Thầy trò khiếm thị tự tin học online

Thứ bảy - 26/02/2022 21:55 169 0
GD&TĐ - Thấm nhuần tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thầy giáo khiếm thị Ngô Văn Hiếu, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dạy các học sinh có cùng hoàn cảnh với mình.
Thầy trò khiếm thị tự tin học online

Ước mơ làm thầy giáo

Tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), thầy giáo Ngô Văn Hiếu được học trò gọi là chuyên gia về Toán và Tin học, chuyên gia số hóa sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị.

Thầy Ngô Văn Hiếu sinh ra ở Bắc Ninh, là con trai duy nhất trong gia đình nghèo. Bị khiếm thị từ nhỏ nên gia đình đã gửi thầy lên học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. Có thành tích học tập vượt trội, thầy Hiếu đạt danh hiệu học sinh giỏi trong cả 12 năm học, từng đỗ thủ khoa đầu vào lớp 10 Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 1999, thầy Hiếu được mời về làm giáo viên dạy Toán ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Được quay trở lại chính nơi đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho ước mơ của mình, với thầy Hiếu đây là một hạnh phúc lớn.

Thầy Hiếu cho biết: Con đường đến nghề giáo với người khiếm thị gập ghềnh và lắm áp lực. Để dạy người khiếm thị, giáo viên không chỉ có tình thương, mà cần cả trách nhiệm lớn. Là người trong cuộc nên thầy hiểu rõ những khó khăn vất vả mà học sinh khiếm thị gặp phải và mong được góp sức mình giúp các em được học tập, rèn luyện.

Trong quá trình giảng dạy, thầy Hiếu luôn cập nhật kiến thức để bồi dưỡng cho các em, xây dựng những bài giảng dễ hiểu, gần gũi nhất. Ngoài giờ giảng trên lớp, thầy còn được phụ huynh, đồng nghiệp tin tưởng giao nhiệm vụ kèm phụ đạo môn Toán cho con. Những giờ dạy thêm đều là tự nguyện, miễn phí.

Không tự đi được nên hàng ngày đến trường thầy phải đi xe ôm mất 50.000 đồng cho hai lượt đi, về. Vợ cũng là người khiếm thị nên cuộc sống còn khó khăn. Tuy nhiên, thầy luôn cố gắng giúp học sinh đạt kết quả cao trong học tập. Những nỗ lực thầy Hiếu đang làm để khẳng định “những gì người không khiếm thị làm được thì người khiếm thị cũng làm được”.

Thầy Hiếu tâm niệm, khi đứng trên bục giảng sẽ không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà còn là người bạn luôn đồng cảm, thấu hiểu và dìu dắt các học sinh cùng cảnh. Ngoài dạy Toán, thầy còn hỗ trợ các em kỹ năng sống cần thiết để hòa nhập cộng đồng thông qua hoạt động ngoại khóa, buổi học nghề, hướng nghiệp, đồng thời khơi dậy trong các em tình yêu với công nghệ thông tin.

Thầy Hiếu luôn trăn trở về cơ hội việc làm cho các em học sinh khiếm thị. Theo thầy, nếu có thể tạo được nhiều ngành nghề hơn cho người khiếm thị sẽ phần nào xóa bỏ định kiến của xã hội rằng, người khiếm thị chỉ làm được nghề xoa bóp bấm huyệt. Hơn nữa, khi có nhiều cơ hội việc làm, người khiếm thị sẽ có động lực để cố gắng trong học tập, được sống với ước mơ chính mình.

Thầy trò khiếm thị tự tin học online - Ảnh minh hoạ 2
 Những giờ học trực tuyến của học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.

Nỗ lực vượt qua mùa dịch

Học trực tuyến đối với thầy sáng, trò sáng đã cần nỗ lực lớn thì thầy khiếm thị dạy trò khiếm thị lại đòi hỏi sự cố gắng gấp trăm lần. Nhưng nhờ sự nhanh nhạy, thích ứng linh hoạt và không ngừng sáng tạo, thầy trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã chuyển đổi sang hình thức dạy - học trực tuyến qua Zoom trong mùa dịch theo đúng chương trình và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Những tiết học trực tuyến lý thú, vui nhộn của học sinh khối 6, khối 9 Trường Nguyễn Đình Chiểu năm học 2021 - 2022 có vai trò quan trọng của thầy giáo phụ trách Toán và Tin học Ngô Văn Hiếu. Trong các giờ học, học sinh sử dụng được sách giáo khoa chữ nổi. Thầy lên lớp dạy online và hướng dẫn các em nghe, làm theo yêu cầu bài học ở mức độ nhất định.

Thầy Hiếu chia sẻ: Khác với máy tính của người sáng, máy tính của người khiếm thị sẽ cài phần mềm hỗ trợ âm thanh. Nếu học trực tiếp, thầy sẽ hỗ trợ được trò nhiều hơn bởi học trực tuyến làm hạn chế quá trình truyền đạt. Cùng với đó, học sinh khối 6 năm nay học sách mới, chưa kịp chuyển đổi sang sách chữ nổi nên cũng gây khó khăn hơn cho công tác giảng dạy.

“Do đó, trong các bài học, tôi cố gắng dùng ngôn ngữ, cách thức truyền đạt đơn giản, lấy ví dụ gần gũi với cuộc sống để các em dễ hình dung và vận dụng. Như trong tiết đại số, tôi đưa ra các ví dụ như đếm xem nhà có mấy anh chị em rồi hướng dẫn các em thống kê sao cho hợp lý nhất. Hoặc tiết hình học, tôi lấy cạnh quyển sách, quyển vở để giúp học sinh vẽ biểu đồ có trục tung, trục hoành”, thầy Hiếu giải thích.

Nhận xét về đồng nghiệp, cô Trần Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu - nói: Năm nay, nhà trường có khoảng 200 học sinh khiếm thị học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19. Nhờ có phương pháp giảng dạy phù hợp, gần gũi với lối truyền đạt cuốn hút, các tiết học Toán của thầy Hiếu luôn mang lại hiệu quả, hứng thú cho người học.

Trong giai đoạn học trực tuyến, thầy Hiếu được phân công dạy 8 tiết Toán/tuần cho học sinh khối 6 và khối 9. Với khối 6, thầy luôn kiên trì từng chút một hướng dẫn các em làm quen phương pháp học mới còn khối 9, thầy cũng dành thời gian ôn luyện, bổ trợ kiến thức để học sinh vững vàng, tự tin tham dự kỳ thi chuyển cấp.

Với tinh thần tận tụy, tận tâm, không nề hà gian khó, gần 20 năm đứng trên bục giảng thầy Ngô Văn Hiếu đã dạy hàng nghìn em nhỏ khiếm thị đến từ nhiều quận, huyện nội thành Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Sơn La... Đến nay, nhiều em đã trưởng thành, có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Trong những ngày nghỉ học để phòng dịch Covid-19, em rất vui khi vẫn được tham gia vào các giờ học trực tuyến. Nhờ bài giảng của thầy Hiếu, em thấy kiến thức trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn. Vốn quen sử dụng sách giáo khoa chữ nổi nhưng năm nay em chưa nhận được đủ nguồn học liệu cần thiết, thầy đã hướng dẫn em sử dụng các ứng dụng đọc sách giáo khoa trên điện thoại, phần mềm đọc dành riêng cho người khiếm thị cài vào laptop. Nhờ đó, em có thể tự thao tác để học trực tuyến hiệu quả. - Nguyễn Trung Thành (học sinh lớp 6 Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu)

Tác giả bài viết: Lan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập748
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm747
  • Hôm nay34,719
  • Tháng hiện tại312,849
  • Tổng lượt truy cập51,668,808
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944