Tôi bóc tờ lịch đầu tiên của năm mới, ngoài sự khác biệt được tô điểm bằng màu đỏ của những cành đào nổi bật còn có dòng chữ “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới”. Đây là câu nói nổi tiếng nhất của Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Nam Phi Nelson Mandela.
Thực ra, tôi đã biết đến câu nói ấy từ lâu nhưng nay được đọc nó ngay trên tờ lịch đầu tiên của năm mới khiến mình có thêm nhiều suy ngẫm về giáo dục, nhất là câu chuyện về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục mà toàn ngành đang quyết tâm thực hiện.
Hiến pháp của nước ta năm 1992 đã khẳng định một sự thực quan trọng: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Điều này cho thấy mức độ quan trọng của giáo dục trong quá trình phát triển của đất nước. Đây cũng là tư duy định hướng, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc hiện đại hóa và công nghiệp hóa quốc gia.
Và chúng ta phải tiếp tục kiên định với đường lối, chính sách ấy. Hồ Chủ tịch, người lãnh đạo tài ba từng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Người nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Giáo dục Việt Nam có một lợi thế (may mắn) là dân ta coi trọng sự học. Dù cha mẹ ăn đói, mặc rách, lam lũ kiếm sống vẫn quyết chí cho con đi học. Con học giỏi, đỗ đạt, coi như thành công; con học hành không ra gì, dù làm ăn phát đạt cũng xấu hổ với họ hàng, làng xóm… Truyền thống hiếu học đó giúp cho “xã hội hóa giáo dục” đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận tình trạng mất cân đối giữa sự đóng góp của dân với trách nhiệm của Nhà nước cho giáo dục. Nhà nước cần đầu tư và kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư thực chất cho giáo dục. Đó là việc biến các chính sách ưu đãi đối với giáo viên trên giấy tờ sớm thành hiện thực. Đó là đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho trường học cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Giáo dục Việt Nam đã có định hướng đúng đắn, sáng suốt trong nhiều thập kỷ qua. Giáo dục cũng có truyền thống “tôn sư trọng đạo” hàng ngàn năm nay. Bởi vậy, kiên định mục tiêu và chính sách cho giáo dục cũng là cách tạo động lực cho đổi mới giáo dục.
Thầy, trò Trường THPT Nghi Lộc 2 trong giờ Ngữ văn. Ảnh: NVCC |
Giáo dục thời nào cũng đau đáu về câu chuyện học cái gì (nội dung giáo dục), phân bố nội dung đó (chương trình học từng lớp, từng cấp, chuyên khoa) và cách thức thực hiện (điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…). Bởi vậy, đổi mới giáo dục nên bắt đầu từ việc đổi mới nội dung dạy học.
Có thể nói, kiến thức của nhân loại là vô tận và ngày càng được làm đầy lên bởi những tìm tòi, khám phá, sáng tạo không giới hạn của con người. Do đó, học tập vẫn là cách thức duy nhất để giúp mỗi chúng ta tiếp thu kiến thức và phát triển bản thân.
Tuy nhiên, ngày nay trong giáo dục, nội dung kiến thức không phải là vấn đề quá lớn đối với người học vì chúng ta có Internet hỗ trợ. Người học có thể tự tìm kiếm thông tin và tiếp nhận kiến thức bằng các công cụ công nghệ hỗ trợ hiện đại. Do đó, mục tiêu giáo dục chuyển từ cung cấp kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực là xu thế hoàn toàn đúng đắn.
Học trò phải biết phát triển bản thân. Thầy cô phải biết tôn trọng và chắp cánh cho sự phát triển khác biệt của học trò. Mỗi thầy cô phải nhận thức và thực hành sự thay đổi trong quá trình giáo dục, kể cả những thay đổi nhỏ. Có những thứ dường như rất nhỏ, nhưng thầy cô cần cải thiện cách nhìn của mình về giáo dục trẻ em.
Chẳng hạn, thầy cô chúng ta thường hay nói với học trò: “Là con trai, em không nên khóc như thế”, hoặc: “Là con gái, em không nên nói như thế”, hoặc đưa ra những mệnh lệnh: “Em phải làm như thế…”. Đó là điều mà giáo viên nên tránh vì trong đó đã bộc lộ sự bất bình đẳng và triệt tiêu sáng tạo.
Hoặc một điều đơn giản hơn mà giáo viên ít để ý là khi dạy về ước mơ hoặc những công việc trong tương lai, mặc nhiên hình ảnh minh họa thường là: Nam sẽ là kỹ sư, bác sĩ, phi công... còn nữ thường là y tá, cô giáo, nữ tiếp viên... Đó là cách minh họa không đúng và cần tránh.
Giáo dục trong các cấp học, bậc học phải chú trọng “kiến tạo” học trò thành người biết tự chiếm lĩnh tri thức và chủ động sáng tạo trong quá trình học tập. Giáo dục trong nhà trường không chỉ là nơi chắp cánh ước mơ, mà còn cho các em cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân.
Vậy làm thế nào để mỗi nhà trường đạt được mục tiêu quan trọng trong hành trình đổi mới này? Theo tôi, về phía ngành Giáo dục, cần thực hiện một số giải pháp như tập huấn đội ngũ giáo viên cốt cán (giáo viên thay đổi trong cách tư duy tiếp cận với học trò); dũng cảm đổi mới triệt để thi cử (lấy kết quả thực hành sáng tạo làm nền tảng); tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực chất trong trường học.
Về phía Nhà nước, cần tập trung nguồn lực (nhất là nguồn lực xã hội hóa) để xây dựng phát triển mạng lưới trường học đạt chuẩn (lớp học, thư viện, nhà đa năng, sân thể thao). Nếu làm đồng bộ được các giải pháp trên, tôi tin chắc rằng, công cuộc đổi mới nội dung giáo dục sẽ thắng lợi.
Buổi ngoại khóa tuyên truyền về an toàn giao thông tại Trường THPT Nghi Lộc 2. Ảnh: TG |
Bản chất của giáo dục là “Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” (Hồ Chí Minh, 1945); “Giáo dục làm cho mỗi trẻ em phát triển trở thành chính nó” (Hồ Ngọc Đại, 1978), đó là những triết lý giáo dục rất cơ bản. Và chúng ta có hiểu và hành động đúng như vậy, giáo dục mới thực sự tôn trọng con người, phát huy giá trị mỗi con người.
Giáo dục của ta trong một vài thời điểm thì làm ngược lại, nhằm đến sự “bình quân về nhân cách”, bắt tất cả theo một khuôn mẫu. Em nào vượt ra khỏi khuôn mẫu đó là thuộc “diện cá biệt”, phải dùng các “biện pháp nghiệp vụ” để đưa vào khuôn phép!
Tạo hóa đã sinh ra mỗi con người không ai giống ai là để làm nên sự khác biệt, phong phú, đa dạng của cuộc sống loài người. Giáo dục phải tôn trọng sự khác biệt, “làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của mỗi em, “trở thành chính nó” để có thể tự do, tự tin, tự chủ sáng tạo ra những giá trị khác biệt cho xã hội, nhân loại.
Tất nhiên chỉ số ít học sinh có thể đạt đến sự sáng tạo mới, đem lại giá trị mới, khác biệt cho nhân loại. Nhưng số ít ấy phải phát triển dựa trên nền giáo dục “khai phóng và nhân bản”. Để đạt được điều đó không chỉ đổi mới phương pháp giáo dục mà phải thay đổi hẳn quan niệm về mỗi cá nhân, thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về mỗi học sinh… Một lớp học có bốn mươi em thì ở đó có bốn mươi tính cách và gấp lên nhiều lần về năng lực, phẩm chất.
Do đó, muốn phát triển, nuôi dưỡng những phẩm chất, năng lực đáng quý đó ở các em rất cần “tôn trọng khác biệt”. Tuy nhiên, có những giá trị, phép tắc vẫn phải được duy trì trong môi trường học đường để đảm bảo việc rèn tính kỷ cương, kỷ luật cho các em. Chẳng hạn như việc chấp hành tốt giờ giấc, đảm bảo giữ gìn vệ sinh công cộng, chấp hành quy định về an toàn giao thông…
Một nền giáo dục đúng nghĩa phải làm cho trí tuệ mở mang, tự mình mở ra đón nhận tinh hoa của dân tộc và nhân loại. Nền giáo dục đó giúp tâm hồn trẻ em ngày càng phong phú, tâm hồn như một thứ năng lượng cháy nóng bên trong mỗi cá nhân, tự thúc đẩy mình không bao giờ được đứng yên. Không có nền giáo dục mở mang đó, mọi hệ thống nhà trường chỉ tạo ra những “sản phẩm” đồng đều như nhau mà không có những “sản phẩm” tinh xảo.
Chúng ta dễ nhận thấy giáo dục là một yếu tố quan trọng trong việc thay đổi cuộc sống của con người, cải thiện vận mệnh của dân tộc và thậm chí là thế giới. Giáo dục là quá trình học tập phổ biến nhất của con người, thông qua đó, chúng ta tiếp thu kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm lý thuyết, kỹ năng thực hành và kinh nghiệm của người khác.
Học tập cũng có thể diễn ra thông qua trải nghiệm, quan sát, cảm nhận và hưởng thụ. Giáo dục không chỉ tạo ra tri thức, mà còn hình thành đạo đức và trí tuệ của con người (hai điều kiện quan trọng để xây dựng một xã hội văn minh và thế giới tiến bộ).
Và giáo dục là công cụ mạnh mẽ nhất mà con người sử dụng để thay đổi thế giới. Không thể thay đổi thế giới bằng sự ngu dốt và ấu trĩ. Để đối phó với thách thức của thế giới hiện đại, chúng ta cần kiến thức và trí tuệ. Hồ Chủ tịch từng nói rằng “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên chúng ta không thể tiến lên nếu thiếu kiến thức.
Giáo dục luôn phải tuân theo quy luật mới phát triển tự nhiên, bền vững. Tôi nhớ thời sinh viên khi học bộ môn “Tâm lý học” có quy luật về sự khác biệt cá thể giữa các học sinh. Có học sinh “học một biết mười”, có em “học mười chưa được một”; có em chưa nói đã tự hiểu; có em nói một lần thì tự sửa được thói xấu, có em uốn nắn một trăm lần cũng lúc được lúc không!
Giáo dục phải chấp nhận mọi trẻ em và coi trọng giáo dục cá biệt hóa. Giáo dục không thể đạt được thành công như nhau với mọi trẻ em. Nhưng giáo dục phải đem lại cho mọi trẻ em sự phát triển hơn những gì đang có và đem lại “hạnh phúc” cho mọi đứa trẻ.
Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2 - Nghi Lộc - Nghệ An)
Ý kiến bạn đọc