Trong điều kiện nước ta, cần huy động trí tuệ đội ngũ giáo viên, chuyên gia toàn ngành. Để sẵn sàng cho việc này, theo GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Bộ đã, đang triển khai tập huấn giáo viên cả nước; đồng thời kết hợp hỗ trợ công tác ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong nhà trường.
- Ông có thể chia sẻ những thay đổi trong cách thức xây dựng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025?
- Ngày 8/3/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 764/QĐ-BGD&ĐT về việc quy định cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Việc công bố sớm cấu trúc định dạng đề thi giúp giáo viên, học sinh chủ động hơn trong quá trình dạy và học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi này.
Theo cấu trúc định dạng đề thi đã được công bố, các môn thi trắc nghiệm có một số thay đổi như: Bổ sung thêm 2 dạng thức trả lời trắc nghiệm mới bên cạnh dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm cho 4 đáp án chọn 1 đáp án đúng; cách thức tính điểm có một số thay đổi tại dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới.
Những thay đổi này giúp phân loại học sinh tốt hơn và giảm xác suất đoán mò khi làm bài. Điều này góp phần đánh giá chính xác hơn năng lực của các thí sinh dự thi và phân hóa được điểm thi.
Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, bám sát chương trình và tránh sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Điều này nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài, hoặc học thuộc tài liệu có sẵn một cách máy móc. Đề thi bám sát Chương trình GDPT 2018, có sự phân loại theo các cấp độ, đáp ứng yêu cầu kỳ thi với nhiều mục tiêu. Trong đó, yêu cầu học sinh phải vận dụng được kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế, bối cảnh được cung cấp.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã chủ động tổ chức tập huấn cho khoảng 2.500 giáo viên các môn học của 63 tỉnh/thành phố về xây dựng câu hỏi thi. Từ đó, có thể giúp tạo thư viện đề thi có tính mở và được thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương để lựa chọn câu hỏi tốt đưa vào Ngân hàng câu hỏi thi (có tính chuẩn hóa theo quy trình khảo thí). Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng và công bố đề thi minh họa, bảo đảm hài hòa với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 để địa phương, giáo viên, học sinh chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi.
- Công tác ra đề có tính đến việc học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025 mới chỉ có 3 năm học Chương trình GDPT 2018 và các em học các bộ sách giáo khoa khác nhau?
- Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, bảo đảm có tính kế thừa từ Chương trình GDPT 2006, đồng thời cũng bảo đảm lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018, có tính đến việc học sinh chỉ học chương trình mới ở 3 năm cấp THPT, chưa khép kín trọn 12 năm theo Chương trình GDPT 2018. Trong cấu trúc đề thi vẫn có những dạng câu hỏi, số lệnh hỏi được kế thừa như những năm trước.
Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, đề thi tránh sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để đặt câu hỏi; từ đó khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài, hoặc học thuộc từ tài liệu có sẵn một cách máy móc; đồng thời bảo đảm công bằng khi học sinh học các sách giáo khoa khác nhau.
- Bộ GD&ĐT có giải pháp nào giúp giáo viên, học sinh tiếp cận được cấu trúc đề thi mới?
- Nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, giáo viên trong dạy và học, ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cấu trúc, định dạng đề thi được Bộ GD&ĐT công bố từ tháng 3/2024, giúp học sinh và giáo viên có cả năm học lớp 12 (năm học 2024 - 2025) để ôn tập, tiếp cận với cấu trúc định dạng đề thi mới, sắp tới sẽ tập trung xây dựng, thí điểm diện rộng và công bố đề thi tham khảo và có thể sử dụng ổn định cho nhiều năm.
Bộ GD&ĐT cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn cho giáo viên trên toàn quốc về cách thức ra đề thi theo cấu trúc định dạng đề thi mới. Tháng 4 - 5/2024, Cục Quản lý chất lượng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho khoảng 3.000 giáo viên cốt cán của các sở GD&ĐT. Kết thúc đợt tập huấn, các sở GD&ĐT đều xây dựng được đề thi theo cấu trúc định dạng mới. Trong tháng 8/2024, Bộ GD&ĐT tổ chức đánh giá đề thi do các sở GD&ĐT xây dựng. Việc này nhằm giúp giáo viên, sở GD&ĐT nâng cao năng lực ra đề thi.
Trước đó, từ năm học 2022 - 2023 cho đến nay (khi thí sinh lớp 12 năm nay học lớp 10), Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn năm học; trong đó đều có yêu cầu:
“Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Những hoạt động này đều nằm trong lộ trình đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và bảo đảm phù hợp theo đúng mục tiêu và tinh thần của Chương trình GDPT 2018.
- Ông có điều gì muốn nhắn nhủ với lứa học sinh lớp 12 năm nay để có thể vững tâm học tập, đón nhận những thay đổi sắp tới?
- Thứ nhất, các em tập trung vào học tập và rèn luyện kỹ năng, kiến thức thầy cô đã dạy trên lớp.
Thứ hai, ngoài các môn Toán và Ngữ văn, thí sinh cần căn cứ vào năng lực, sở trường của mình để chọn môn học, môn thi cho phù hợp nhằm phát huy hết năng lực.
Các em hãy bình tĩnh, tự tin, không nên quá lo lắng trước việc đổi mới thi mà hãy tập trung học thật tốt, bám sát chương trình trên lớp, tăng cường văn hóa đọc đối với các môn xã hội, nhất là môn Văn để mở rộng kiến thức. Đã học tốt thì khi dự thi, các em sẽ đạt kết quả theo đúng năng lực.
- Hiện nay, đề thi, kiểm tra ở các nhà trường, địa phương chủ yếu vẫn theo cấu trúc, định dạng cũ. Vậy cần làm gì để có được nguồn đề chất lượng từ địa phương, nhà trường theo cấu trúc, định dạng mới?
- Xây dựng câu hỏi thi, ra đề thi ở quy mô quốc gia là việc quan trọng, then chốt trong quá trình tổ chức thi, cần huy động trí tuệ của toàn ngành. Do đó, Bộ GD&ĐT sớm triển khai công tác tập huấn cho giáo viên trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể:
Tháng 12/2023, Bộ GD&ĐT phối hợp với Viện Khảo thí Hoa kỳ (ETS) tập huấn trực tuyến cho hơn 3.500 giảng viên, giáo viên trên phạm vi cả nước về quy trình xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi.
Tháng 4/2024, Bộ GD&ĐT triển khai tập huấn trực tiếp cho gần 2.500 giáo viên cốt cán của 63 sở GD&ĐT về công tác xây dựng câu hỏi thi, đề thi theo cấu trúc định dạng đề thi của Chương trình GDPT mới.
Tính đến nay, Bộ GD&ĐT nhận được các câu hỏi do giáo viên từ 63 sở GD&ĐT xây dựng gửi về và khẩn trương triển khai các bước tiếp theo, mời chuyên gia, giáo viên đánh giá chất lượng tất cả câu hỏi này. Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục tập huấn đội ngũ giáo viên nòng cốt theo đúng khoa học về khảo thí hiện đại, khoa học về đo lường đánh giá; nhằm xây dựng thư viện và ngân hàng câu hỏi thi có tính mở, phục vụ cho ra đề thi hằng năm.
- Ông có lưu ý gì với giáo viên để có thể xây dựng được đề kiểm tra, đề thi chất lượng, bám sát cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?
- Các thầy cô căn cứ vào Chương trình GDPT 2018 và hướng dẫn dạy - học của Bộ GD&ĐT để giảng dạy. Khi ra đề kiểm tra cần bám sát cấu trúc, định dạng để kiểm tra học sinh. Quá trình dạy học và thiết kế đề kiểm tra phải tuân thủ và thực hiện đúng quy trình, từ xác định đúng mục đích của đề, lựa chọn bối cảnh phù hợp để học sinh vận dụng kiến thức đã học khi xử lý các tình huống thực tiễn trong đời sống.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bộ GD&ĐT đang đồng thời triển khai xây dựng Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sớm đăng mạng để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội. Với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo Thông tư mong muốn nhận được sự đóng góp chi tiết, đầy đủ của các tầng lớp xã hội, nhà chuyên môn và quản lý để có thêm cơ sở hoàn thiện Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc