Nhiều gia đình tìm cách cho con du học từ cấp 3 hoặc mạnh tay chi tiền học thêm bất chấp chính sách “giảm kép”.
Trong 3 năm qua, Joey Lu đã học tập rất chăm chỉ nhưng em chưa thể đỗ vào trường THPT tốt ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa em khó có thể vào đại học tốt ở trong nước. Vì vậy, bố mẹ Lu đứng trước hai lựa chọn: Chi 70 nghìn nhân dân tệ để con học và thi lại vào năm sau hoặc học ở nước ngoài.
Câu chuyện của Lu là tình huống mà nhiều gia đình Trung Quốc đang phải đối mặt. Từ năm 2017, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành chính sách mới về tuyển sinh THPT. Theo đó, sau khi học hết THCS, một nửa học sinh sẽ học THPT và số còn lại chuyển sang học nghề.
Động thái trên nhằm tăng cường lực lượng lao động lành nghề quốc gia, học hỏi từ Đức, quốc gia nổi tiếng thế giới về đào tạo tay nghề cao. Theo dữ liệu từ Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, Trung Quốc sẽ thiếu 30 triệu công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất vào năm 2025. Việc phân luồng học nghề là một trong những biện pháp của chính phủ nhằm giải quyết bài toán thiếu trên.
Tuy nhiên, các phụ huynh Trung Quốc khó chấp nhận việc con học nghề sau khi tốt nghiệp THCS vì tư duy coi trọng bằng đại học. Ngoài ra, thu nhập của cử nhân đại học thường cao hơn người có bằng nghề.
Ví dụ, tại đồng bằng sông Dương Tử, một trong những khu vực kinh tế thịnh vượng nhất Trung Quốc, cử nhân đại học có thu nhập trung bình hàng tháng là 10.398 nhân dân tệ sau 3 năm làm việc. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 7.773 nhân dân tệ mà học viên trường nghề cùng độ tuổi kiếm được.
Vì vậy, ngày càng nhiều phụ huynh xây dựng kế hoạch dự phòng như nhập cư, du học nếu con không thể vượt qua sự cạnh tranh trong nước và trúng tuyển vào trường THPT chất lượng.
Đơn cử, tại Thượng Hải, luật sư Robert Wang đang nộp đơn đăng ký vào chương trình nhập cư tài năng của Hồng Kông. Anh ấy làm vậy vì con trai 12 tuổi chứ không liên quan đến tham vọng nghề nghiệp.
Anh Wang cho biết: “Kế hoạch B của vợ chồng tôi là cho con học cấp 3 ở Hồng Kông. Hiện nay, cháu phải chịu quá nhiều áp lực từ học tập và có thể không đỗ vào một trường cấp 3 công lập. Chúng tôi dự kiến trả vài trăm nghìn nhân dân tệ để xin thị thực và tôi cần sớm tìm việc làm ở Hồng Kông”.
Theo thống kê của Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục New Oriental, mức độ sẵn lòng du học của học sinh 15 - 17 tuổi đã tăng lên trong 2 năm gần đây.
Ông Ivan Zhai, giám đốc tuyển sinh một trường THPT tại Ontario, Canada, cũng cảm nhận được xu hướng này. Ông phân tích nhiều phụ huynh Trung Quốc thà chọn cho con học nước ngoài, dù điều đó gia tăng áp lực cả về tài chính lẫn sự lo lắng vì con phải xa gia đình sớm, còn hơn là học nghề. Hơn nữa, nhiều học sinh trượt cấp 3 ở Trung Quốc có trình độ học tập rất tốt và có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu đầu vào THPT ở nước ngoài.
Với những gia đình không chọn du học, họ phải tìm mọi cách cho con học thêm dù đi ngược với chính sách “giảm kép” của chính phủ. Điều này khiến chi phí nuôi dạy con cái ở Trung Quốc ngày càng trở nên đắt đỏ, làm nhiều người trẻ ngại sinh con và dẫn đến tình trạng tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp thế giới.
Tác giả bài viết: Tú Anh
Ý kiến bạn đọc