Chủ trì và điều hành Hội thảo có bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và đại diện nhà xuất bản giáo dục.
Theo Hội Liên Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 cho thấy, nhiều biểu hiện bất bình đẳng giới trong SGK như tỉ lệ xuất hiện trong SGK tiểu học 49% dành cho nữ, 51% dành cho nam, THCS 33% nữ, 67% nam, THPT 19% nữ, 81% nam.
Bên cạnh mất cân đối về tỷ lệ nhân vật nam và nữ trong SGK, còn có sự mất cân đối về số lượng tác giả SGK nam, nữ; hình ảnh đại diện nghề nghiệp của nam, nữ chưa phản ánh kịp thời xu hướng và những thay đổi trong xã hội.
Những ví dụ trong SGK về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng, có tới 95% là nhân vật nam. Sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ cũng có sự khác biệt theo các cấp học. Càng lên cấp học cao, sự chênh lệch càng lớn, nhất là ở cấp THPT.
Hội thảo đặt ra nhiều vấn đề như trong quá trình đổi mới SGK sắp tới, làm thế nào thúc đẩy bình đẳng giới? Xác định vấn đề giới trong SGK hiện nay như thế nào? Vấn đề giới là phát triển con người, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào sách giáo khoa là vấn đề cấp thiết?Các ý kiến tham gia tại Hội thảo đều cho rằng, giáo dục về giới và bình đẳng giới cần được chuyển tải nhiều hơn trong quá trình giáo dục giới, ứng với chương trình, SGK mới. Cần lồng ghép giới trong quá trình biên soạn, biên tập, xuất bản sách giáo khoa.
Để SGK, chương trình GD phổ thông thúc đẩy bình đẳng giới, cần đảm bảo sự cân đối về hình ảnh, vai trò, nghề nghiệp... của phụ nữ và nam giới trong nội dung bài học, hình ảnh minh họa; Khuyến khích những hình ảnh tích cực về nữ và nam giới trong những lĩnh vực thường được coi không phải là thế mạnh của họ (phụ nữ làm lãnh đạo, nam giới chăm sóc gia đình); Khẳng định vai trò đóng góp của phụ nữ trong xã hội.