Chọn sách phù hợp với học sinh
Nhà giáo Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Việc lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng từ năm học 2021 - 2022 đã đảm bảo theo đúng tiêu chí, đặc thù của địa phương, đảm bảo sách phù hợp với học sinh. Đúng theo tinh thần Thông tư số 25 của Bộ GD&ĐT, quy trình lựa chọn SGK được thực hiện một cách bài bản, các thầy cô giáo và nhà trường dều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Tại các trường đều đã thành lập các tổ tư vấn để tham gia góp ý, đề xuất lựa chọn SGK.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu, ông Phạm Mạnh Tưởng chia sẻ: Theo đúng quy trình, GV nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. Việc lựa chọn sách của Yên Bái được thực hiện hết sức bài bản, công khai và minh bạch. Từng GV sau khi đã có nhận xét về sách sẽ tham gia bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học. Trên có sở đó, Hội đồng chọn sách của các nhà trường mới lập danh mục gửi người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Ở Trường TH&THCS Hồng Ca, huyện Trấn Yên, thầy hiệu trưởng Liễu Anh Cường cho biết: Để chọn sách lớp 6, các GV nhà trường được huy động, cùng với 2 lãnh đạo trường. Yêu cầu là GV dạy môn nào sẽ chọn sách môn đó, thông qua bản mềm SGK, từng GV sẽ làm phiếu đánh giá, sau đó họp tổ chuyên môn và cùng nhận xét đánh giá về những ưu nhược điểm. Cuối cùng sẽ thực hiện ở hội đồng cấp trường, sách được lựa chọn sẽ đề xuất gửi lên phòng GD&ĐT.
Đúng theo quy trình, ở miền xuôi hay miền núi, vùng đồng bào dân tộc, từng trường đã tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp, lãnh đạo trường, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất, thông qua gửi báo cáo về phòng GD&ĐT. Trên cơ sở danh mục sách của phòng GD&ĐT, Hội đồng chọn sách của Sở GD&ĐT lựa chọn theo đánh giá của GV phù hợp nhất cho quá trình dạy học, với học sinh và GV.
Tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ
Là một tỉnh miền núi phức tạp về điều kiện địa hình địa lý và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên Yên Bái luôn đề cao việc thực hiện chương trình thay sách. Tự tin, chủ động và trách nhiệm là điều có thể cảm nhận được trong những ngày này tại tất cả các hội đồng chọn sách ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Để đạt được yêu cầu chất lương và phù hợp với hoạt động dạy – học cho từng nhà trường.
Đáp ứng yêu cầu chất lượng theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, tỉnh Yên Bái đã huy động 370 cán bộ quản lý cấp tiểu học, giáo viên dạy lớp 5 năm học 2020-2021 tham gia tập huấn tại 9 lớp tại các huyện, thị xã, thành phố. Các học viên được hướng dẫn về những nội dung cần điều chỉnh của chương trình lớp 5 hiện hành để chuẩn bị cho học sinh vào học lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các môn học và thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học: "Đánh giá kết quả triển khai thực hiện CTGDPT 2018 đối với lớp 1, năm học 2020-2021 và tiến tới triển khai thực hiện có hiệu quả đối với lớp 2, lớp 6 năm học mới, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về triển khai nhiệm vụ thực hiện CTGDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6. Chúng tôi yêu cầu, cán bộ quản lý và GV cần phải hiểu và phân tích được những điểm mới, các nguyên tắc điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy học các môn học theo định hướng CTGDPT 2018".
Thông qua các hội nghị trực tuyến, GV ở các khu vực đông bằng và miền núi, vùng dân tộc thiểu số đều phải nắm được những điểm cần bổ sung, điều chỉnh về nội dung dạy học để xác định được một số nội dung cần điều chỉnh trong các bài học cụ thể; thiết kế được bài học theo định hướng phát triển năng lực thể hiện rõ những đổi mới về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá học sinh; đồng thời xây dựng được kế hoạch điều chỉnh từng môn học của lớp 5 chương trình hiện hành, đáp ứng chuẩn đầu vào lớp 6 năm học 2021-2022 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.