Tuần qua, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020, được sửa đổi bổ sung bởi thông tư 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 và Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 3 về ”Bài thi” như sau:
Tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn); 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.
Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp (đối với thí sinh tự do). Thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến: trách nhiệm của thí sinh; khu vực ra đề thi, in sao đề thi và các yêu cầu bảo mật; quy trình tổ chức coi thi và trách nhiệm thực hiện; khu vực chấm thi; Ban Làm phách bài thi tự luận; chấm bài thi tự luận…
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, về cơ bản kỳ thi giữ ổn định như năm 2023 nên tạo thuận lợi để học sinh có thể yên tâm học, ôn luyện. Thầy cô cũng sẽ lưu ý để hướng dẫn, chuẩn bị cho học sinh tốt nhất.
Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, thầy Tô Lâm Viễn Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM) chia sẻ, nội dung dự thảo về cơ bản tương tự các năm học trước. Dự thảo điều chỉnh, làm rõ thêm một số nội dung trước đây chưa đề cập kỹ. Ví như việc học sinh được đăng ký thi Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ học trong trường. Trước đây, quy chế không đề cập đến, nay đã có, sẽ tạo sự thống nhất, tạo yên tâm cho thí sinh. Đối với học sinh THPT, quy chế không thay đổi lớn nên các em có thể yên tâm ôn thi tương tự năm trước.
Trả lời báo Thanh Niên, ông Huỳnh Thanh Phú, HIệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM), cho biết, sau khi cán bộ chuyên trách học vụ của nhà trường tham gia lớp tập huấn của Sở GD-ĐT TP.HCM thì nhà trường sẽ tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên. Theo đó, giáo viên sẽ nắm bắt thông tin về công tác tổ chức thi, nắm quy trình, những nội dung được hay không được thực hiện... trên nguyên tắc "đúng quy cách, đủ quy trình". Từ đó sẽ có những hướng dẫn cho học sinh chuẩn bị đồ dùng vật dụng đúng quy định, tránh tình huống vi phạm mà không biết vì sao.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đồng chủ trì Hội nghị về công tác pháp chế giữa hai Bộ năm 2023. |
Tuần qua, Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa hai Bộ năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đồng chủ trì.
Báo cáo đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp năm 2023 cho thấy, năm vừa qua, công tác phối hợp giữa hai Bộ được triển khai thực hiện một cách toàn diện trên các mặt công tác pháp chế như công tác xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); pháp điển, hợp nhất...
Trong năm 2023, đội ngũ những người làm công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT ngày càng trưởng thành, được đánh giá là một trong các tổ chức pháp chế mạnh trong khối các Bộ, ngành. Chất lượng văn bản do Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền đã đảm bảo về chất lượng và tiến độ.
Ghi nhận kết quả của công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT năm 2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Các kết quả công tác pháp chế năm 2023 cho phép tin tưởng Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp chế giai đoạn 2020 - 2025 giữa hai Bộ sẽ đạt được những kết quả quan trọng và to lớn hơn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và Bộ GD&ĐT”.
Còn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao kết quả phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua; đồng thời đề nghị các đơn vị hai Bộ tiếp tục bám sát nội dung chương trình, kế hoạch phối hợp để đạt được các mục tiêu đề ra. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo sát sao các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp năm 2024.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1. Ảnh: INT. |
Một trong những vấn đề giáo dục thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận trong tuần qua là việc tổ chức bữa ăn cho học sinh bán trú tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Theo đó, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về tình trạng các bữa ăn cho học sinh tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà không đảm bảo về định lượng theo định suất quy định, thực phẩm kém chất lượng”.
Trước vấn đề trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1385/CĐ-TTg ngày 20/12/2023 về tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát việc tổ chức, thực hiện các bữa ăn cho trẻ mầm non, học sinh bán trú, nội trú, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ GD&ĐT có Công văn số 7073/BGDĐT-GDDT ngày 18/12/2023 gửi UBND tỉnh Lào Cai về việc tăng cường chỉ đạo, quản lý thực hiện chính sách đối với giáo dục dân tộc và đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục.
Trong đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Lào Cai tăng cường chỉ đạo, quản lý việc thực hiện đầy đủ chính sách về giáo dục dân tộc, đặc biệt quan tâm chính sách đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông ở xã thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan.
Tác giả bài viết: Phạm Khánh
Ý kiến bạn đọc