Cô Lê Thị Lan (SN 1977), Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, là 1 trong 2 giáo viên của tỉnh Nghệ An được Bộ GD&ĐT tôn vinh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018.
Bước ngoặt vào nghề giáo
Ít ai nghĩ rằng, sư phạm không phải là lựa chọn đầu tiên của cô giáo Lê Thị Lan, thậm chí là xếp thứ 3. Sau khi học xong lớp 12 tại Trường THPT Thanh Chương 3, cô thi đậu một lúc 3 trường Đại học: Kinh tế Quốc dân, Giao thông vận tải và Sư phạm Vinh. Trước đó, Lan cũng là nữ sinh lập nên kỳ tích ở ngôi trường làng khi lọt vào đội tuyển HSG quốc gia và đạt giải môn Hóa học.
Thời điểm biết kết quả thi đại học, Lê Thị Lan đã lựa chọn nộp hồ sơ và nhập học tại trường ĐH Kinh tế quốc dân. Nhưng trong lần về quê chuẩn bị đồ đạc ra Hà Nội, cô nghe lỏm được lời tâm sự của bố với các bác trong xóm: “Muốn trong nhà có một người làm thầy, dù con thi đỗ và chọn đi học kinh tế bố không dám cản”.
Lời tâm sự của bố khiến con gái trằn trọc suốt đêm. Nhìn lại cảnh nhà vô cùng khó khăn. Bố là công nhân nông trường với đồng lương ít ỏi, mẹ ở nhà làm nông, không biết chữ, vất vả nuôi 5 đứa con đi học. Cả 5 anh chị em học rất tốt, nhưng chỉ mỗi mình Lan là được “đến nơi đến chốn”, còn lại đều dang dở. Cuối cùng, Lê Thị Lan quyết định không ra thủ đô nữa, mà ở lại học Sư phạm Vinh (Nghệ An).
Cô Lê Thị Lan (GV Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) |
Cô nhập học với số điểm thủ khoa vào trường thời điểm bấy giờ. Và sau đó tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Ra trường, Lê Thị Lan mang hồ nơ nộp vào một số trường THPT trong tỉnh. Cũng trong dịp đó, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tổ chức thi tuyển giáo viên bộ môn Hóa học. Ngôi trường chuyên mà Lê Thị Lan mới chỉ một lần được đặt chân đến khi tham dự kỳ thi HSG quốc gia khi học cấp 3. Nhưng cô vẫn mạnh dạn nộp hồ sơ thử sức.
"Chúng tôi có 5 người cùng dự thi. Trong đó, chỉ mình tôi là sinh viên mới ra trường, còn lại đều là giáo viên có kinh nghiệm được tuyển chọn ở các huyện. Bố tôi ngày ấy cũng chỉ mong tôi được nhận vào dạy học ở trường THPT gần nhà là mừng rồi. Còn để vào dạy trường Phan là điều gì đó xa xỉ, không với tới được.
Thấy bố lo lắng như vậy, Lê Thị Lan không nói gì, nhưng lẳng lặng một mình quay xuống Vinh thi tuyển. Nội dung thi gồm phần kiến thức và thực hành. Trong khi bài kiểm tra kiến thức Lan khá tự tin “vì mình vừa mới học xong ĐH, và từng ôn đội tuyển HSG quốc gia”, thì bài thi thực hành là một thử thách vì chưa hề có kinh nghiệm nào ngoài một số tiết đi thực tập. Cô đã tự soạn giáo án và dạy theo cách mình cho là tốt nhất. Kết quả cô sinh viên mới tốt nghiệp đã trúng tuyển vào dạy học tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Nói về những năm tháng đó, cô tâm sự, bản thân đã rất nỗ lực, cố gắng, quyết tâm. Hai năm đầu tiên vào trường, trên con “ngựa sắt”, cô vừa ở trọ đi dạy, vừa đi gia sư kiếm tiền trang trải cuộc sống và hoàn thành chương trình cao học.
Và tấm HCĐ Olympic Hóa học quốc tế
Thời điểm mới giảng dạy tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu, cô Lan được phân công dạy các lớp chuyên các môn KHXH và ngoại ngữ. Đồng thời, tham gia hỗ trợ trong các tổ nhóm bồi dưỡng HSG Hóa học. Điều thú vị là nhiều học sinh các lớp xã hội nhờ cô mà phát hiện ra tố chất học môn Hóa, thi đậu HSG tỉnh, thậm chí chuyển sang học khối A.
Qua từng năm học, khi chuyên môn vững vàng và nhiều kinh nghiệm, cô được nhà trường tin tưởng phân công dạy lớp chuyên. Liên tục trong nhiều năm, học sinh của cô Lan đạt giải cao trong các kỳ thi HSG cấp tỉnh, quốc gia. Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên cô Lan cùng với thầy Hoàng Đình Hùng trực tiếp bồi dưỡng em Phan Nhật Duật dự thi Olympic Hóa học quốc tế giành được Huy chương Đồng.
Cô Lê Thị Lan và em Phan Nhật Duật trong lần dự thi Olympic Hóa học quốc tế 2018 |
Là giáo viên chủ nhiệm của Duật, cô Lan cho biết, từ khi mới vào lớp 10, cô đã phát hiện ở câu học trò này có những tố chất đặc biệt, khả năng nắm bắt vấn đề nhanh, có những hướng giải bài rất thông minh. Nhưng Phan Nhật Duật cũng có những tật xấu khó chữa, đặc biệt là “vô cùng cẩu thả”, nhanh nhưng ẩu, chữ xấu.
Cũng chính vì thế mà trong suốt 3 năm dạy học, bồi dưỡng Duật, dù em là học sinh xuất sắc nhưng tôi chưa bao giờ cho em điểm cao nhất lớp. Có lúc Duật cũng… phàn nàn “cô khắt khe với em, chấm bài em chặt thế”. Tôi cũng nói cô nghiêm khắc và khó tính để em sửa tật xấu.
Khi lựa chọn học sinh vào đội tuyển dự thi, ngoài năng khiếu, thông minh, thì điều quan trọng là sự cẩn thận để không chủ quan làm mất điểm. Đến lớp 12, Duật có sự nỗ lực vượt bậc, chững chạc hơn và dự kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia xuất sắc giành giải Nhất. Sau đó, em vượt qua vòng loại để lọt vào đội tuyển Olympic Hóa học quốc gia dự thi quốc tế tại Cộng hòa Séc và Slovakia.
Chia sẻ về hành trình cùng học trò thi đấu tại kỳ thi Olympic, cô Lan nói: Phan Nhật Duật góp mặt ở đội tuyển muộn hơn so với các bạn, nên em chưa có được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là trong phần thi thực hành.
“Em Duật đã rất cố gắng và đạt được điểm thi lý thuyết cao thứ 2. Đến phần thi thực hành, sau khi hoàn thành phần thi của mình, Duật cảm thấy chưa ưng ý nên xin thêm hóa chất để làm lại nên em bị trừ 20 điểm. Với tổng số điểm có được, Duật nằm tốp dẫn đầu của các thí sinh giành Huy chương Đồng. Thực sự, là giáo viên trực tiếp bồi dưỡng, hướng dẫn em, tôi vẫn có chút nuối tiếc”, cô Lan chia sẻ.
Khi em bước lên nhận giải, cô không rõ cảm xúc mình lúc đó là gì, chỉ thấy trào nước mắt không kìm lại được. Dù cô là người ít khi khóc, bản thân bình thường rất nghiêm khắc với học trò, và mạnh mẽ, tự lập trong cuộc sống, công việc. Giờ đây, Duật đang là sinh viên của ĐH Y khoa Hà Nội. Cô cũng mong rằng từ lần mang chuông đi đánh xứ người đó sẽ giúp em rút ra nhiều kinh nghiệm trong học tập, làm việc sau này.
Cô Lan (áo dài đỏ) cùng các thầy giáo và học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu |
Cô Lê Thị Lan từng khiến nhiều bạn bè bất ngờ khi rẽ bước vào nghề sư phạm. Nhưng sau gần 20 năm đứng lớp, nghề giáo đã cho cô nhiều trải nghiệm vui buồn, cho cô những niềm vui, hạnh phúc đặc biệt của nghiệp trồng người. Giờ đây, khi hỏi lại quyết định của mình, cô tâm sự: Không thể nói là đúng, hay sai, hoặc có hối tiếc gì. Bởi nghề nghiệp nào cũng có những điều thú vị.
Với nghề giáo, đó là sự lựa chọn phù hợp với tôi, và tôi thấy mình được cống hiến, được giúp đỡ, được làm những điều ý nghĩa khi từng lứa học trò của mình ra trường, vững vàng trong cuộc sống. Các em vẫn nhớ đến cô, ngày lễ tết ríu rít tìm đến nhà, hay mỗi dịp cô đi đâu ở Hà Nội, trò cũ lại tìm cách đến thăm cô bằng được…
Có lẽ, đó là những thành công không dễ gì đong đếm, so sánh được của nghề giáo, nhưng đọng lại thành cảm xúc, kỷ niệm quý giá suốt cuộc đời người làm thầy.