Rào cản và khuyến nghị nâng cao chất lượng GD Đại học trong bối cảnh mới

Thứ hai - 25/12/2023 22:23 102 0
Hai thách thức mang tính toàn cầu - Theo ông, có những rào cản nào trong tiến trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt ở bối cảnh mới với nhiều thách thức hiện nay? - Đại dịch Covid-19 đã giúp chúng ta nhận ra hai thách thức mang tính toàn cầu đối với mọi hệ thống giáo dục. ...
Rào cản và khuyến nghị nâng cao chất lượng GD Đại học trong bối cảnh mới

Hai thách thức mang tính toàn cầu

- Theo ông, có những rào cản nào trong tiến trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt ở bối cảnh mới với nhiều thách thức hiện nay?

- Đại dịch Covid-19 đã giúp chúng ta nhận ra hai thách thức mang tính toàn cầu đối với mọi hệ thống giáo dục.

“Tổng quan các nghiên cứu về chất lượng giáo dục đại học Việt Nam cho thấy chúng ta luôn có hệ thống giải pháp được nghiên cứu công phu, cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp kinh nghiệm quốc tế và có sự đóng góp ý kiến rộng rãi của các bên liên quan. Yếu kém của chúng ta chính là khâu tổ chức thực hiện”. - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến

Một là, thách thức quan trọng về khả năng đáp ứng của giáo dục trước những yêu cầu phức tạp từ người học giai đoạn hậu công nghiệp gắn liền với cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hai là, thách thức bức thiết về khả năng tự cường của hệ thống giáo dục không phải chỉ để vượt qua khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên mà còn nhiều vấn đề tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Nhiều vấn đề được đặt ra trên con đường chuyển đổi từ mô hình giáo dục đại học truyền thống sang mô hình mới. Một trong những vấn đề chính yếu là làm thế nào bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở bước chuyển sang mô hình này. Câu trả lời phụ thuộc trước hết vào nhận dạng rào cản, ở cấp hệ thống và cơ sở, trong cung ứng giáo dục đại học chất lượng.

Có nhiều nghiên cứu về các rào cản trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học ngày nay; từ bất cập trong nhận thức, thể chế, cơ cấu hệ thống, đến quản trị đại học, cơ chế tài chính, hạ tầng công nghệ, năng lực và động lực…

Đối với giáo dục đại học ở các nước đang phát triển, trong bối cảnh xây dựng giáo dục đại học 4.0, trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu, Costan và cộng sự (2021) đã chỉ ra 12 rào cản thuộc phạm vi các cơ sở giáo dục đại học.

Cụ thể rào cản về an ninh mạng; chi phí tốn kém; thiếu tri thức và kinh nghiệm trong sử dụng công nghệ số cho giáo dục; sự sẵn sàng của các bên liên quan; nguồn lực phát triển nghề nghiệp liên tục đối với nhà giáo; sự hợp tác của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng; năng lực đổi mới chương trình đào tạo; công nghệ tiên tiến; tác động tiêu cực của công nghệ lên sức khỏe thể chất, tinh thần người dạy và học; gia tăng áp lực công việc lên nhà giáo; tính phức tạp của dạy và học trên nền tảng số; chất lượng giáo dục phổ thông bất cập trước yêu cầu triển khai giáo dục đại học 4.0.

Có thể thấy, những rào cản trên cũng đúng với các cơ sở giáo dục đại học nước ta.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.

5 điểm nghẽn tồn tại dai dẳng

- Hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học không ngừng được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện; nhưng sự chuyển biến về chất lượng không như kỳ vọng. Ông có thể lý giải điều này?

- Tôi cho rằng, lý do không nằm ở sự yếu kém của hệ thống giải pháp vì các giải pháp luôn được xây dựng trên cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu công phu, có tham vấn của bên liên quan, đóng góp ý kiến rộng rãi toàn xã hội. Vấn đề chính của tình trạng yếu kém dai dẳng là việc tổ chức thực hiện.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới, vấn đề không phải ở đề xuất giải pháp, mà là nhận dạng những điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện.

Dưới đây là các điểm nghẽn, yếu kém và bất cập tồn tại dai dẳng suốt những năm qua trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Thứ nhất là tình trạng chồng chéo, thiếu nhất quán của hệ thống văn bản pháp luật. Một đặc trưng nổi bật của giáo dục đại học Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học chịu nhiều đầu mối quản lý. Kéo theo đó hệ thống văn bản luật và dưới luật phức tạp, chồng chéo, thiếu nhất quán mà cơ sở giáo dục đại học phải tuân theo khi thực thi quyền tự chủ.

Vì vậy, dù thiện chí của nhà hoạch định chính sách khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học là gỡ bỏ rào cản trong phát huy quyền tự chủ đại học, nhưng các quy định chồng chéo, không đồng bộ của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính khiến cơ sở giáo dục đại học gặp nhiều khó khăn trong phát huy quyền tự chủ với tư cách một công cụ quản lý để cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo - giảng viên cao cấp Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên hướng dẫn sinh viên. Ảnh: NVCC

PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo - giảng viên cao cấp Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên hướng dẫn sinh viên. Ảnh: NVCC

Thứ hai là hiệu lực thi hành của văn bản pháp luật thấp. Môi trường pháp luật với yêu cầu đề cao tính nghiêm minh pháp luật chưa thực sự hình thành ở mọi cấp, ở cả chủ thể lẫn đối tượng quản lý.

Thứ ba, thiếu cân bằng giữa các nhiệm vụ, giải pháp với nguồn lực cần thiết để thực hiện. Các đề án thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam nói chung, nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói riêng, bao giờ cũng có một hệ thống giải pháp đầy đủ trên cơ sở tiếp thu ý kiến mọi bên có liên quan, đồng thời quy định về nguồn kinh phí.

Nhưng quy định này chỉ chung nhất, với mệnh đề như “Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ nguồn ngân sách Nhà nước, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn xã hội hóa và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định pháp luật hiện hành”. Đây là nguồn kinh phí không rõ ràng, cụ thể, không thể đáp ứng được yêu cầu hoàn thành khối lượng nhiệm vụ nhiều, toàn diện. Điều đó kéo theo việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đến đâu hay đó.

Thứ tư, thiếu cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các bộ, ngành trong quản lý Nhà nước về giáo dục nói chung, nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói riêng.

Mặc dù, các văn bản chỉ đạo luôn có sự phân công về tổ chức thực hiện giữa các bộ, ngành, nhưng thực tế triển khai, ngành Giáo dục thường rơi vào thế đơn độc. Như đã chỉ ra trong Báo cáo Việt Nam 2035 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2016), Việt Nam đã đẩy mạnh phân công, phân cấp trong quản lý Nhà nước về giáo dục nhưng do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực đi đôi với trách nhiệm giải trình không rõ ràng nên hậu quả hiện nay là cấu trúc Nhà nước cát cứ và manh mún.

Sự phân mảnh quyền lực theo chiều ngang giữa các cơ quan Trung ương với nhau và theo chiều dọc giữa Trung ương, địa phương dẫn tới tình trạng chồng lấn về thẩm quyền, xung đột lợi ích. Thay vào đó là cơ chế phối hợp mang tính hình thức, lợi ích ngành chi phối tư duy và hành động. Cơ chế giải trình về trách nhiệm của các bộ, ngành trong quan hệ phối hợp cùng chế tài xử lý vi phạm công tác phối hợp quản lý và triển khai, nâng cao chất lượng giáo dục đại học còn thiếu.

Thứ năm, cơ chế giám sát, đánh giá còn mang tính hình thức, nặng về báo cáo thành tích và lạc hậu về phương pháp.

Cơ chế này bấy lâu nay thực hiện trong ngành Giáo dục nước ta thông qua phương thức báo cáo từ dưới lên, với nội dung tập trung chủ yếu vào đánh giá các yếu tố đầu vào cùng tuân thủ quy định ban hành từ trên xuống.

Hạn chế này của công tác giám sát, đánh giá dẫn đến tình trạng ngành Giáo dục không có câu trả lời thuyết phục trước công luận về rào cản trong tiến trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học; đặc biệt là bất cập trong tổ chức thực hiện. Đáng quan tâm là nó không cung cấp được các thông tin tin cậy, kịp thời để phục vụ việc nhận dạng yếu kém, chỉ ra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm, để từ đó có giải pháp hữu hiệu trong việc rút ngắn khoảng cách.

Sinh viên Trường Đại học Phenikaa trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường Đại học Phenikaa trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng

- Trước những vấn đề đưa ra ở trên, theo ông lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục đại học là gì?

- Việt Nam đã hình thành các thế hệ chính sách và giải pháp trong việc tìm lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục đại học; từ giải pháp riêng lẻ về phát huy tự chủ đại học, đẩy mạnh bảo đảm và kiểm định chất lượng… đến giải pháp toàn hệ thống như Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020; hoặc Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025.

Vì vậy, vấn đề với Việt Nam không phải là đề xuất chính sách, giải pháp vượt qua rào cản trên con đường nâng cao chất lượng giáo dục đại học, mà là đề xuất về chính sách, cách thức để tháo nút thắt trong tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Trên cơ sở nhận dạng các nút thắt này, xin đề xuất một số khuyến nghị cần được triển khai ngay như sau:

Đối với Quốc hội: Tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật, phát hiện các quy định pháp lý chồng chéo, không đồng bộ, thiếu nhất quán, thậm chí xung đột nhau giữa Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2018) với các luật khác có liên quan; tổ chức chỉnh lý, bổ sung, sớm ban hành khung pháp lý nhất quán, minh bạch, rõ ràng, thông thoáng để các cơ sở giáo dục đại học tự tin đổi mới sáng tạo trong phát huy quyền tự chủ đại học để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá dựa trên kết quả đầu ra để bảo đảm các văn bản pháp quy về giáo dục được thực hiện hiệu lực và hiệu quả.

Về vấn đề này, vận dụng kinh nghiệm quốc tế và thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần chuyển giao công việc mà cơ quan hành chính Nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho các tổ chức xã hội đảm nhận, Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ có thể đặt hàng để Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thực hiện giám sát và đánh giá với tư cách một cơ quan độc lập.

Đối với Bộ GD&ĐT: Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học (HEMIS), đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ, minh bạch các chỉ báo hoạt động cơ bản (KPI) của giáo dục đại học, tạo cơ sở dữ liệu khách quan và tin cậy trong việc cung cấp thông tin cho công tác giám sát và đánh giá, đo lường bước tiến về chất lượng của giáo dục đại học, nhận dạng những yếu kém, bất cập trong tổ chức thực hiện, làm rõ trách nhiệm giải trình, đề xuất giải pháp để từng bước tiến lên.

“UNESCO có nghiên cứu bài bản, công phu về rào cản chung mà các hệ thống giáo dục đại học đang đối diện trước bài toán nâng cao chất lượng trong bối cảnh mới khi nhu cầu học tập đại học hết sức đa dạng, linh hoạt và khác trước. Các rào cản đưa ra đa dạng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chương trình đào tạo, cấu trúc bằng cấp, trình độ của đội ngũ, sự tham gia của các bên liên quan, bảo đảm và kiểm định chất lượng, công nhận văn bằng, vai trò của Chính phủ”. - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập817
  • Hôm nay50,121
  • Tháng hiện tại328,251
  • Tổng lượt truy cập51,684,210
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944