Là ngôi trường vùng sâu, vùng xa, thuộc xã biên giới đặc biệt khó khăn, nên từ ngày mùng 5 tết, các thầy cô của Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn) đã "trả phép", tổ chức gặp mặt đầu xuân. Giáo viên của trường chiếm tới 1 nửa là nhà xa hoặc có quê ở miền xuôi, nhưng để không lỡ hẹn với học trò, tất cả đã sắp xếp việc gia đình để lên Đoọc Mạy.
Đến ngày mùng 6 Tết (tức 15/2), 100% thầy cô giáo Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoọc Mạy có mặt ở trường và tổ chức dạy học bình thường theo lịch chung của ngành giáo dục Nghệ An. Riêng về phía học sinh, trong ngày học đầu tiên sau Tết, đã có 70% sỹ số được huy động tới trường.
“Đây là con số đáng mừng và quá tốt đối với một trường vùng cao có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông. Một số em ở bản xa đã được bố mẹ đưa đến trường từ chiều hôm trước. Ngay trong ngày đầu tiên, chúng tôi đã tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh đầy đủ”, thầy Trần Hữu Trường – Hiệu trưởng cho biết.
Thầy trò tham gia Tết trồng cây bằng việc chăm sóc, tưới nước cho vườn hoa hồng trong khuôn viên trường. Ảnh: NTCC |
Đặc trưng người Mông thường chọn sinh sống ở các bản làng xa xôi, trên núi cao. Năm học này, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoọc Mạy có 247 học sinh, trong đó có 104 em ở bán trú đến từ các bản như: Phá Kháo, Phà Nọi, Huồi Viêng… Số học sinh hiện đang vắng học chủ yếu ở bản Noọng Hán là do nhà ở quá xa trường. Ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo cũng đã liên lạc với trưởng bản để thông tin và nắm tình hình thực tế. Qua phản hồi, trưởng bản xin phép thầy cô cho một số học sinh nghỉ hết tuần và sẽ quay trở lại trường vào đầu tuần tới. Lý do các em ở độ tuổi tiểu học còn nhỏ, đường đi đến trường qua đèo dốc, bố mẹ chưa đưa trẻ đi học được.
Những gốc hoa được học sinh, giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoọc Mạy chăm sóc trong năm học đã nở hoa vào dịp mùa xuân đến. Ảnh: NTCC |
Trong ngày đầu tiên trở lại trường đi học của năm mới, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoọc Mạy có nhiều hoạt động phong phú tạo không khí tươi vui, phấn khởi cho học sinh. Buổi sáng, các thầy cô gặp mặt, nắm sỹ số, chúc mừng năm mới, lì xì cho học sinh bằng bánh kẹo, bút, vở… Sau đó nhà trường tổ chức Tết trồng cây bằng cách cho học sinh chăm sóc vườn hoa hồng trong trường học, tổ chức trò chơi dân gian, múa hát tập thể.
Bên cạnh nề nếp học tập, thì công tác bán trú cũng nhanh chóng ổn định từ tổ chức bữa ăn đến phân công giáo viên trực quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh từ ngày học đầu tiên.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, kể từ khi tổ chức bán trú đến nay, việc huy động trẻ ra lớp tốt hơn, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Hiệu quả và chất lượng giáo dục toàn diện học sinh được nâng lên rõ rệt. Trong những ngày tới, nhà trường sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến sỹ số học sinh và có biện pháp phù hợp để sớm huy động đầy đủ các em ra lớp.
Trường THCS Kim Lâm là trường đặc thù nhất của huyện Thanh Chương, Nghệ An, khi có học sinh ở nhiều thành phần dân tộc, với khoảng 70% là người Thái và 30% còn lại là người Khơ mú, Ơ Đu, Mông… Tất cả học sinh đều là con em vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ. Chính vì vậy, điều kiện dạy học ở trường Kim Lâm còn nhiều vất vả so với các trường học khác trên địa bàn huyện.
Trong ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ tết, thầy Trần Lưu – Phó Hiệu trưởng nhà trường vui mừng cho hay, chỉ vắng hơn 10 em trên tổng số 345 học sinh. Thời tiết năm nay ấm áp, khô ráo nên thuận lợi cho học sinh ở các bản xa tới trường.
“Theo báo cáo của giáo viên chủ nhiệm, một số em nghỉ học do ốm đau. Một số em khác đang theo bố mẹ về thăm họ hàng ở quê cũ tại huyện Tương Dương – cách nhà hơn 150km – và hiện chưa kịp trở về. Về phía nhà trường ngay trong ngày hôm nay chúng tôi đã dạy học bài mới theo thời khóa biểu. Việc này cũng đã được giáo viên dặn dò học sinh từ trước tết để các em chuẩn bị”, thầy Trần Lưu cho biết.
Thầy cô Trường THCS Kim Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) trực tiếp đến nhà học sinh khó khăn trao quà Tết. Ảnh: NTCC |
Lãnh đạo Trường THCS Kim Lâm cũng thông tin, trước tết, qua vận động từ các nhà hảo tâm và trích quỹ khuyến học, nhà trường đã tổ chức chương trình vui Tết cho học sinh. Đồng thời trao học bổng, và đến tận nhà tặng quà tết cho những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đây cũng là dịp để gặp gỡ phụ huynh để trao đổi, tương tác, dặn dò học sinh và gia đình ăn Tết vui vầy, an toàn.
Trước, trong dịp nghỉ Tết, các thầy cô thường xuyên liên lạc, nắm tình hình học sinh. Qua báo cáo không có trường hợp giáo viên hay học sinh nào vi phạm về an toàn giao thông, nổ pháo trái quy định…
Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Hiện nhà trường tiếp tục ổn định tình hình dạy học đầu năm, nhà trường tiếp tục rà soát sỹ số. Với những em còn vắng học, chúng tôi sẽ cử giáo viên trực tiếp đến nhà để tìm hiểu nguyên nhân và vận động các em đi học đầy đủ”.
Thầy giáo Trường THPT Thanh Chương 3 lì xì may mắn cho học sinh trong buổi đầu tiên tới trường sau Tết. Ảnh: NVCC |
Trường THPT Thanh Chương 3 (huyện Thanh Chương) cũng đã có ngày đầu tiên làm việc trong năm mới Giáp Thìn phấn khởi. Hiệu trưởng nhà trường lì xì đầu năm cho tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên. Các thầy cô còn nhận được quà mỗi người một đôi giày, với ý nghĩa tạo động lực, vượt khó khăn và nâng bước tới thành công trong năm mới. Bên cạnh đó, giáo viên cũng lì xì may mắn cho học sinh để trong thời gian quan trọng sắp tới, thầy trò cùng phấn đấu về đích năm học đạt mục tiêu đề ra.
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Nghệ An, cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh các cấp học kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn và trở lại hoạt động bình thường từ ngày 15/2.
Các trường học tại Nghệ An khai xuân, bắt đầu dạy học trở lại từ ngày 15/2. Ảnh: NTCC |
Ngành giáo dục cũng lưu ý các nhà trường trong dịp năm mới tích cực hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Việc tổ chức “Tết trồng cây” phải thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Không trồng ồ ạt lấy phong trào gây lãng phí, tốn kém, đảm bảo theo đúng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên. Trong thời gian trước, trong, sau dịp Tết, nhà trường phối hợp chặt chẽ với địa phương đẩy tuyên truyền, quản lý, giáo dục, tổ chức cho học sinh vui xuân lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật.
Đặc biệt, các nhà trường cần chủ động các giải pháp ngăn không để học sinh bỏ học sau Tết. Tăng cường các giải pháp huy động học sinh đến trường, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Rà soát các đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học, phân loại để có biện pháp phù hợp với từng học sinh. Đối với học sinh nghèo, khó khăn cần huy động các nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời các em trong dịp Tết; không được để cho học sinh phải bỏ học do hoàn cảnh khó khăn.
Ý kiến bạn đọc