“Trường học hạnh phúc” - nơi hội tụ của yêu thương và tôn trọng

Thứ sáu - 22/01/2021 19:49 804 0
GD&TĐ - Xây dựng “trường học hạnh phúc” là mục tiêu mà ngành giáo dục Vĩnh Phúc đã và đang nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.
“Trường học hạnh phúc” - nơi hội tụ của yêu thương và tôn trọng

Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên, học sinh theo hướng tích cực, qua đó góp phần nâng chất lượng giáo dục.

Thay đổi tư duy và hành động

Trường học hạnh phúc là một khái niệm không mới, trước đây đã có và đang được thực hiện thông qua các cuộc vận động, đề án giáo dục như “Giáo dục tích cực”, “Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” hay “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Đó chính là những hoạt động để xây dựng môi trường sư phạm hạnh phúc. 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng nhấn mạnh: Có ba tiêu chí quan trọng để xây dựng nên một trường học hạnh phúc đó là yêu thương, an toàn và tôn trọng, đồng thời xác định hoạt động nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo - người lao động là yếu tố quyết định để xây dựng nên một trường học hạnh phúc.

Nói cách khác, trong nhà trường giáo viên quan tâm đến đồng nghiệp, quan tâm đến học trò và học sinh quan tâm đến nhau, có sự thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ nhau những thuận lợi, khó khăn riêng. Trong trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần cho cả thầy, cô giáo và học sinh; tôn trọng sự khác biệt, sự sáng tạo của mỗi học sinh, tạo sự đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.

Tại Vĩnh Phúc, từ năm 2019, Sở GD&ĐT triển khai xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc tới tất cả các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Hội thảo “Thầy cô thay đổi hướng tới trường học hạnh phúc” do Sở GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức thành công vào cuối năm 2019 với sự góp mặt của lãnh đạo Phòng giáo dục các huyện, đại diện BGH, giáo viên  các trường: Mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh. Có thể coi đây là một “Hội nghị Diên Hồng” của ngành Giáo dục Vĩnh Phúc để cụ thể hóa quyết tâm xây dựng trường học hạnh phúc của tỉnh. 

Trường THPT Tam Dương (huyện Tam Dương) là một trong những cơ sở giáo dục có truyền thống dạy tốt - học tốt của Vĩnh Phúc. Ngoài ra nhà trường còn được Công đoàn ngành giáo dục Vĩnh Phúc đánh giá là đơn vị thực hiện tốt hướng dẫn xây dựng trường học hạnh phúc. Để xây dựng trường học thân thiện và hạnh phúc, nhà trường đã bám sát các tiêu chí của ngành GD&ĐT đề ra. Sau đó, Ban Giám hiệu nhà trường cụ thể hóa từng tiêu chí và giao Công đoàn nhà trường triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của trường. Nhà trường còn giao cho tổ công nghệ thông tin gửi vào địa chỉ email ngành của từng giáo viên hoặc đưa lên website của nhà trường làm kho văn bản chung để các giáo viên có thể xem và cập nhật thường xuyên để thực hiện. 

Thầy giáo Phan Hồng Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Dương chia sẻ: Không thể có một ngôi trường hạnh phúc nếu các thành viên trong trường học, trong lớp học không nhận được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được bảo đảm an toàn. Duy trì bầu không khí học tập, lao động ấm áp và thân thiện là điều kiện quan trọng khi xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh. Trong đó, thầy cô phải làm gương cho học sinh trong mọi hoạt động, nhất là hoạt động dạy và học.

“Quan điểm xuyên suốt của nhà trường, muốn xây dựng trường học hạnh phúc thì cổng trường học phải luôn luôn mở, cửa phòng lãnh đạo, giáo viên phải luôn luôn mở để chào đón học sinh. Xây dựng trường học hành phúc đó là thực hiện mục tiêu dạy học sinh làm người. Không chạy theo thành tích, không gây áp lực học tập. Khuyến khích học sinh trải nghiệm, phản biện, sáng tạo. Sự khác biệt lớn nhất được thể hiện ở cách ứng xử giữa con người và con người, không tạo áp lực không cần thiết, không có bạo lực học đường”, thầy giáo Phan Hồng Hiệp khẳng định. 

“Trường học hạnh phúc” - nơi hội tụ của yêu thương và tôn trọng - Ảnh minh hoạ 2
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cùng các đại biểu thăm phòng tâm lý học đường tại Trường THPT Vĩnh Yên.

Phát huy vai trò người đứng đầu 

Tại hội thảo “Thầy cô thay đổi hướng tới trường học hạnh phúc”, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến đã nêu quan điểm, giáo dục Vĩnh Phúc những năm qua đã khẳng định được chất lượng, song như một người khổng lồ mặc một chiếc áo chật, sẽ không thể có trường học hạnh phúc nếu trường học vẫn y hệt như 20 năm về trước. Muốn thực hiện nhà trường hạnh phúc cần sự thay đổi nhiều nhất từ người đứng đầu ngành Giáo dục và người đứng đầu các cơ sở giáo dục; tiếp đến là đội ngũ giáo viên, bởi đây là lực lượng nòng cốt để thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục.

Là chủ thể mang tính chủ động và có khả năng dẫn dắt, định hướng, chính người thầy đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Và muốn phát huy tối đa khả năng của cán bộ giáo viên trong cơ sở giao dục đòi hỏi vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ mà ở đây là người hiệu trưởng. Khi xây dựng trường học hạnh phúc, hiệu trưởng phải là người mang lại sự tin yêu đối với mọi người. Quản lý bằng tình yêu thương và sự thấu cảm, sẻ chia sẽ tạo nên một môi trường sư phạm hạnh phúc.

Cùng chung quan điểm về vai trò quan trọng của người đứng đầu cơ sở giáo dục, nhà giáo Nguyễn Thị Mai Chang, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Yên chia sẻ: Xây dựng trường học hạnh phúc cần dũng khí và khát vọng của hiệu trưởng. Dũng khí ở đây chính là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; còn khát vọng chính là không ngừng tâm huyết và đổi mới để xây dựng nhà trường phát triển vươn lên tầm cao mới. Đây là những tố chất không thể thiếu của người hiệu trưởng đổi mới sáng tạo.

Trên thực tế, việc triển khai các nhiệm vụ giáo dục trong nhà trường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, văn bản, quy định, quy chuẩn của các cấp vừa nhiều về số lượng, vừa chồng chéo. Nếu như hiệu trưởng không có dũng khí, không nhiệt huyết thì thật khó để triển khai được bất cứ việc gì. Để hiệu trưởng hạnh phúc thì ít nhất, họ có thể làm những điều mà họ cảm thấy đam mê, tâm đắc và mang lại cho họ niềm vinh dự của một nhà giáo chân chính. Bản thân hiệu trưởng phải là người biết yêu thương mới lan tỏa được yêu thương, phải là người hạnh phúc mới lan tỏa hạnh phúc.

Ngoài ra, quan điểm ngày xưa, thầy cô phải trở thành thầy giáo dạy giỏi nhưng bây giờ, thầy cô phải là người truyền cảm hứng và là nhà giáo dục tài năng. Nhà giáo dục tài năng dạy cho đứa trẻ hai thứ, đó là tri thức khoa học và các kỹ năng để làm người. Mọi hoạt động giáo dục đều phải hướng tới phát triển con người toàn diện. Điều quan trọng nữa là phải làm cho phụ huynh, thầy cô hiểu con để các con không chỉ hạnh phúc ở trường mà ở nhà cũng có được hạnh phúc.

Ở Trường THPT Vĩnh Yên, trong quá trình xây dựng, kiến tạo mô hình trường học hạnh phúc, chúng tôi đã lập kế hoạch và đầu tư hoàn thiện Phòng tâm lý học đường theo ý tưởng của chuyên gia tâm lý, phân công 2 giáo viên tham dự nhiều khóa học về chuyên môn và thành lập Tổ tư vấn gồm 6 thầy cô giáo và 1 học sinh là Chủ tịch Hội học sinh của trường, do 1 thầy Phó Hiệu trưởng có kinh nghiệm phụ trách. Tất cả các hoạt động của nhà trường phải hướng đến mục tiêu: Vì sự tiến bộ và phát triển của học sinh, làm cho học sinh vui, có tri thức và dần trưởng thành – cô giáo Nguyễn Thị Mai Chang nói.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực lãnh đạo, phẩm chất của người quản lý giáo dục, song song với nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ quản lý giáo dục, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã xây dựng và triển khai “Dự án phát triển giáo viên Vĩnh Phúc”, mời chuyên gia giáo dục toàn cầu về tập huấn chương trình giáo dục tích cực cho cán bộ, giáo viên, tạo sự thay đổi đột phá trong nhận thức, tư duy và hành động của mỗi nhà quản lý. Để có được trường học hạnh phúc, đòi hỏi các thầy giáo, cô giáo làm công tác quản lý không chỉ giỏi quản lý mà còn phải truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho giáo viên và học sinh. 

“Trường học hạnh phúc” - nơi hội tụ của yêu thương và tôn trọng - Ảnh minh hoạ 3
Thầy cô tham gia buổi tập huấn về kiến tạo trường học hạnh phúc do Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tổ chức. 

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Ngày 15/12/2020, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Hội nghị chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc” diễn ra sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc vận động Vì một trường học tập hạnh phúc. 

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho rằng: Việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc có ý nghĩa quan trọng trong các nhà trường. Tuy nhiên, đây là một mô hình khó và ngoài sự nỗ lực của thầy và trò thì còn phải xây dựng được một môi trường thân thiện, an toàn, giàu tình yêu thương. Trước mắt phải xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Nghệ An là vùng đất học có truyền thống hiếu học, rất nhiều thầy giáo, cô giáo dạy học sinh bằng tình cảm, yêu thương và biết cảm hóa học trò, kể cả những học trò cá biệt. Vì vậy, với truyền thống này, lãnh đạo Sở cũng tin rằng, việc xây dựng trường học hạnh phúc sẽ được các nhà trường hưởng ứng với nhiều việc làm thiết thực và ý nghĩa.

Trong khi đó, tại Vĩnh Phúc, nguồn lực đầu tư cho giáo dục tuy lớn, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu do số lượng trường lớn, trải rộng khắp tỉnh. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn thừa, thiếu cục bộ về số lượng, mất cân đối về cơ cấu, bộ môn. Phụ huynh học sinh nhiều nơi phó mặc công tác giáo dục cho nhà trường, ít quan tâm, phối hợp, bàn bạc với giáo viên trong việc dạy dỗ con em mình... Một tín hiệu đáng mừng, tại đợt tập huấn thiết kế và tổ chức các hoạt động giáo dục tích cực cho lãnh đạo, giáo viên cốt cán năm 2020 do Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc vừa tổ chức đã có sự tham gia của đại diện tất cả các phòng GD&ĐT cùng các trường THPT trên địa bàn. 

Vậy nên, tin tưởng rằng trong thời gian tới, mô hình “Trường học hạnh phúc” sẽ được lan tỏa rộng rãi và phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở Vĩnh Phúc.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên - cô giáo được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu cho biết: “Vĩnh Phúc có thế mạnh trong xây dựng trường học hạnh phúc, đó là quyết tâm của các cấp lãnh đạo, nhiệt huyết và chuyên nghiệp của phòng Chính trị tư tưởng cùng sự hợp tác của hơn 500 đại diện các trường đến từ khắp tỉnh. Khó khăn lớn nhất đó là cần phải đồng bộ về định hướng và phương pháp cho 100% các nhà giáo của toàn tỉnh. Ngoài ra cần định hướng cho cả phụ huynh để việc kết hợp giáo dục từ trường về đến nhà đạt được hiệu quả. Khối lượng công việc còn rất nhiều và giữ lửa để những nỗ lực này không bị biến thành phong trào là một thách thức vô cùng lớn”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập844
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm843
  • Hôm nay57,276
  • Tháng hiện tại335,406
  • Tổng lượt truy cập51,691,365
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944