Nhiều trường vùng cao chưa được công nhận là trường dân tộc bán trú, song vẫn có số lượng nhất định học sinh thuộc diện bán trú. Nhà trường không có cơ chế chính sách cho nhân viên, giáo viên nấu ăn, trực quản lý học sinh bán trú; xây dựng và bổ sung cơ sở vật chất nhà ở nội trú, bếp ăn học sinh… Tuy nhiên, để giữ chân trò, thầy cô nhận mọi khó khăn về mình để lo từng bữa ăn, giấc ngủ.
Sau giờ dạy trên lớp, thầy Tôn Long Được (giáo viên lớp 4A, Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Du, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) tổ chức cho học sinh bán trú ăn trưa và bổ trợ kiến thức cho các em học yếu.
Theo thầy Được, năm học 2022 - 2023 khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, học sinh không còn được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, có những em nhà cách trường 10 - 20km nên không thể đi về trong ngày. Do đó, nhà trường tổ chức bán trú dân nuôi cho 40 học sinh, trong đó có 15 em ở lại từ thứ Hai đến thứ Sáu. Thương học sinh khó khăn, xa gia đình nên thầy Được cùng một số giáo viên ở lại chăm sóc cho các em từ miếng ăn đến giấc ngủ. Tối đến, giáo viên hướng dẫn các em học tập để nâng cao kiến thức.
“Việc trông coi, chăm lo cho học sinh đều miễn phí vì chúng tôi xem các em như con, cháu trong nhà. Tuy khó khăn, vất vả nhưng nếu không thực hiện thì các em có nguy cơ bỏ học”, thầy Được nói.
Thầy Nguyễn Ngọc Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Du cho biết, toàn trường có 343/498 học sinh dân tộc Thái, Mường… Phụ huynh đa số làm công nhân cạo mủ cao su, sáng sớm đi làm đến tối muộn mới về nhà nên ít có thời gian quan tâm, hướng dẫn con học tập. Để duy trì tỷ lệ chuyên cần, nhà trường tổ chức cho 40 em ở bán trú tại trường.
Tuy nhiên, điều kiện gia đình khó khăn nên nhà trường vẫn kêu gọi các công ty, doanh nghiệp quan tâm và hỗ trợ kinh phí để thuê cô nuôi. Riêng cán bộ, giáo viên trông coi học sinh bán trú thì không được hưởng bất kỳ khoản hỗ trợ nào.
“Một phó hiệu trưởng cùng 3 giáo viên lo ăn, ở và hướng dẫn các em bán trú học tập. Dù không có chi phí hỗ trợ nhưng thầy cô rất nhiệt tình và hết lòng vì học sinh. Để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh có con ở bán trú và đa dạng nguồn thực phẩm, nhà trường tổ chức trồng thêm rau xanh. Tuy có phần vất vả nhưng nếu không tổ chức bán trú thì khó duy trì tỷ lệ chuyên cần”, thầy Linh chia sẻ.
Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) có 669 học sinh, 97% các em là người dân tộc thiểu số. Cô Hiệu trưởng Hồ Thị Thuỳ Vân cho hay, số học sinh người địa phương đông, nhưng chỉ có 394 em được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116, gồm: 15kg gạo, 149.000 đồng tiền ở và 569.000 đồng tiền ăn/tháng. Ngoài ra, 667 học sinh được nhận khoản hỗ trợ về chi phí học tập. Thế nhưng không có cơ chế, chính sách cho giáo viên nấu ăn, trực quản lý học sinh bán trú và kinh phí xây dựng và bổ sung cơ sở vật chất nhà ở nội trú, bếp ăn học sinh…
Ngoài 394 học sinh được hỗ trợ tiền ăn trưa, thời gian đầu, cán bộ, giáo viên nhà trường trích tiền túi để nấu thêm cho 63 em không có chế độ ở điểm trường Ty Tu. Qua công tác truyền thông, kêu gọi, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ để duy trì bữa ăn bán trú cho 63 học sinh, còn phụ huynh góp thêm rau, củ hoặc củi.
Mỗi ngày khi nấu cơm cho học sinh tại điểm trường chính, cô nuôi hỗ trợ thêm phần ăn cho các em ở điểm Ty Tu. Những giáo viên nào trống tiết thì luân phiên nhau mang cơm, thức ăn vào điểm trường lẻ và tổ chức cho học sinh ăn trưa. Sau khi lo cho học sinh ăn uống, dọn dẹp xong giáo viên trở về tiếp tục công tác giảng dạy.
Trường Tiểu học xã Đăk Hà kêu gọi nhà hảo tâm tổ chức bữa ăn bán trú cho 63 học sinh không có chế độ ở điểm trường Ty Tu. |
Cô Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) chia sẻ: “Mặc dù vẫn có tên là trường PTDTBT nhưng thực chất, đây không phải là trường bán trú nữa. Bởi lẽ, từ tháng 6/2021, trường nằm trên địa bàn xã vùng 1 theo Quyết định 861. Số học sinh được hưởng bán trú dưới 25% nên không đủ để duy trì mô hình trường bán trú”.
Năm học 2022 - 2023, Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết có 21 lớp với 462 học sinh. Trong đó, 43 em được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116. Ngoài ra, 153 em được nuôi ăn tại trường theo hình thức bán trú dân nuôi. Các em được hỗ trợ theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh Lai Châu (30% mức lương cơ bản) cùng với đóng góp của gia đình (10kg gạo/tháng). Cùng với đó, nhà trường cũng có 27 học sinh vì lý do nhà xa nên được phụ huynh đóng góp kinh phí và gạo để ở bán trú, thuận lợi cho việc học tập.
"Dù không phải trường bán trú nhưng do học sinh ở các điểm bản cách xa trường nên chúng tôi huy động tối đa trò từ lớp 3 trở lên về học tại trung tâm. Vì vậy, nhà trường phải vận động phụ huynh cho con em ăn, ở tại trường như học sinh bán trú để thuận lợi cho việc học và tham gia các hoạt động. Cũng may phụ huynh đều đồng thuận và đóng góp kinh phí 400.000 đồng cùng 10kg gạo mỗi tháng”, cô Trần Thị Hằng chia sẻ.
Trường Tiểu học Sơn Lang hướng dẫn các em bán trú vệ sinh cá nhân. |
Không chỉ trò bị cắt chế độ, khi trường chuyển về vùng 1, mọi chế độ của giáo viên có nhiều thay đổi. Ưu đãi khu vực giảm từ 70% giảm xuống còn 50%. Chế độ lâu năm, thu hút đều bị cắt giảm. Chia sẻ thông tin, cô Hằng đồng thời trăn trở: “Mọi công việc vẫn giống như trường bán trú nhưng giáo viên lại không được hưởng chế độ. Mong muốn của thầy cô giáo công tác tại trường là được các cấp có thẩm quyền xem xét và chia sẻ đối với các xã thuộc vùng 1 là xã biên giới vẫn được hưởng các chế độ như xã đặc biệt khó khăn”, cô Trần Thị Hằng bày tỏ.
Không chỉ Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, toàn huyện Phong Thổ hiện có 7 trường vẫn giữ nguyên tên cũ sau khi xã về đích nông thôn mới. Mặc dù mang tên là trường bán trú, thực hiện các nhiệm vụ giống như một trường bán trú nhưng giáo viên lại không được hưởng chế độ đi kèm.
Cùng với đó, 3 trường là Tiểu học - THCS Mồ Sì San, THCS Sì Lở Lầu, Tiểu học - THCS Số 1 Bản Lang dù không mang tên trường bán trú nhưng vẫn có học sinh lưu trú tại trường. Việc quản lý học sinh bán trú ở những trường trên cũng giống như các trường phổ thông chuyên biệt. Mỗi trường đều thành lập ban quản lý bán trú, đội tự quản. Cùng với đó, xây dựng nội quy, lịch trực bán trú và tổ chức nấu ăn cho học sinh
Theo ông Khổng Văn Thiện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ, dù không phải trường bán trú nhưng các trường đều xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng và phân công nhiệm vụ đầy đủ cho các thành viên tham gia trực, làm công tác bán trú. Có đầy đủ hệ thống hồ sơ, chứng từ kế toán, an toàn thực phẩm... Tuy nhiên, cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường không được hưởng bất cứ chế độ hỗ trợ nào.
“Từ thực tế địa phương, chúng tôi mong được hạ bớt tỷ lệ phần trăm quy định đối với đơn vị chưa đủ điều kiện để thành lập trường PTDTBT. Cùng với đó, có chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên tham gia nuôi dưỡng học sinh bán trú tại các trường không phải là trường chuyên biệt”, ông Khổng Văn Thiện cho biết.
Trẻ Trường Mầm non Xá Lượng huyện Tương Dương trong chiếc áo ấm do nhà hảo tâm tặng. |
Năm học này, Trường THCS Hàm Rồng, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) có 581 học sinh, trong đó 580 em là người dân tộc thiểu số. Số học sinh ở bán trú là 100 em, chiếm 17,2%, không đủ để thành lâp trường bán trú. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Loan, Trường THCS Hàm Rồng thuộc phường Hàm Rồng (vùng 2). Trong đó, 100 % học sinh thuộc tổ dân phố đặc biệt khó khăn. Trường cũng đóng chân trên địa phận tổ dân phố đặc biệt khó khăn. Do đó, chế độ tiền lương của giáo viên không ảnh hưởng. Học sinh ở bán trú vẫn được hưởng tiền ăn 596.000 đồng và 15kg gạo/tháng nên phụ huynh không phải đóng góp cho con em.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Rồng cũng chia sẻ: Có học sinh ở bán trú, đơn vị thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng như các trường PTDTBT khác. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch trực quản hằng ngày và tổ chức các hoạt động bán trú theo đúng quy định mà trường PTDTBT phải thực hiện như tổ chức nấu ăn 3 bữa/ngày, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho học sinh dưới sự kiểm soát của phòng GD&ĐT và chính quyền địa phương.
Trường THCS Hàm Rồng hiện có 30 cán bộ, giáo viên. Việc trực quản và tổ chức các hoạt động cho học sinh bán trú được nhà trường phân công 100% cán bộ, giáo viên tham gia. Tuy nhiên, mỗi tháng nhà trường chỉ được hỗ trợ 1 định suất trực quản bán trú bằng 150% mức lương cơ sở tương đương 2.230.500 đồng. Tính ra, mỗi thầy cô được khoảng 80.000 đồng. Trong khi đối với các trường PTDTBT, toàn bộ cán bộ, giáo viên trực quản được 0,3 mức lương cơ sở tương đương với 447.000 đồng/ tháng và chỉ phải áp định mức dạy 17 tiết mỗi tuần.
So sánh sự chênh lệch đó, cô Nguyễn Thị Thu Loan bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn có chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên như các trường PTDTBT. Cùng với đó, chi trả chế độ trực và quản lý bán trú cho cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mong được cấp kinh phí để mua thuốc, đồ dùng thể thao cho học sinh bán trú”.
Năm học này, Trường THCS Sì Lở Lầu huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) có 12 lớp với tổng số 447 học sinh. Trong đó, có 95 học sinh thuộc diện bán trú được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116. Hiện trường có 16 giáo viên, so với định mức giao còn thiếu 8 biên chế. Thiếu giáo viên khiến hầu hết thầy cô trong trường phải giảng dạy quá số tiết so với định mức. Ngay cả thành viên ban giám hiệu cũng phải đứng lớp vượt định mức.
Vất vả là vậy nhưng nhà trường lại phải “gánh” thêm nhiệm vụ nữa là chăm lo cho học sinh bán trú. Nhà trường và các tổ trưởng lên kế hoach chi tiết để phân bổ giáo viên vừa dạy học vừa làm công tác bán trú. Xây dựng quy chế phù hợp với điều kiện của nhà trường và từng bộ phận; phân công công việc rõ ràng, cụ thể cho từng bộ phận, cá nhân một cách hợp lý. Cùng với đó, quan tâm động viên, kiểm tra nhắc nhở, đánh giá công việc của từng bộ phận, cá nhân theo kế hoạch phân công.
“Thực hiện những công việc hằng ngày như một trường bán trú nhưng giáo viên ở Trường THCS Sì Lở Lầu lại không nhận được bất cứ chế độ nào cho công tác này. Dù vậy, tất cả thầy cô trong trường đều xác định rõ phải hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và quản lý học sinh như trường PTDTBT. Tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm động viên chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức, ban, ngành để giáo viên có thêm động lực hoàn thành công việc tốt hơn. Học sinh được chăm sóc tốt hơn”, thầy Tạ Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.
Tương tự, Kỳ Sơn là huyện vùng cao biên giới khó khăn bậc nhất tỉnh Nghệ An, 95,8% bà con là người tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Hoa… Năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 72 trường, trong đó có 28 trường phổ thông dân tộc bán trú. Bao gồm 11 trường tiểu học, 12 trường THCS, 4 trường tiểu học và trung học cơ sở, 1 trường THPT với hơn 8.000 học sinh hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116. Bên cạnh đó, có 18 trường tổ chức cho học sinh ăn, ở bán trú tập trung tại điểm trường chính nhưng chưa được công nhận trường PTDTBT.
Chia sẻ thông tin, ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn đồng thời cho hay: Việc thành lập các trường PTDTBT ở cấp tiểu học gặp nhiều khó khăn, triển khai chậm hơn ở cấp THCS. Trong khi đây là việc cấp thiết để nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh, đặc biệt là thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình.
Theo đó, Ngoại ngữ và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3. Việc bố trí giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đủ cho tất cả điểm trường lẻ rất khó khăn. Vậy nên cần tổ chức sắp xếp, dồn dịch lại các điểm trường lẻ. Điều này cũng góp tiết kiệm được biên chế, ngân sách cho nhà nước, có thêm nguồn lực tập trung đầu tư cho các điểm trường chính.
Hiện nay, học sinh DTBT được nhà nước hỗ trợ chi phí, nhà trường bố trí ăn nghỉ tại trường, giảm gánh nặng cho bố mẹ. Học sinh, ngoài học tập, còn được giáo dục kỹ năng sống, tự chăm sóc bản thân, kỹ năng tự lập…, có nền tảng vững chắc khi học lên cấp học cao hơn. Do đó, việc tổ chức theo mô hình bán trú tạo điều kiện để các em được học tập tốt nhất, giảm bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục.
Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị có học sinh bán trú nhưng chưa được công nhận là trường phổ thông DTBT. Vì vậy, giáo viên, nhân viên phải dạy học, làm việc, chăm sóc quản lý học sinh như các trường bán trú nhưng lại chưa có chế độ chính sách tương ứng.
Xuất phát từ thực tế, cũng như nhu cầu chất lượng giáo dục toàn diện, ngành Giáo dục vẫn quyết tâm thực hiện thí điểm và từng bước làm hồ sơ gửi các cấp chính quyền công nhận trường PTDTBT trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, Kỳ Sơn đã xóa được 22 điểm bản.
Từ năm học 2020 - 2021, huyện có 3 đơn vị đưa tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 về học tại cơ sở chính, xóa hoàn toàn điểm trường lẻ; 30 đơn vị đưa tất cả học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 về học tại điểm trường chính. Đồng thời thường xuyên tổ chức hội thảo cấp tỉnh về mô hình trường bán trú để các trường được học tập, chia sẻ kinh nghiệm.
Phòng GD&ĐT cũng xây dựng, tham mưu UBND huyện ra Quyết định về Kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2018; Đề án dạy học Ngoại ngữ, Tin học… Bên cạnh đó, rà soát các điểm trường lẻ, cơ sở vật chất để xây dựng kế hoạch sát nhập các điểm trường theo lộ trình.
“Trong thời gian tới, tôi đề xuất cấp trên sớm có quyết định công nhận trường PTDTBT khi đã đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và bố trí định biên để nhà trường hoạt động hiệu quả. Đặc biệt bố trí thêm định biên nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho học sinh”, ông Phạm Viết Phúc trao đổi.
Ý kiến bạn đọc