Tuyển sinh 2022: Mở ngành mới gắn với nhu cầu nguồn nhân lực

Thứ tư - 29/12/2021 22:38 299 0
GD&TĐ - Năm 2022, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở thêm một số ngành mới và tăng chỉ tiêu đào tạo. Đại diện các trường khẳng định, việc mở các ngành mới đều gắn với nhu cầu nguồn nhân lực.
Tuyển sinh 2022: Mở ngành mới gắn với nhu cầu nguồn nhân lực

Nắm bắt cơ hội

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu nhân lực thầy thuốc rất lớn. Xuất phát từ thực tiễn khách quan, nhiều cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành sức khoẻ đã dự kiến mở mới một số ngành và tăng chỉ tiêu xét tuyển. Dự kiến năm 2022, Trường ĐH Y Hà Nội mở thêm ngành Cử nhân phục hồi chức năng; chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến tăng 5% so với năm 2021.

Trường ĐH Y tế Công cộng dự kiến phương án tuyển sinh cho các ngành, hệ năm 2022 gồm: Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học tăng chỉ tiêu tuyển sinh 20% so với năm 2021; Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng tăng 10% so với năm ngoái. Đặc biệt, trong năm 2022, trường mở thêm mã ngành Khoa học dữ liệu.

Trường ĐH Ngoại thương vừa thông báo tuyển sinh các chương trình chuyển đổi số với phương thức xét tuyển ổn định. Bên cạnh chương trình đào tạo đã tuyển sinh năm 2021, năm 2022, trường này bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, bao gồm:

Marketing số (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội) và Truyền thông Marketing tích hợp (tuyển sinh tại Cơ sở II - TP Hồ Chí Minh) thuộc ngành Marketing và chương trình Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội).

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương - cho biết: Ba chương trình mới đều có cách tiếp cận hiện đại trong thiết kế và tổ chức thực hiện trên cơ sở 3 nguyên tắc: Căn bản, mở, linh hoạt nhằm giúp người học có nền tảng nghề nghiệp, có khả năng nắm bắt cơ hội phát triển nghề nghiệp và đồng thời thích nghi sáng tạo trong bối cảnh thay đổi liên tục của thế giới.

Mới đây, Bộ GD&ĐT quyết định cho phép Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội đào tạo ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh trình độ đại học. TS Nguyễn Duy Quyết - Hiệu trưởng nhà trường – cho hay:

Giáo dục quốc phòng và an ninh là nội dung, yêu cầu không thể thiếu trong chương trình giảng dạy chính khóa của các nhà trường. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương cho việc đẩy mạnh nhiệm vụ này. Trong đó, xác định chất lượng đội ngũ giảng viên và lực lượng tham gia giáo dục quốc phòng có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và lực lượng tham gia giáo dục quốc phòng là một trong những giải pháp rất quan trọng trong đổi mới giáo dục quốc phòng.

Tuyển sinh 2022: Mở ngành mới gắn với nhu cầu nguồn nhân lực - Ảnh minh hoạ 2
Cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Ngoại thương tư vấn tuyển sinh – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG

Cần chiến lược quy hoạch nhân lực các ngành nghề

Theo TS Nguyễn Duy Quyết, qua thực tế triển khai chương trình đào tạo, giảng dạy môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay là đội ngũ giáo viên, giảng viên vẫn thiếu, chưa chuẩn hóa trình độ chuyên môn theo yêu cầu. Hiện đã có hơn 1.700 học viên được đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh trình độ đại học (hệ chính quy 4 năm). Tuy nhiên, ở cấp THPT, số lượng giáo viên trên phạm vi cả nước cần thực hiện nâng chuẩn trình độ theo Đề án vẫn còn thiếu gần 3.500 giáo viên.

“Như vậy, có thể thấy cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường rất cao. Nhất là việc đào tạo theo hướng song bằng cho sinh viên. Tức là, sinh viên học tại Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội có thể đăng ký đào tạo để được cấp 2 bằng. Thực tế, nhà trường đã đào tạo 7 khoá ghép môn Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng và an ninh cho 487 giáo viên. Đến nay, hầu hết các sinh viên này đều làm đúng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các trường phổ thông” - TS Nguyễn Duy Quyết khẳng định.

Năm 2022, Trường ĐH Gia Định (TPHCM) sẽ mở 5 ngành mới và thêm chương trình đào tạo tài năng với 5 ngành học: Công nghệ thông tin, Quản trị Kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing và Ngôn ngữ Anh. ThS Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định – chia sẻ: Việc mở thêm 5 ngành này xuất phát từ nhu cầu thị trường lao động. Dự báo, sau 3 năm tới, nhu cầu lao động của những ngành nghề này sẽ cao.

“Việc tăng chỉ tiêu các ngành liên quan đến công nghệ thông tin xuất phát từ sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử, hình thức làm việc trực tuyến trở nên phổ biến sau đại dịch Covid-19” - ThS Trịnh Hữu Chung trao đổi.

Đây là những ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo có lộ trình, giỏi tay nghề, ngoại ngữ… Với chương trình này, trường xây dựng kế hoạch đào tào theo hướng tập trung chất lượng chương trình học như: Sinh viên được học tăng cường tiếng Anh, học với các doanh nhân, chuyên gia, giao lưu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước và được đi thực tập từ năm thứ nhất.

Cũng từ năm 2022, Trường ĐH Gia Định mở thêm 5 ngành mới gồm: Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Bất động sản, Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống, Quản trị Du lịch và lữ hành, nâng tổng số ngành đại trà tuyển sinh trong năm tới lên 19 ngành. Nhà trường cũng tăng chỉ tiêu xét tuyển năm 2022 với các ngành: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Phần mềm, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu. 

Kết quả dự báo xác định nhu cầu nhân lực có trình độ tại TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025 của Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho thấy, dự kiến nhu cầu nhân lực 1 năm khoảng 270.000 việc làm; trong đó lao động có trình độ đại học chiếm 13%, cao đẳng chiếm 15%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%. “Định hướng phát triển thị trường lao động thành phố có các ngành mà chúng tôi đã và đang đào tạo như: Thương mại điện tử, Tài chính, Bất động sản, Thương mại, dịch vụ…” - ThS Trịnh Hữu Chung thông tin.

Mặc dù các trường mở ngành, tuyển sinh và đào tạo vẫn dựa trên những khảo sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, việc thiếu chính sách dự báo nhân lực mang tầm chiến lược quốc gia, khiến số ít trường loay hoay và chạy theo bài toán tuyển sinh. Vì thế, điều mà cơ sở đào tạo mong muốn là, cần một chiến lược quy hoạch nhân lực các ngành nghề của nền kinh tế theo giai đoạn mang tầm quốc gia.

ThS Trịnh Hữu Chung cho rằng: Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với yêu cầu cao hơn đối với người lao động. Các tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn. Do đó, nhà trường cần chú trọng rèn luyện kỹ năng cho sinh viên, để hình thành một thế hệ thanh niên có tri thức, bản lĩnh, vững vàng hội nhập quốc tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập687
  • Hôm nay40,265
  • Tháng hiện tại318,395
  • Tổng lượt truy cập51,674,354
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944