Đạt mục tiêu công nhận tốt nghiệp
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại điểm thi Trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), chị Nguyễn Thị Minh (SN 1973) được “chú ý” bởi là thí sinh lớn tuổi nhất. Sau khi điểm thi được công bố, chị cho biết mình đạt tổng 23,1 điểm 4 môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa Lý.
Cùng với kết quả xếp loại học lực loại khá thì hiện tại chị đã chắc chắn đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp. Ngoài ra, tổ hợp khối C chị đạt 18,5 điểm, trong đó Ngữ văn được 8,5 điểm.
Tuy nhiên, chị chia sẻ vẫn có nhiều tiếc nuối, nhất là môn Địa lý do mắt kém, quá trình tra Atlat mất nhiều thời gian nên không kịp làm hết đề.
Còn đối với môn Ngữ văn tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam thuộc chương trình lớp 11, chị chưa ôn tập được kỹ nên bị hụt mất phần kiến thức ở đó.
Dù vậy, với kết quả này chị đã đạt được mục tiêu đề ra của mình, khi nối lại sự học bị gián đoạn suốt 26 năm.
Chị cũng tâm sự: Chị là con đầu trong gia đình có 6 chị em. Ngày ấy,nhà nghèo, bố là bệnh binh bị mất sức, ông bà ngoại bị tai biến nằm một chỗ, cả gia đình chỉ có một mình mẹ gồng gánh với mấy sào ruộng. “Thấy cảnh nhà như vậy, nên năm 1990, khi đang học lớp 12 Trường THPT Trần Phú (huyện Đức Thọ) tôi bỏ học giữa chừng, ở nhà đi làm phụ mẹ nuôi các em”.
Tháng 8.1994, chị làm cán bộ chuyên trách dân số xã Đức Dũng. Những năm tiếp theo, chị tiếp tục công tác ở nhiều vị trí: Cán bộ phụ trách dân số kiêm văn phòng Đảng ủy xã; cán bộ lao động thương binh và xã hội và Hội phụ nữ xã và sau đó là Chủ tịch UBND xã Đức Dũng. Tuy nhiên, do chưa có bằng cấp 3, nên chị tự nguyện viết đơn xin rút khỏi Hội đồng nhân dân xã và xin thôi chức, chỉ làm chuyên trách dân số xã.
Chị cho biết “tâm hồn mình đang trẻ” và như được quay lại thời gian để đi học |
“Việc học không hề khổ”
Chị Minh chia sẻ, nhiều người cứ nói đến từng này tuổi mới đi học, chắc là vất vả lắm. Nhưng tôi không hề thấy khổ, mà thấy rất thích thú, vui vẻ. “Tôi cảm thấy như thời gian trở lại với mình, để mình lại được đến trường, được thực hiện ước mơ dang dở ngày xưa”.
Lúc đó, tôi rất lo, sợ mình không làm được. Nhưng tôi nghĩ đến câu chuyện rùa và thỏ. Rùa chậm, nhưng chăm chỉ, kiên trì thì vẫn về đích được. Tôi cũng thế, tiếp thu kiến thức chậm hơn các cháu 10X, mình phải chăm chỉ hơn gấp 2, gấp 3 lần.
Để lấy bằng tốt nghiệp THPT, năm 2016, chị Nguyễn Thị Minh nộp hồ sơ xin học tiếp chương trình cấp 3 tại Trung tâm GDTX thị xã Hồng Lĩnh. Tại đây, các thầy cô giáo rất tình cảm, quan tâm đến học sinh. Đặc biệt, là cô Phạm Thị Dương – giáo viên dạy văn, luôn động viên, giúp chị tự tin hơn trong học tập. Cô cũng đã thuyết phục chị dự thi HSG tỉnh môn Ngữ văn, bảng dành cho học sinh GDTX.
Kết quả, chị Nguyễn Thị Minh xuất sắc giành giải Nhì HSG tỉnh Văn với 14 điểm, xếp thứ 2 toàn tỉnh, thí sinh đạt giải nhất là 14,5 điểm.
Thời điểm tham dự kỳ thi THPT quốc gia, được nhiều người chú ý, thông tin đăng tải trên báo đài và mạng xã hội, chị nhận được rất nhiều ý kiến. Có nhiều người động viên, nhưng cũng có ý kiến nghi hoặc “Từng này tuổi còn đi thi, chắc là đến ngồi cho vui”? Hay biết chị từng đạt HSG tỉnh, thì nghi hoặc “Học sinh giỏi tỉnh có thực chất hay không”? Chị chia sẻ: “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ phải cố gắng để chứng minh năng lực và sự nghiêm túc với sự học của mình”.
Hai con của chị cũng đã lớn, con gái đầu vừa tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, còn con trai thứ 2 đang chuẩn bị lên lớp 10. Các con đều rất ủng hộ mẹ. Chị cho biết, tới đây, chị dự định học hệ trung cấp dược, Trường CĐ Y tế Hà Tĩnh. Sau 2 năm tốt nghiệp, cùng lúc con trai học lên lớp 12, chị muốn có điều kiện chăm sóc con vào thời điểm quan trọng đó.
“Tôi cũng cho rằng, con đường phía mình đi nhiều lắm, tốt xấu do bản thân, nếu không biết phát huy là “tự đào hố chôn mình”. Lý do tôi học y dược vì phù hợp với công việc hiện tại của mình là chuyên trách dân số. Và tôi thấy tự tin, hứng thú với con đường mình sẽ đi phía trước”, chị Minh tâm sự