Tham dự có thành viên Ban soạn thảo 2 thông tư (Theo QĐ số 264/QĐ - BGDĐT ngày 5/02/2020 và QĐ số 517/QĐ - BGDĐT ngày 24/02/2020), đại diện 4 Sở GD&ĐT: Hà Tĩnh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Nội.
Ban soạn thảo Thông tư cho biết: Dự thảo Thông tư ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ GD&ĐT để xin ý kiến đóng góp rộng rãi các tầng lớp nhân dân và các Sở GD&ĐT.
Đến nay Bộ GD&ĐT đã nhận được 29 góp ý của Sở GD&ĐT, 1 phòng GD&ĐT, 1 trường TH và 6 cá nhân là nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục.
Các đơn vị, tổ chức cá nhân đã đánh giá những điểm tích cực cơ bản của dự thảo. Cụ thể, bản dự thảo thông tư đánh giá, xếp loại HS tiểu học theo CTGDPT 2018 về tinh thần cơ bản đã kế thừa những điểm tích cực của Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT, đặc biệt về xác định mục đích và nguyên tắc đánh giá, xếp loại; coi trọng đánh giá vì sự tiến bộ của HS, không tạo áp lực cho HS, GV và CMHS.
Dự thảo lần này cũng có nhiều điểm mới so với Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT. Dự thảo đã giải thích một số thuật ngữ: đánh giá HS tiểu học, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, tổng hợp đánh giá và xếp loại chất lượng giáo dục…;
Dự thảo cũng cụ thể hóa về cách thức đánh giá và phương pháp đánh giá; Câu hỏi và bài tập trong đề kiểm tra định kỳ thay vì thể hiện bằng 4 mức độ như hiện nay, dự thảo đề ra 3 mức là phù hợp với xu thế khu vực và quốc tế.
Quy định về xếp loại chất lượng giáo dục HS theo 3 mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành, Chưa hoàn thành, thực chất là sự tổng hợp kết quả đánh giá và khu trú thành 3 mức, nhằm tường minh hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xét học sinh lên lớp, ở lại lớp và khen thưởng (theo quy định hiện hành thì chỉ "xếp loại" (lượng hóa) từng môn học/hoạt động giáo dục, phẩm chất, năng lực riêng biệt.
Dự thảo còn bổ sung hình thức "khen thưởng". Như vậy có thể đa dạng thêm hình thức khen thưởng, kịp thời động viên HS; Đặc biệt, điểm mới cơ bản là dự thảo thông tư đã điều chỉnh, cập nhật kịp thời hệ thống tên các môn học/hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi theo CTGDPT 2018…
Bên cạnh đánh giá tích cực, thì dự thảo Thông tư ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư Điều lệ trường Tiểu học lần thứ 3 cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng. Nhiều ý kiến được ban soạn thảo giải thích nguyên nhân bảo lưu không thay đổi, và cũng không ít ý kiến được tiếp thu để hoàn thiện 2 dự thảo trước khi ban hành.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cảm ơn sự quan tâm và đóng góp ý kiến của các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông và các nhà giáo, nhà khoa học.
Thứ trường Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết: Về phía Bộ GD&ĐT, ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu để hoàn thiện trước khi ban hành 2 Thông tư. Yêu cầu ban soạn thảo Thông tư nhanh chóng hoàn chỉnh các văn bản tiếp thu, sửa chữa để 2 Thông tư sớm hoàn thiện và được ký ban hành trước 15/7.
Và như vậy, 2 Thông tư Quy định đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư Điều lệ trường Tiểu học sẽ có hiệu lực trước 1/9 và đi vào triển khai từ năm học 2020-2021.