Sáng 26/12, Đảng ủy Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo xây dựng đề cương chi tiết cuốn “Đảng bộ Bộ GD&ĐT - quá trình xây dựng và phát triển, giai đoạn 1990-2020”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng và Kết luận số 515-KL/ĐUK của Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch biên soạn cuốn “Đảng bộ Bộ GD&ĐT - quá trình xây dựng và phát triển giai đoạn 1990-2020.
Cuốn sách nhằm tái hiện quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ Bộ GD&ĐT trong giai đoạn lịch sử rất quan trọng của ngành - khi Đảng xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Từ đó, tổng kết quá trình lãnh đạo, những đóng góp của Đảng bộ đối với sự phát triển của đất nước.
Cuốn sách cũng thể hiện sự tri ân các thế hệ của Đảng bộ Bộ GD&ĐT qua các thời kỳ lịch sử; đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Bộ GD&ĐT trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Hội thảo xây dựng đề cương chi tiết cuốn “Đảng bộ Bộ GD&ĐT - quá trình xây dựng và phát triển, giai đoạn 1990-2020”. |
Theo dự thảo đề cương, Lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ Bộ GD&ĐT gắn liền với lịch sử hình thành Bộ GD&ĐT.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng và đã viết nên những trang vàng vẻ vang, góp phần xây dựng, vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của đất nước.
Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, lịch sử giáo dục nước nhà sang một trang mới.
Bộ Quốc gia giáo dục là một trong những Bộ - thành viên Chính phủ - được thành lập ngày từ những ngày đầu.
Bộ Quốc gia giáo dục gồm Văn phòng Bộ và các nha: Đại học vụ, Trung học vụ, Tiểu học vụ và Nha Bình dân học vụ.
Qua các thời kỳ cách mạng khác nhau, để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn cách mạng đặt ra, tổ chức đảng của Bộ GD&ĐT đã trải qua nhiều lần tách, nhập, hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại.
Đặc biệt, từ tháng 3/1990, sau khi sáp nhập Bộ Giáo dục với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Đảng bộ Bộ GD&ĐT được thành lập.
Thời điểm đó, Đảng bộ Bộ GD&ĐT là đảng bộ cơ sở, trực thuộc Đảng bộ Khối cơ quan Khoa giáo Trung ương.
Tháng 1/1996, Đảng ủy Khối cơ quan Khoa giáo Trung ương ban hành Quyết định số 233-QĐ/ĐUK nâng cấp Đảng bộ Bộ GD&ĐT thành đảng bộ cấp trên cơ sở.
Hiện nay, Đảng bộ Bộ GD&ĐT là đảng bộ cấp trên cơ sở thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
Đảng bộ có 40 tổ chức đảng, trong đó có 7 đảng bộ cơ sở, 9 chi bộ cơ sở, 24 chi bộ trực thuộc.
Quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ Bộ GD&ĐT đã có những đóng góp rất quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đặc biệt trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khi Đảng xác định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo đề cương chi tiết cuốn “Đảng bộ Bộ GD&ĐT - quá trình xây dựng và phát triển giai đoạn 1990-2020”. |
Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Thu Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành viên Ban Biên soạn báo cáo dự thảo đề cương chi tiết cuốn “Đảng bộ Bộ GD&ĐT - quá trình xây dựng và phát triển giai đoạn 1990-2020”.
Các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi, góp ý nhiều nội dung cho dự thảo đề cương, như: tên cuốn sách; cách bố trí, sắp xếp phân kỳ giai đoạn lịch sử; tên các chương; tiêu đề và nội dung chi tiết các tiểu mục; nội dung từng chương; các tài liệu, tư liệu, hình ảnh có liên quan…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết lĩnh hội đầy đủ các ý kiến góp ý để hoàn thiện cuốn “Đảng bộ Bộ GD&ĐT - quá trình xây dựng và phát triển giai đoạn 1990-2020”.
Thứ trưởng đồng thời mong muốn trong quá trình biên soạn sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp trong toàn Đảng bộ, đặc biệt các đồng chí trong Ban Chấp hành và Lãnh đạo Đảng ủy các thời kỳ,… giúp hoàn thiện cuốn sách bảo đảm chất lượng, tiến độ, yêu cầu đề ra.
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn
Ý kiến bạn đọc