Chưa bao giờ giáo dục chịu tác động mạnh mẽ, lớn lao như năm học 2019 - 2020 này, khi dịch bệnh Covid-19 buộc cả xã hội phải đối diện, thay đổi và thích ứng.
Nhằm tìm ra những cách làm, hướng đi hiệu quả, Đại học Thái Nguyên và CLB hiệu trưởng các trường THPT tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tiến hành tham vấn ý kiến những người làm công tác quản lý giáo dục.
Các ý kiến được đặt ra tập trung vào các vấn đề chính như: Việc ổn định tình hình dạy học, việc duy trì đảm bảo chất lượng dạy học, công tác thi cử và tuyển sinh, sự liên thông phối hợp giữa các nhà trường và các cấp giáo dục.
Đáng chú ý, làm thế nào để giáo dục đại học và giáo dục phổ thông có những gắn kết thực sự chặt chẽ, mang tính đồng bộ là một vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Dưới đây là một số ý kiến về các vấn đề đã nêu:
“Xác định mục tiêu của giáo dục là phát triển toàn diện con người, chúng ta thấy cần phải tạo điều kiện và cơ hội để cho nhiều người được tiếp cận việc học tập. Cho nên, từ hệ thống quản lý cho tới các thầy cô giáo, chúng ta cần có cái nhìn mới, để từ đó đưa ra những phương thức linh hoạt và phù hợp trong giáo dục.
Tôi cho rằng, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học có thể hướng đến việc kết nối thành một chuỗi để có sự hợp tác thực sự hiệu quả. Chỉ có như vậy chúng ta mới tạo ra một môi trường tốt nhất, ý nghĩa nhất cho giáo dục”.
“Trong tình hình hiện nay, để đảm bảo chất lượng dạy học, cần giải quyết một số vấn đề trước mắt. Sự an toàn sức khỏe, sự ổn định tâm lý tư tưởng phải được đặt lên hàng đầu. Những yêu cầu về giãn cách, về kết hợp cùng lúc nhiều phương thức dạy học khác nhau như hiện nay gây ra khá nhiều khó khăn cho các nhà trường.
Về vấn đề mang tính lâu dài, tôi cho rằng chúng ta cần thúc đẩy tốt hơn sự phối hợp giữa các bậc học. Các trường đại học, cao đẳng có nguồn lực rất tốt để hỗ trợ các trường phổ thông về nghiên cứu khoa học, về dạy học, thực hành thực tập… Trong khi đó, các trường phổ thông chính là nơi để giúp các trường đại học cao đẳng có môi trường để tiến hành nghiên cứu, ứng dụng…”.
“Năm học này đang có những tác động lớn đến việc học tập của học sinh. Chúng tôi mong muốn và đề nghị phía Bộ GD&ĐT cũng như các trường đại học cao đẳng xây dựng một quy chế tuyển sinh có tính ổn định, để không bị ảnh hưởng đến sự chuẩn bị, sự lựa chọn của các em.
Trong giáo dục & đào tạo hiện nay, vấn đề được học sinh cũng như các phụ huynh quan tâm nhất là câu chuyện về đầu ra, về việc làm. Đây là điều mà các thầy cô giáo, các nhà trường cần phải thông tin một cách sâu rộng, đầy đủ, sát thực nhất cho người học.
Xa hơn nữa, chúng ta có thể tính đến việc lựa chọn một số nội dung cụ thể phù hợp trong chương trình phổ thông để phối hợp với các trường đại học cao đẳng ngay trong quá trình dạy học, trải nghiệm hằng ngày”.
“Những điều chỉnh và thay đổi về các kỳ thi như hiện nay, chúng tôi cho rằng là cần thiết, phù hợp với tình hình điều kiện thực tế.
Một số học sinh hiện có tâm lý băn khoăn, lo lắng trước những thay đổi hoặc những quy định mới. Chúng tôi luôn trao đổi động viên học sinh để các em thấy rằng dù có tổ chức kỳ thi theo phương thức nào, nếu chuẩn bị chu đáo cả về kiến thức lẫn tâm lý thì sẽ có kết quả tốt.
Chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành quy chế thi cũng như các quy định liên quan một cách rõ ràng, chính thức, để học sinh yên tâm chủ động học tập ôn luyện”.
“Về vấn đề tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như phương thức tuyển sinh đại học cao đẳng, hiện nay học sinh cũng có nhiều băn khoăn. Rất cần có những thông báo, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, kịp thời của Bộ để học sinh sớm được yên tâm, ổn định tâm lý, tập trung học tập.
Việc tổ chức các kỳ thi thì đó là vấn đề của luật, của các quy định chung rồi. Vấn đề là, dù thực hiện theo phương thức nào chăng nữa, chúng ta vẫn cần thông báo sớm, để tập trung dạy học, giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất”.
“Các trường đại học chúng tôi hoàn toàn có thể phối hợp với các trường THPT ngay trong quá trình dạy học chương trình phổ thông.
Chúng tôi có thể cử giảng viên hướng dẫn các thầy cô giáo và các em học sinh nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực hành. Nếu cần, các phòng thí nghiệm với điều kiện máy móc phương tiện đảm bảo luôn sẵn sàng mở cửa đón các em đến thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu”.
“Khi lựa chọn một ngành nghề, các em học sinh cũng như phụ huynh sẽ cần quan tâm xem xét đến các vấn đề cốt yếu như: điều kiện dạy học, chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp…
Tôi cho rằng, trách nhiệm của các nhà trường phổ thông và các trường đại học cao đẳng là phải phối hợp cùng nhau, giúp các em tìm hiểu thông tin một cách sát thực, đầy đủ, kịp thời, để các em có thể đưa ra những lựa chọn phù hợp và tốt nhất cho mình”.