Ngày 27/12, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (gọi chung là Chương trình) đã góp phần thay đổi diện mạo giáo dục vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Còn theo đánh của Đoàn đại biểu Quốc hội, dù là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, tuy nhiên Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, giáo dục ở nơi đây cũng chịu nhiều tác động do điều kiện kinh tế - xã hội.
Cũng theo đánh giá, nhờ thụ hưởng Chương trình, đến nay cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), phổ thông dân tộc bán trú (DTBT), trường có học sinh bán trú được đầu tư khang trang, đồng bộ, góp phần triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo báo cáo, năm 2022 toàn tỉnh có 4 công trình được giao vốn, với tổng mức đầu tư 30.950 triệu đồng.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT (thứ 3 từ phải qua) động viện thầy và trò Trường THPT DTNT Đam San. (Ảnh: TT) |
"Những công trình trên thuộc các trường PTDTNT cấp THCS nằm ở các huyện, Ea H'leo, Krông Ana, Buôn Đôn và thị xã Buôn Hồ. Được khởi công xây dựng từ đầu tháng 7/2023. Sở đã chỉ đạo các nhà thầu thi công tích cực đẩy nhanh tiến độ, 3 công trình hoàn thành trong năm 2023 và 1 công trình dự kiến hoàn thành trong Quý I năm 2024", ông Khoa thông tin.
Về tiến độ giải ngân, theo báo cáo, tổng số vốn đã được UBND tỉnh giao 27.900 triệu đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2022 chuyển sang năm 2023 25.700 triệu đồng, vốn giao năm 2023 là 2.200 triệu đồng. Tổng số vốn đã giải ngân đến ngày tháng 10/2023 là 12.034 triệu đồng (đạt 43%). Toàn bộ số vốn này sẽ được giải ngân hết trong năm 2023.
Ông Phạm Đăng Khoa đánh giá, Chương trình góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông DTNT, phổ thông DTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Đến nay, 100% trường học đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ Chương trình.
Bên cạnh đó, Chương trình còn thúc đẩy việc thực hiện xóa mù chữ (XMC) cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Đến nay, Đắk Lắk đã có 12/15 xã đạt chuẩn XMC mức độ 2 (tỉ lệ 80%). Tỉnh đạt chuẩn XMC mức độ 1.
Tuy nhiên, vẫn còn 3/15 huyện mới đạt chuẩn XMC mức độ 1 (tỉ lệ 20%). Số người từ 15-60 tuổi đạt chuẩn XMC mức độ 2 là 1.333.190/ 1.424.886 người, tỉ lệ 93,56%.
Ý kiến bạn đọc