Thời điểm này, các nhà trường quan tâm tối đa nhằm hạn chế cao nhất tình trạng học sinh bỏ học, nhất là ở vùng cao.
Ngày 22/12, 18 học sinh người Chứt được Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho nghỉ những ngày cuối tuần để về bản tham dự Tết Chăm Cha Bới – Tết truyền thống đồng bào Chứt. Thế nhưng, lễ hội qua 2 ngày nhiều em chưa trở lại đi học.
Cô Phan Thúy Hằng - giáo viên chủ nhiệm lớp 11 (Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh) cho biết, lớp có 28 học sinh dân tộc trong đó 4 em người Chứt đều vắng học. “Về bản các em thoải mái giờ giấc ngủ nghỉ vui chơi không ai nhắc nhở nên mang tâm lý không muốn đi học trở lại. Nếu 27/12 các em vẫn không đến trường, giáo viên sẽ vào tận bản đón”, cô Hằng cho biết.
Sau mỗi dịp lễ Tết, thầy cô Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh lại vất vả kéo học sinh dân tộc Chứt trở lại trường, ổn định học tập. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Đặng Bá Hải, không chỉ Tết dân tộc mà các dịp lễ nghỉ dài ngày, học sinh thường không đến trường đúng lịch.
Để duy trì sĩ số lớp trước và sau Tết, nhà trường chủ động thông báo ngày nghỉ và đi học lại để học sinh nắm rõ. Trước khi nghỉ, giáo viên làm công tác tư tưởng với từng học sinh lớp mình chủ nhiệm; đồng thời yêu cầu viết cam kết đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ thời gian nghỉ lễ.
Ngoài ra, giáo viên “dụ” trò ra lớp bằng cách mua quà là các vật dụng thiết thực như kem đánh răng, khăn mặt, giày dép… Mặt khác, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể địa phương, bộ đội biên phòng vận động các em ra lớp sau Tết, không để xảy ra tình trạng bỏ học.
“Học sinh vắng học ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giảng dạy, học tập, khả năng tiếp thu bài. Từ đó, chán nản rồi tự bỏ học. Nắm rõ vấn đề, nhà trường chủ động vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi và trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ, Tết. Tuy vậy, tỷ lệ chuyên cần của học sinh người Chứt sau kỳ nghỉ lễ chưa thể đạt 100%”, thầy Hải thông tin.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Hà Tĩnh) duy trì nền nếp những ngày giáp Tết. Ảnh Phương Hồ |
Theo thời khóa biểu của Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh, từ tuần này các khối từ lớp 7 đến 11 bắt đầu ôn tập và kiểm tra các môn. Tuy nhiên, nhiều lớp học phải tạm lùi thời gian kiểm tra để đợi học sinh đi học đông đủ.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nằm ở vùng bãi ngang, bố mẹ làm ăn xa, phần lớn trẻ ở nhà với ông bà, việc học chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó ảnh hưởng tới tâm lý, định hướng giáo dục nói chung đặc biệt dịp giáp Tết.
Thầy Hoàng Quốc Quyết - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường đưa ra nhiều giải pháp để duy trì sĩ số lớp học. Ngay sau thi, kiểm tra học kỳ I, trường sẽ bước vào dạy học theo chương trình học kỳ II với kiến thức mới. Như vậy, học sinh buộc phải chú tâm học liên tục, tránh tâm lý “xả hơi” sau thi.
Ngoài ra, nhà trường giao giáo viên chủ nhiệm điểm danh, nắm sĩ số hằng ngày vào buổi sáng. Học sinh nào vắng mặt, giáo viên lập tức liên lạc với phụ huynh để thông tin và nắm lý do.
Học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Hầu Thào, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Hà Thuận |
Năm học này, Trường PTDTBT THCS xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát, Lào Cai) có 233 học sinh, trong đó 174 em ở bán trú. Cùng với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, những ngày này, nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục theo văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Bát Xát và kế hoạch giáo dục xây dựng đầu năm học.
“Chúng tôi tổ chức ôn tập, thi học kỳ I trong tuần 17, 18. Tăng cường quản lý, hướng dẫn học sinh ôn trong giờ tự học trên lớp và các buổi tối. Phối hợp cùng phụ huynh quản lý tự học tại nhà với học sinh ngoại trú và một số buổi chiều với học sinh toàn trường. Cùng đó, xây dựng kế hoạch dạy học kỳ II”, thầy Lương Sỹ Dương - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Phìn Ngan thông tin.
Để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào, thị xã Sa Pa (Lào Cai) cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp huy động học sinh đến trường trong thời điểm trước và sau Tết. Có kế hoạch tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian cho học sinh trước, trong và sau Tết nhằm thu hút các em đến trường.
Theo thầy Hiệu trưởng Liễu Tiến Sơn, hằng năm, nhà trường tổ chức các hoạt động tập thể như: Gian hàng ẩm thực, trò chơi dân gian, hát múa theo chủ đề “Mừng Đảng - Mừng Xuân” để học sinh tìm hiểu về ngày Tết cổ truyền dân tộc. Cùng đó, tổ chức cho học sinh ăn Tết, tuyên truyền ý nghĩa ngày Tết.
Giáo viên Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh vận động học sinh dân tộc Chứt ra lớp. Ảnh: Phương Hồ |
Tại vùng cao Lào Cai, không khí Xuân ngập tràn trên khắp các bản làng. Thế nhưng, nhiều trường học nơi đây vẫn đảm bảo sĩ số. Học sinh không trốn về nhà ăn Tết bởi có nhiều hoạt động giáo dục thú vị hơn thu hút các em.
Thầy Lương Sỹ Dương - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Phìn Ngan cho biết: “Nhà trường cho học sinh tập luyện văn nghệ với chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân và tổ chức thi giữa các khối lớp để trao giải. Bên cạnh đó, các em được tham gia trò chơi, hoạt động ngoại khóa giữa các ngày học trong tuần, tập luyện thể thao, trò chơi vào cuối buổi chiều”.
Mấy ngày qua, thầy trò Trường PTDTBT THCS Đăk Rơ Nga (Đăk Tô, Kon Tum) hào hứng tập luyện cồng chiêng, múa xoang chuẩn bị cho ngày hội văn hóa, ẩm thực trước Tết Nguyên đán 2024.
Thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh Thịnh chia sẻ, hơn tháng nữa mới đến Tết nhưng tâm trạng học sinh đã rộn ràng, phấn khởi. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý học tập của các em, do đó, nhà trường phải siết chặt kỷ luật, trật tự trường lớp, linh hoạt tuyên truyền tránh cho trò sao nhãng học tập.
Thay vì tuyên truyền, vận động như thường lệ, năm học này, trường tổ chức tập luyện cồng chiêng, múa xoang và chương trình giao lưu văn hóa, ẩm thực giữa các lớp. “Dự kiến giữa tháng 1/2024, nhà trường tổ chức hội thi ẩm thực để các lớp giao lưu món ăn truyền thống, múa xoang và cồng chiêng. Nếu có điều kiện, trường sẽ mời cả phụ huynh học sinh tham dự tạo không khí gắn kết, gần gũi, đầm ấm”, thầy Thịnh tâm sự.
Với 338 học sinh, chủ yếu người Xơ Đăng, trường phối hợp với UBND xã Đăk Rơ Nga tổ chức “Ngày hội bánh chưng xanh” để các em có dịp tìm hiểu văn hóa, món ăn truyền thống người Việt trong dịp Tết đến Xuân về.
Tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan (Đức Cơ, Gia Lai), những năm qua công tác duy trì sĩ số của nhà trường luôn đảm bảo. Để làm được điều này, theo thầy Hiệu trưởng Tạ Quang Diệu, mỗi thầy, cô giáo phải nắm chắc địa bàn, ngôn ngữ, phong tục tập quán người dân. Từ đó, biết hoàn cảnh gia đình, em nào khó khăn thì kịp thời động viên, hỗ trợ. Qua tìm hiểu cũng giúp giáo viên linh hoạt trong việc soạn bài, truyền dạy kiến thức.
NGƯT Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu cho biết: “Sở GD&ĐT sớm ban hành kế hoạch, chỉ đạo phòng GD&ĐT, các nhà trường trên địa bàn tỉnh việc nghỉ Tết của học sinh. Trong đó, sở giao quyền tự chủ cho các đơn vị giáo dục xây dựng khung kế hoạch thời gian năm học và sắp xếp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nghỉ Tết nhưng phải phù hợp điều kiện thực tế, đảm bảo kế hoạch năm học”.
Tác giả bài viết: Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc