PGS.TS Trần Thị Minh Hằng. |
Việc thực hiện công tác thi đua của đơn vị đã được luật hóa và giao trách nhiệm cho người đứng đầu. Đây là phương pháp trong công tác quản lý đơn vị để tạo động lực cho người lao động.
Trong mỗi tập thể có 3 phương pháp quản lý: Hành chính đó là luật; kinh tế thông qua lương; tạo động lực. Để khuyến khích người lao động có thể bằng tinh thần (khen), vật chất (thưởng). Câu nói “một đống tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” mang hàm ý đó.
Trở về lịch sử nước ta những ngày đầu Cách mạng tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã đề ra phong trào thi đua yêu nước. Mục tiêu nhằm tạo động lực cho các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình lao động, sản xuất của cải vật chất trong lúc đất nước muôn vàn khó khăn.
Khẩu hiệu “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” của Bác Hồ đến nay còn nguyên giá trị. Đặc biệt, đối với ngành Giáo dục cần duy trì và thực hiện công tác thi đua khen thưởng thường xuyên để khích lệ sự đổi mới, sáng tạo, cống hiến cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu.
Hiện nay, công tác thi đua gặp một số khó khăn về tài chính do quỹ thi đua khen thưởng dành cho việc thưởng tại các đơn vị còn hạn chế. Trong Luật Ngân sách Nhà nước (Luật số 83/2015/QH13 của Quốc hội ban hành ngày 25/6/2015) vẫn có tỷ lệ nhất định về số tiền trích cho công tác thi đua khen thưởng tại mỗi đơn vị sự nghiệp. Luật Kế toán (Luật số 88/2015/QH13 của Quốc hội ban hành ngày 20/11/2015) cũng có quy định để các cơ sở giáo dục căn cứ vào đó thực hiện nghiêm túc.
Ngoài ra, còn tình trạng một bộ phận viên chức, giáo viên, người lao động không mặn mà với thi đua khen thưởng. Một số đơn vị biến thi đua thành ganh đua, thành tích dù bản thân không xứng đáng. Hơn nữa, trong công tác thi đua, các danh hiệu bị khống chế về tỷ lệ. Nhiều nơi danh hiệu thi đua hằng năm chỉ rơi vào đội ngũ lãnh đạo.
Do đó, để thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, người đứng đầu mỗi đơn vị, cơ sở giáo dục cần làm đúng theo quy định của Chính phủ, ngành Giáo dục và tới đây là hướng dẫn của Luật Thi đua, khen thưởng. Đồng thời, tạo động lực tinh thần cho mọi người bằng sự khách quan, công tâm. Những người đạt được danh hiệu thi đua phải thực sự xứng đáng với thành tích, nỗ lực để mọi người “tâm phục, khẩu phục”.
PGS.TS Trần Thành Nam. |
Từ thực tế triển khai cho thấy, mỗi cấp nên thành lập quỹ thi đua khen thưởng riêng. Mục tiêu để chi cho các hoạt động phong trào thi đua khen thưởng theo định kỳ hoặc đột xuất. Đề xuất việc cấp nào ký quyết định khen, cấp đó chi tiền thưởng là phù hợp.
Trong bối cảnh nguồn lực tài chính còn hạn chế, việc xây dựng quỹ thi đua khen thưởng ở mỗi cấp, đơn vị rất cần thiết. Việc này đảm bảo tính minh bạch, công bằng và có thể huy động được các nguồn xã hội hóa để có hình thức vinh danh kịp thời.
Không phải thành tích nào cũng phải khen bằng tiền hoặc nhiều tiền. Có nhiều cách khác nhau để tạo động lực cho người lao động (có thể bằng sự thỏa mãn nhu cầu được thể hiện của họ thông qua trình bày trong hội nghị chuyên môn, hoặc chương trình mang tính chất lan tỏa). Các sáng kiến, đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả kinh tế cần có phần thưởng xứng đáng. Khối doanh nghiệp và giáo dục cần liên kết chặt chẽ để tạo động lực cho người lao động.
Thực trạng “cấp trên khen nhưng thưởng do cấp dưới” cũng khiến người lao động cảm thấy không mặn mà, thiếu khuyến khích sự sáng tạo. Do đó, cấp nào khen nên tổ chức sự kiện vinh danh cá nhân tiêu biểu để thỏa mãn nhu cầu được ghi nhận của người lao động sẽ tạo động lực tốt hơn.
Cô Nguyễn Thị Huyền. |
Trường hiện có gần 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên và khoảng 2 nghìn học sinh. Một trong những điểm đặc biệt của đơn vị nằm ở công tác thi đua khen thưởng. Ngoài thực hiện nghiêm quy định của ngành Giáo dục về đánh giá, xếp loại, khen thưởng, nhà trường áp dụng nhiều hình thức khác để động viên tinh thần mọi người.
Ví như, trong giải đấu thể thao các cấp, học sinh tham gia đoạt giải hay không vẫn được lãnh đạo nhà trường động viên, khen thưởng những nỗ lực, cố gắng đã thể hiện. Với em chưa đoạt giải cao, đây là sự động viên tinh thần để tiếp tục phấn đấu ở giải lần sau. Phương pháp giáo dục mới chú trọng tới động viên, khích lệ học sinh, vì thế dù được thưởng ít nhưng giá trị tinh thần nhiều.
Khi giáo viên, học sinh thi văn hóa hoặc thể thao, nhà trường căn cứ vào đó để tăng điểm trong đánh giá xếp loại hằng tháng. Với cá nhân đạt thành tích cao được nhà trường thưởng “nóng” dưới cờ để vinh danh trước toàn thể giáo viên, học sinh. Với giáo viên đạt lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, ngoài tiền thưởng từ ngân sách huyện, trường cũng dành một khoản thưởng để động viên.
Hằng năm, nhà trường xây dựng quỹ thi đua khen thưởng theo quy định và gửi lên phòng Tài chính kế hoạch huyện phê duyệt. Trường quy định rõ các mức thưởng dành cho cá nhân đạt khen thưởng cấp Trung ương, Bộ, thành phố, huyện, trường. Học sinh đạt thành tích cao cũng được nhận thưởng của ban giám hiệu và quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc