Tham dự chương trình có ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT), Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại, Nhà báo Dương Thị Thanh Hương - Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại, bà Trần Lưu Hoa - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Võ Văn Minh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, ông Phạm Quỳnh - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Báo cáo tổng kết cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2021, ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo Giáo dục & Thời đại – cho biết, nhận bài dự thi từ tháng 9/2021, Cuộc thi đã đón nhận sự tham gia nhiệt thành của đông đảo bạn đọc trên cả nước với nhiều tác phẩm chất lượng. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 50.000 bài dự thi được gửi qua đường bưu điện.
Theo ông Triệu Ngọc Lâm, Cuộc thi được phát động trong một thời gian ngắn, kênh phát động qua Báo Giáo dục và Thời đại và các phương tiện truyền thông với hình thức không bắt buộc, tự nguyện tham gia của học sinh, phụ huynh.
Qua đó cho thấy, Cuộc thi đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân trên cả nước đối với Cuộc thi.
Các bài dự thi tập trung vào 2 chủ đề chính: thầy cô giáo và mái trường mến yêu. Trong đó, phần nhiều các tác phẩm viết về những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc về thầy cô giáo. Nhiều tác phẩm thể hiện những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc về mái trường gắn liền với hình ảnh của một hoặc một số thầy cô giáo cụ thể.
Theo đó, hình ảnh của thầy, cô giáo đượ viết ở nhiều góc độ khác nhau: Học trò viết về thầy cô; con cái viết về bố mẹ đồng thời cũng chính là thầy cô giáo; cháu viết về cô chú của mình và cũng là thầy cô giáo; chị gái viết về em gái; giáo viên viết về cán bộ quản lý; cán bộ quản lý viết về giáo viên…
Các tác phẩm dự thi được trình bày công phu, được thể hiện dưới nhiêu hình thức khác nhau. Hình ảnh thầy, cô giáo được nhìn từ góc nhìn đa chiều, đa diện. Song dù ở góc độ nào cũng đều là những hình ảnh đẹp và độc đáo.
Đại diện Ban giảm khảo, ông Phạm Quỳnh - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. chia sẻ: Năm nay là năm thứ 4 giải được tổ chức. BGK nhận được tình cảm và kỷ niệm với những tác giả. Mỗi năm được chấm vào chung kết, tình cảm giữa học trò với thầy cô đều là những yếu tố còn tràn khắp trong nền giáo dục của chúng ta. Năm 2018 lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức đã tạo tiếng vang và hiệu ứng tích cực. Số lượng bài có lần chở 3 xe bán tải. Như một làn gió thơm, cuộc thi ngày càng lan tỏa và thu hút nhiều GV, HSSV tham gia. Đây là động lực để tổ chức cuộc thi năm 2021.
Cuộc thi năm nay có hơn 50.000 bài dự thi của GV HS gửi về. Ban tổ chức đã chọn ra 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì, 3 Giải Ba và 10 Giải Khuyến khích.
Mỗi tác phẩm là 1 câu chuyện đẹp với những ấn tượng về thầy cô, học sinh. Đó có thể là tình huống sư phạm nhưng thể hiện được năng lực, khả năng sáng tạo và tình cảm của thầy cô với học trò. Là tình cảm gắn bó sâu sắc tới học sinh đang theo học. Tất cả đã khắc họa hình ảnh thầy cô đẹp với những kỷ niệm thân thương. Dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song số lượng và chất lượng bài dự thi vẫn không ngừng tăng lên. Các tác phẩm được tác giả đầu tư công phu với hình thức đẹp mắt. Cuộc thi thành sự kết nối tình cảm giữa thầy trò, nhà trường, học trò ngày càng tốt đẹp. Đây là cuộc thi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phát huy truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc.