Trợ giảng khi còn là sinh viên

Chủ nhật - 09/01/2022 07:00 341 0
GD&TĐ - Nhiều sinh viên ngay từ năm thứ 2 - 3 có thể đảm nhận vai trò trợ giảng, giúp việc cho giảng viên trong chuẩn bị bài giảng, tổ chức và theo dõi sinh viên làm việc nhóm, dự án;…
Trợ giảng khi còn là sinh viên

Để trở thành trợ giảng, sinh viên phải có thành tích học tập, năng động, tiếng Anh tốt và có khả năng truyền thụ.

Trong khó có dễ…

Học kỳ I năm 2021 – 2022, Trương Phú Khánh Huy (sinh viên năm thứ 4, Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) làm trợ giảng môn Toán rời rạc cho các bạn sinh viên năm thứ 3. Vì đang học trực tuyến nên mỗi tuần, Huy sắp xếp một buổi online để gặp lớp. Huy sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn có liên quan đến môn học, củng cố kiến thức, giải mẫu một số bài tập, ra bài về nhà cho sinh viên…

Công việc trợ giảng đến với Huy khi đang là sinh viên năm thứ 2. Trải qua hai học kỳ đảm nhận vai trò trợ giảng với hình thức dạy học trực tuyến, Huy cho biết: “Dạy online có nhiều hạn chế. Có những câu hỏi chỉ có 1 - 2 bạn trả lời, những bạn nào tích cực thường xuyên tham gia xây dựng bài, các bạn khác thì ngồi nghe thụ động”. Để khắc phục tình trạng này, Khánh Huy giao bài tập nhóm cho các bạn. Mỗi thành viên của nhóm đều phải trình bày và giải thích kết quả phần việc mình được phân công trong nhóm. Khoảng 1 - 2 tuần, Huy sẽ ra một bài để củng cố kiến thức, sinh viên đều phải nộp bài làm của cá nhân.

Theo chia sẻ của Huy, nếu đã nắm vững kiến thức môn học thì công việc trợ giảng không phải là quá khó. Vì Huy biết đến đâu sẽ hỗ trợ cho các bạn đến đấy. Những gì Huy không biết hoặc biết không cặn kẽ, có thể trao đổi lại với giảng viên để nhận được sự hỗ trợ. Cái khó của công việc trợ giảng, theo Huy, là quỹ thời gian dành cho công việc không chỉ dừng lại ở một giờ đứng lớp. “Trong quá trình tự học, có gì thắc mắc các bạn sẽ hỏi qua email, Facebook… Nhiệm vụ của sinh viên trợ giảng, ngoài giảng bài, còn là sự sẻ chia với đồng môn khóa dưới”, Trương Phú Khanh Huy cho biết.

Từ năm 2013, chương trình tiên tiến (CTTT) Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) bắt đầu tuyển chọn sinh viên xuất sắc đang theo học ngành Điện tử viễn thông và Hệ thống nhúng làm trợ giảng cho giảng viên. Để được tuyển chọn làm trợ lý giảng dạy, sinh viên phải nổi trội về thành tích học tập, năng động, tiếng Anh tốt và có khả năng truyền thụ. Giảng viên sẽ thông báo để sinh viên gửi CV qua email và thông thường, những người có điểm cao nhất lớp, nhất khóa trong môn học sẽ được giảng viên chọn làm trợ giảng cho mình.

Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) vừa ra mắt TA (Teaching Assistant) Team, đội ngũ sinh viên trợ giảng tiếng Anh với 10 thành viên. PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “TA Team hội tụ các sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên. Ngoài ra, sinh viên từng tham gia giảng dạy, phiên dịch, trợ giảng tại các trung tâm Anh ngữ lớn tại Đà Nẵng, cơ quan, tổ chức như: Access American Education, phiên dịch viên tại hội thảo du học của tổ chức Capstone...”. Công việc của các thành viên TA Team là hỗ trợ cho giảng viên hướng dẫn sinh viên làm bài tập, hỗ trợ kỹ thuật khi khai thác nguồn học liệu điện tử và làm các bài tập trực tuyến...

Trợ giảng khi còn là sinh viên - Ảnh minh hoạ 2
Giờ học tiếng Anh của sinh viên năm thứ nhất, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: TG

Học thầy, học bạn

TS Nguyễn Lê Hòa - Trưởng khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) thông tin: “Khi làm trợ giảng trực tuyến, sinh viên cũng gặp những trở ngại như các giảng viên dạy học theo hình thức này. Tuy nhiên, các bạn có một thuận lợi là đã trải nghiệm với tư cách là một người học nên hiểu rõ hơn những khó khăn của sinh viên khóa dưới để có điều chỉnh phù hợp”.

Thông thường, sinh viên trợ giảng phải theo lịch và giáo án của giảng viên. Trong trường hợp lịch học trùng với giờ dạy của giảng viên, sinh viên trợ giảng sau đó sẽ nhận được trao đổi để nắm được kế hoạch, nội dung giảng dạy sẽ triển khai. Ngoài giải đáp thắc mắc, chấm chữa bài tập, người trợ giảng còn hỗ trợ sinh viên. Theo TS Hòa, với những nội dung triển khai theo dự án học tập, phải có sản phẩm trình diễn, do không thể tiến hành trực tiếp được, phải chuyển sang hoạt động mô phỏng, thí nghiệm ảo... sinh viên trợ giảng cũng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các em khóa dưới triển khai một số các hoạt động mô phỏng, tính toán...

TS Dương Bạch Nhật – tổ Ngoại ngữ chuyên ngành, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) khẳng định: Các sinh viên trong TA Team không chỉ đóng vai trò nòng cốt trong chủ trương cải tiến chương trình giảng dạy tiếng Anh mà còn là “người đồng hành” cùng các thầy cô truyền đạt phương pháp học hiệu quả, định hướng học tiếng Anh đúng đắn cho sinh viên. Lợi ích của học liệu trực tuyến MyELT mà Trường ĐH Kinh tế đang triển khai cho sinh viên năm thứ nhất sẽ giúp các em có sự linh hoạt cao trong học tập. Sinh viên có thể học tập ở nhà hoặc trên lớp, vào những khung giờ linh hoạt, ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào nên sự hỗ trợ của TA Team sẽ thúc đẩy quá trình tự học của các em.

“Ngoài nhận được sự hỗ trợ của giảng viên sau giờ học, chúng em còn có thể trao đổi những vướng mắc với các anh chị trợ giảng là sinh viên. Với những vấn đề có nhiều bạn trong lớp cùng hỏi, anh chị sinh viên trợ giảng sẽ dành một buổi hướng dẫn, giải đáp để chúng em được hoàn thiện, nắm chắc kiến thức hơn. Vì cùng là sinh viên với nhau nên mọi thắc mắc dễ dàng được trao đổi với nhau hơn. Em có thể hỏi thêm những nội dung kiến thức không nằm trong bài giảng, nhờ các anh chị chia sẻ kinh nghiệm học tập để hoàn chỉnh những kỹ năng mà mình còn hạn chế. Nếu trợ giảng là giảng viên, đôi khi các bạn lại ngại không dám hỏi cặn kẽ” - sinh viên Nguyễn Hoàng Oanh (lớp 47K32.1 chuyên ngành Kinh tế quốc tế, Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế) chia sẻ.

“Làm trợ giảng tức là quản lý một số lượng người tương đối lớn buộc mình phải có khả năng bao quát. Trên mình còn có giảng viên nữa nên áp lực cũng nhiều hơn, vì vậy, sẽ tạo được sự năng động mà công việc gia sư không có được. Ngoài việc được củng cố, hệ thống lại kiến thức đã học, công việc trợ giảng giúp cho mình hoàn thiện các kỹ năng diễn đạt, trình bày, thống kê, xử lý số liệu, cách soạn và trả lời email công việc, phương pháp tổ chức các hoạt động nhóm…” – Trương Phú Khánh Huy chia sẻ. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập373
  • Hôm nay26,487
  • Tháng hiện tại291,322
  • Tổng lượt truy cập51,647,281
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944