Triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp tiểu học, 3 năm qua, Lạng Sơn đã sớm thành lập Ban chỉ đạo và huy động nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng được nhiều giải pháp đồng bộ, khắc phục những khó khăn mà giáo dục tỉnh vùng cao gặp phải để triển khai hiệu quả và đạt nhiều mục tiêu của chương trình.
Khắc phục những khó khăn đặc thù của giáo dục miền núi
Ông Hồ Công Liêm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn quán triệt các bài học kinh nghiệm khi thực hiện Chương trình mới. |
Để hình dung các khó khăn gặp phải khi đưa Chương trình GDPT 2018 vào giảng dạy từ lớp 1, ông Hồ Công Liêm- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn phác hoạ: Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 12,27%, tỷ lệ hộ cận nghèo là trên 11%. Điều này có tác động rất lớn đến các điều kiện dạy- học đáp ứng Chương trình mới. Điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường, điểm trường còn thiếu thốn; Nhiều trường còn có lớp ghép với các trình độ khác nhau, SGK còn tồn tại một số nội dung, ngữ liệu chưa phù hợp với HS các dân tộc.
Trong năm đầu triển khai, cấp tiểu học còn có 1,7 % phòng học tạm, 1,6% phòng học mượn. Nhiều điểm trường lẻ không đảm bảo về cơ sở vật chất, hạ tầng mạng lưới điện, mạng internet, thiếu các thiết bị dạy học nên khó khăn trong việc ứng dụng CNTT, khai thác sách mềm, tài liệu bổ trợ dạy- học.
Hai năm học liên tiếp (2020-2021; 2021-2022) thực hiện Chương trình GDPT 2018 còn nhiều khó khăn, lúng túng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp. Nhiều trường, lớp phải nghỉ gián đoạn, phải tổ chức dạy học trực tuyến ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong đội ngũ giáo viên còn chưa đồng đều, cơ cấu chưa hợp lý trong thời gian đầu triển khai. Việc tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên chủ yếu bằng hình thức trực tuyến; giáo viên ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ nên còn một số lúng túng.
Ông Hồ Công Liêm cho biết: Nhằm khắc phục những khó khăn nội tại, đặc thù của tỉnh vùng cao để triển khai thành công Chương trình, Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã sớm tham mưu cho tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới Chương trình, SGK GDPT, ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương huy động nguồn lực, dành ngân sách cho thực hiện chương trình thông qua nhiều Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch; Kịp thời tham mưu cho tỉnh có kế hoạch về Biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; Ban hành bộ tiêu chí lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh.
Lạng Sơn đã tiếp tục tuyển dụng, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo định mức để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đủ về thành phần để thực hiện dạy học các môn học theo quy định của Chương trình GDPT mới. Đảm bảo ưu tiên các khối lớp ở tiểu học triển khai thực hiện theo lộ trình đủ tỷ lệ 1,5 GV/lớp, cơ cấu đủ các môn học. Triển khai bồi dưỡng, tập huấn giảng dạy có lộ trình, nhiều đợt cho 100% CBQL, giáo viên cốt cán và giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Chuẩn bị về cơ sở vật chất, Lạng Sơn đã đảm bảo đủ phòng học để triển khai thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở các khối lớp. Các đơn vị trường tiểu học trên địa bàn tỉnh cơ bản có hệ thống nước sạch đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho cán bộ giáo viên và HS các nhà trường, làm tốt công tác xã hội hóa, vận động các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng phòng học, phòng thư viện, phòng chức năng, đặc thù.
Về thiết bị, ngay từ năm học 2020-2021, để đáp ứng thiết bị dạy học tối thiểu đối với lớp 1 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Lạng Sơn đã mua sắm tổng trị giá trên 54,3 tỷ đồng thiết bị dạy học trang bị cho các trường tiểu học có lớp 1 thực hiện CTGDPT 2018. Đến nay Sở GDĐT vẫn đang tích cực triển khai mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các khối lớp 2, lớp 3 để đảm bảo giảng dạy theo Chương trìnhinh GDPT 2018.
Công tác tổ chức lựa chọn SGK được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của tỉnh Lạng Sơn. Phối hợp với các NXB có SGK được lựa chọn tập huấn sử dụng SGK mới cho đội ngũ CBQL, giáo viên tiểu học về phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức hoạt động giáo dục, sử dụng SGK mới đạt hiệu quả.
Nhiều mục tiêu Chương trình được triển khai hiệu quả
Những bước chuẩn bị đồng bộ, đúng tiến độ thời gian cho việc đưa Chương trình GDPT 2018 vào giảng dạy trên đây đã giúp cho tỉnh Lạng Sơn trong năm học 2020-2021 có 704 lớp với tổng số 15.127 HS lớp 1 thực hiện Chương trình.
Năm học 2021-2022 có 1.367 lớp với 30.376 HS lớp 1, 2 thực hiện Chương trình mới, trong đó có 252 trường có lớp 1, 2 tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2022-2203 có 1.951 lớp với 44.360 HS các lớp 1, 2, 3 thực hiện, 100% các trường có lớp 1, 2, 3 tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Theo bà Dương Hồng Minh - Trưởng Phòng Mầm non và Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Lạng Sơn: Trong quá trình thực hiện, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, Giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy, đề xuất những nội dung cần điều chỉnh hoặc bổ sung, tích hợp; điều chỉnh thời lượng thực hiện; nguồn học liệu và thiết bị dạy học; hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; hình thức tổ chức và phương pháp đánh giá;
Xây dựng phân phối chương trình dạy học linh hoạt phù hợp với đối tượng HS không gây áp lực đối với HS, đảm bảo yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình; tạo môi trường cho HS được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực vào thực tiễn. Kế hoạch dạy học được xây dựng theo hướng mở, giúp HS hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho HS. Mặc dù 2 năm đầu thực hiện rất nhiều khó khăn do dịch Covid 19, nhưng các trường cấp tiểu học đã hết sức chủ động, linh hoạt dạy học và đảm bảo mục tiêu hoàn thành Chương trình cấp tiểu học.
Việc tổ chức dạy học phát triển phẩm chất, năng lực HS được Sở GD&ĐT chú trọng chỉ đạo các nhà trường đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS; ứng dụng CNTT, sử dụng có hiệu quả đồ dùng, phương tiện dạy học; thiết kế lồng ghép một số trò chơi học tập trong tiết dạy tạo hứng thú học tập cho HS;
Đến nay, Lạng Sơn đã tổ chức hầu khắp 249/249 trường tổ chức học tiếng Anh lớp 3 bắt buộc và 249/249 trường được các thầy cô khắc phục khó khăn để giảng dạy Tin học. Các nhà trường đã nghiêm túc tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung giáo dục địa phương theo hướng dẫn với lớp 1,2,3 theo 2 phương án: Tích hợp vào một số môn học và dạy thành tiết riêng.
100% các đơn vị trường có lớp tiểu học thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá, khen thưởng HS tiểu học nghiêm túc theo hướng dẫn. Cùng với đó là thực hiện đổi mới quản trị nhà trường trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình theo hướng đẩy mạnh giao quyền chủ động cho các trường tiểu học, giáo viên.
Bà Dương Hồng Minh cũng khẳng định: Việc triển khai thực hiện CTGDPT 2018 cấp tiểu học tại Lạng Sơn đã giúp giáo viên thay đổi nhận thức, tư duy. Các thầy giáo, cô giáo ngày một chủ động, tích cực trong đổi mới PPDH, linh hoạt trong sử dụng các hình thức tổ chức dạy học; ứng dụng CNTT, sử dụng có hiệu quả đồ dùng, phương tiện dạy học.
Nhiều giờ dạy được thiết kế lồng ghép các trò chơi học tập tạo hứng thú cho HS; việc thực hiện có hiệu quả dạy học phân hóa, dạy học tích hợp liên môn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS đã tạo sự chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy và học. HS khi được học theo Chương trình, SGK mới phát triển được năng lực, phẩm chất, đọc thông, viết thạo, tính toán nhanh...
Trong các năm học tiếp theo, để triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học có hiệu quả, ông Hồ Công Liêm cho biết: Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh sắp xếp hợp lý hệ thống trường, lớp học; truyền thông hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho phụ huynh HS và cộng đồng xã hội trong đổi mới Chương trình, SGK; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt tại các điểm trường, các trường có HS ở vùng sâu xa, đặc biệt khó khăn; đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định của Chương trình mới. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đối với CBQL, GV đáp ứng Chương trình, SGK GDPT 2018. Tham gia tích cực chuyển đổi số và tham mưu thí điểm dạy học giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp tiểu học để đáp ứng Chương trình GDPT 2018. |
Tác giả bài viết: Bá Hải
Ý kiến bạn đọc