Thầy cô dày công bù đắp thiếu hụt kỹ năng cho học sinh dân tộc thiểu số

Thứ bảy - 25/09/2021 20:01 318 0
GD&TĐ - Để bù đắp những thiếu hụt, khó khăn của học trò dân tộc thiểu số, nhà trường không chỉ dày công dạy kiến thức, mà còn tăng cường hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, rèn kỹ năng cho các em.
Thầy cô dày công bù đắp thiếu hụt kỹ năng cho học sinh dân tộc thiểu số

Bài học từ bước đầu bỡ ngỡ

Dù không có nhiều thời gian chuẩn bị cho năm học mới, nhưng đến nay hơn 300 học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã quen với giờ giấc học tập, sinh hoạt tập thể.

Theo cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng nhà trường, khó khăn nhất là các em người Thái, Mông mới vào lớp 6, thuộc diện bán trú. Lần đầu xa gia đình, nhiều em chưa biết tự chăm sóc bản thân, chưa quen sử dụng các trang bị hiện đại, kỹ năng Tiếng Việt chưa thành thạo, ngại giao tiếp.

Thầy cô dày công bù đắp thiếu hụt kỹ năng cho học sinh dân tộc thiểu số - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) năm nay được ở trong khu nhà bán trú mới khang trang, sạch đẹp

Trước thực tế đó, nhà trường đã giao giáo viên phụ trách từng lớp lồng ghép các hoạt động giáo dục nội quy, kỹ năng cho học sinh. Đồng thời, dành thời gian dạy các em những điều cơ bản, nhỏ nhất. Từ cách vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, giặt quần áo, chào hỏi, giao tiếp và ý thức sinh hoạt tập thể....

Năm nay, Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền được nhận cơ sở vật chất mới bao gồm trường lớp và khu nhà ở bán trú kiên cố, khang trang cho học sinh. Vì vậy, các em không còn phải chịu cảnh ở và sinh hoạt trong những gian nhà lợp tạm bằng tranh tre.

“Chúng tôi cũng dành thời gian để hướng dẫn các em sử dụng phòng ở mới, nhà vệ sinh, khu vực tắm giặt. Nhắc nhở học sinh bán trú ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo quản đồ dùng sinh hoạt cá nhân, tập thể. Dù có những bỡ ngỡ, mới lạ, nhưng học sinh của trường nhìn chung rất ngoan, biết vâng lời thầy cô, và tiếp thu nhanh những thay đổi trong môi trường bán trú mới”, cô Nhung cho hay.

Thầy cô dày công bù đắp thiếu hụt kỹ năng cho học sinh dân tộc thiểu số - Ảnh minh hoạ 3
Học sinh tập thói quen sử dụng, bảo quản thiết bị và giữ gìn vệ sinh chung khi ở bán trú tại trường.

Theo cô Nguyễn Thị Nhung, học sinh DTTS còn nhiều thiệt thòi so với các bạn vùng thuận lợi. Trước hết do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà cùng ông bà. Có em lại mồ côi hoặc có người thân dính vào ma túy. Vì vậy, nhà trường càng phải quan tâm, hỗ trợ, động viên các em. Mỗi dịp đầu năm học, giáo viên đều đến từng bản, vào tận nhà tặng sách vở, đồ dùng học tập, khích lệ tinh thần học sinh. Mặt khác vận động phụ huynh cho con đi học đầy đủ.

Khi các em đã vào học ở trường, công tác giáo dục kỹ năng cho học sinh trong suốt 4 năm THCS được tăng cường. Mỗi tháng, nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề. Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh theo mùa, giáo dục giới tính… Tổ chức các cuộc thi vẽ, thi kể chuyện, giới thiệu sách... để phát triển năng khiếu, tăng kỹ năng tiếng Việt, giao tiếp cho học sinh.

Hình thành phương pháp học tập mới

Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong (Quế Phong, Nghệ An) vừa được bàn giao lại cơ sở vật chất sau thời gian trưng dụng làm khu cách ly.

Trước đó, do địa phương này  có ổ dịch, thực hiện chỉ thị 15, 16 nên học sinh chưa thể đến trường trở lại, mà học trực tuyến. Riêng Trường Phổ thông DTNT THCS huyện lại càng vất vả do học sinh nằm rải rác ở 13 xã. 

Tuy nhiên, qua thống kê của nhà trường, tỷ lệ học sinh tham gia liên tục các buổi học đều đạt trên 90%. Theo cô Nguyễn Thị Ngân, Phó hiệu trưởng nhà trường, đây là tỷ lệ đáng mừng và bất ngờ với ngôi trường huyện biên giới. Đặc biệt, trong tuần đầu tiên, khối 6 lại có tỷ lệ tham gia học đông đủ nhất.

Thầy cô dày công bù đắp thiếu hụt kỹ năng cho học sinh dân tộc thiểu số - Ảnh minh hoạ 4
Xồng Bá Dần và Xồng Y Thành học trực tuyến ở lán tạm tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An.

Có được kết quả này, là sự nỗ lực, cố gắng gấp hàng chục lần của giáo viên. Mỗi thầy cô đã tìm mọi cách liên lạc với học sinh ở từng bản làng vùng sâu, vùng xa. Gửi sách giáo khoa, tặng vở mới để động viện học sinh trở lại trường, không nản chí vì dịch bệnh. Trong khi chỉ có 50% giáo viên nhà trường ở Quế Phong, số còn lại đang mắc kẹt ở các vùng dịch khác, chưa thể tập trung tại trường.

Cô Nguyễn Thị Ngân chia sẻ thêm, chính học sinh, phụ huynh cũng rất quyết tâm theo học. Như trường hợp em Xồng Bá Dần, Xồng Y Thành ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ được bố mẹ dựng lán cho ở trên núi để hứng sóng. Hay em em Hà Thị Ngọc ở bản Na Sành (xã Tiền Phong) và Na Tình (xã Nậm Giải) được bố mẹ chở đến nhà anh em để có sóng học trực tuyến.

Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong cũng khẳng định, với những kiến thức nâng cao, mở rộng hơn, ngay khi trường học hoạt động bình thường, nhà trường sẽ bù đắp cho các em. Cùng với đó, hoạt động giáo dục kỹ năng cũng sẽ được triển khai. Kể cả dạy 2 – 3 ca/ngày hay trực 24/24 tại trường, thì giáo viên cũng không quản ngại.

Thầy cô dày công bù đắp thiếu hụt kỹ năng cho học sinh dân tộc thiểu số - Ảnh minh hoạ 5
Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong (Nghệ An) tặng quà động viên học sinh đầu năm học mới.

Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An cũng đang thực hiện phương án giảng dạy từ xa do học sinh từ các huyện miền núi chưa thể tập trung về TP Vinh. Khó khăn nhất là học sinh dân tộc thiểu số đang ở nhà tại Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương... có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế về sóng điện thoại, mạng Internet.

Trước khai giảng, nhà trường đã giao giáo viên chủ nhiệm liên lạc, lập nhóm, và hướng dẫn cách học trực tuyến qua ứng dụng zoom, Gg meet… Theo lãnh đạo nhà trường, hoạt động dạy học trực tuyến đã từng được nhà trường triển khai trong năm 2020, vào thời điểm việc dạy học bị gián đoạn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, các em đã được rèn kỹ năng tự học, tự lập ở trường. Nên khi ở nhà, trong bản, dù khó khăn, thiếu thốn, các em vẫn sắp xếp thời gian, tìm nơi có sóng, có mạng để học bài.

Khó khăn nhất là học sinh lớp 10, chưa có thời gian làm quen với trường mới, thầy cô, bạn bè. Nhưng giáo viên đã tìm cách liên lạc, hướng dẫn, trao đổi với từng em một. Nhờ vậy đến nay, các bạn đã được gặp và khá quen mặt nhau trên lớp học trực tuyến. Với cách làm đó, đến nay tỷ lệ học sinh nhà trường tham gia học trực tuyến duy trì 80 – 90%. Đây cũng là kỹ năng quan trọng, có ý nghĩa với học sinh kể cả khi các trường trở lại hoạt động bình thường.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,026
  • Hôm nay33,173
  • Tháng hiện tại311,303
  • Tổng lượt truy cập51,667,262
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944