thống thông tin cho các doanh nghiệp & tổ chức, kỹ sư thiết kế, xây dựng và đánh giá các giải pháp (tích hợp) trong các doanh nghiệp & tổ chức.

Định hướng Khoa học dữ liệu: gồm các kiến thức về kỹ thuật và công nghệ để thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn nhằm cung cấp giải pháp tiềm năng dựa trên dữ liệu đối với các ứng dụng phức tạp trong thực tế.

Định hướng này phù hợp cho các bạn muốn sau này trở thành nhân viên phân tích dữ liệu, kiến trúc sư dữ liệu; làm việc tại các công ty phân tích, xử lý, cung cấp dịch vụ trên dữ liệu.

Định hướng Trí tuệ nhân tạo: gồm các kiến thức về các phương pháp, mô hình toán học cho các lớp bài toán trong trí tuệ nhân tạo; hiểu biết về công nghệ tri thức, về trí tuệ tính toán; sử dụng thành thạo các công cụ, nền tảng trong phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Định hướng này phù hợp cho các bạn muốn sau này làm việc tại các vị trí kỹ sư phụ trách nghiên cứu và phát triển tại các công ty công nghệ, doanh nghiệp phần mềm cung cấp các giải pháp về trí tuệ nhân tạo cho nhiều bài toán như điểu khiển robot, xe tự lái, giám sát giao thông, tối ưu hoá sản xuất, phân phối hàng hoá.

Ngành Kỹ thuật máy tính:

Định hướng An toàn thông tin: gồm các kiến thức về mật mã, xác thực và bảo mật dữ liệu trong hệ thống thông tin và truyền thông; phòng chống, phát hiện tấn công vào hệ thống mạng và truyền thông; phát hiện và xử lý mã độc; an toàn phần mềm và xây dựng các phần mềm an toàn; đánh giá, kiểm định và quản trị an toàn thông tin.

Định hướng này phù hợp với các thí sinh muốn sau này làm việc tại các vị trí thiết kế và xây dựng các giải pháp an toàn thông tin cho hệ thống thông tin và truyền thông; thiết kế và phát triển các hệ thống phần mềm, dịch vụ an toàn; Đánh giá, quản trị an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin và truyền thông; Phát triển các giải pháp phòng chống, phát hiện mã độc.

Định hướng Máy tính và Hệ thống nhúng: gồm các kiến thức về thiết kế, phát triển phần mềm cho các hệ thống thông minh như smart home, smart phone, smart car, Internet of Things; nghiên cứu phát triển các hệ thống máy tính chuyên dụng, hệ thống IoT; nghiên cứu phát triển các ứng dụng xử lý hình ảnh, video, tiếng nói, âm thanh.

Định hướng này phù hợp với các thí sinh muốn làm lập trình viên thiết kế, phát triển phần mềm trên máy tính và hệ thống nhúng; kỹ sư thiết kế phần mềm/phần cứng cho các máy tính chuyên dụng, phát triển và triển khai các hệ thống IoT.

Định hướng Truyền thông dữ liệu và Mạng máy tính:  gồm các kiến thức về các công nghệ mạng thế hệ mới như mạng khả trình SDN, mạng di động 4-5G; Internet vạn vật và các ứng dụng trong ngành y tế, nông nghiệp, môi trường …; kỹ năng phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong các hệ thống thông minh như nhà thông minh, nông nghiệp thông minh, Công nghiệp 4.0; An toàn và an ninh mạng: các giải pháp phát hiện, phòng chống tấn công vào mạng, mạng Internet vạn vật; Các công nghệ và ứng dụng truyền thông vệ tinh như các hệ thống định vị, dẫn đường sử dụng vệ tinh.

Định hướng này phù hợp với các thí sinh muốn sau này làm việc tại các vị trí: Thiết kế, xây dựng hạ tầng CNTT&TT; Lập trình ứng dụng, dịch vụ cho các hệ thống thông minh và di động; Quản trị mạng và hệ thống CNTT&TT; Thiết kế, phát triển, xây dựng và triển khai các hệ thống IoT; 

Ngành Công nghệ thông tin:

Định hướng Phát triển ứng dụng: gồm các kiến thức về phát triển ứng dụng mobile, web. Qui trình phát triển ứng dụng và đảm bảo chất lượng phần mềm. Định hướng này phù hợp cho các thí sinh muốn sau này làm việc tại các vị trí phát triển phần mềm.

Định hướng Tích hợp hệ thống: gồm các kiến thức liên quan đến hệ thống mạng, hệ thống máy chủ dịch vụ, quản trị hệ thống điện toán đám mây (Cloud Computing) và các hệ thống khác. Định hướng này phù hợp cho các thí sinh muốn sau này làm việc tại các vị trí quản trị hoặc tích hợp hệ thống.

Tác giả bài viết: Lan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập373
  • Hôm nay26,487
  • Tháng hiện tại291,321
  • Tổng lượt truy cập51,647,280
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944