Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Trong tổ chức bếp ăn bán trú thì khâu nào cũng quan trọng. Quy trình từ khi nhận thực phẩm sống, đến sơ chế, chế biến và chia thức ăn chín về các lớp phải thực hiện đúng quy định, đảm bảo VSATTP. Nếu quá trình thực hiện sơ suất hoặc chỉ cần một thành viên không chú tâm sẽ có sự việc xảy ra và không đảm bảo chất lượng bữa ăn học sinh”.
Trong hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh ghi rõ, nguồn thực phẩm phải sạch, tươi, ngon, không chất phụ gia… đúng bảng kê thực phẩm đã đặt hàng về số và chất lượng. “Nếu thực phẩm tiếp nhận không đảm bảo chất lượng và theo đơn, nhà trường trả lại, buộc công ty thay ngay số thực phẩm để chế biến bữa ăn kịp thời”, cô Nguyệt thông tin.
Mùa Hè, thời điểm ruồi muỗi, côn trùng phát triển, bởi vậy để đảm bảo an VSATTP, Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), thường xuyên yêu cầu nhân viên vệ sinh quanh khu vực nhà bếp, phòng ăn, không để những nơi này là chỗ trú ẩn của ruồi muỗi... Thức ăn của học sinh trong quá trình chia phải đậy cẩn thận. Quá trình chế biến, cô nuôi tuyệt đối không để lẫn đồ chín với sống; dụng cụ nấu nướng phải phân ra, bát đũa rửa sạch, phơi khô ráo…
Thầy Phan Trường Giang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi lựa chọn thực phẩm tươi ngon; thịt, cá tuyệt đối không nhận thịt đông lạnh vì khó kiểm soát chất lượng. Đối với nhà cung ứng thực phẩm phải trong địa bàn huyện, có kiểm định của trung tâm y tế”.
UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã chỉ đạo các trường học tăng cường giám sát VSATTP. Trong đó, tăng cường giám sát nội bộ, từ đầu vào nguyên liệu, quá trình chế biến, múc thức ăn ra đĩa phải tuân thủ nghiêm quy định của ngành y tế.
Chia sẻ của cô Hà Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột): “Nhà trường xác định, thực hiện quy định VSATTP là yêu cầu bắt buộc và luôn được giám sát chặt chẽ. Dù việc làm hằng ngày, nhưng không chủ quan, lơ là ở khâu nào”.
Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ ký hợp đồng trách nhiệm cung cấp nguyên liệu thực phẩm từ 2 công ty uy tín và đủ giấy tờ do cơ quan chức năng cấp. 100% nhân viên nhà bếp và ban giám hiệu được tập huấn, cấp Giấy chứng nhận kiến thức về VSATTP theo quy định. Nguyên liệu chế biến thức ăn bảo đảm tươi, sống và có sự giám sát của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Chị Trần Thu Thảo - đại diện phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ tham gia giám sát ngày 25/4 thông tin: “Sáng sớm bên cung cấp thực phẩm giao tại trường trước sự chứng kiến của đại diện ban giám hiệu, thầy cô giáo, phụ huynh học sinh. Quá trình chế biến được giám sát qua camera và bộ phận y tế, ban giám hiệu… Đối với đầu ra thực phẩm (suất ăn) được thực hiện đúng quy trình, không cấp sớm để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn bữa ăn”.
Bữa ăn trưa tại Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh NTCC |
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giám sát an toàn thực phẩm, đặc biệt là nước uống, nước sinh hoạt cho học sinh.
Ông Nguyễn Vương Hùng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị, trường học quan tâm, tăng cường giám sát cung cấp nước uống, nước sinh hoạt; có phương án đảm bảo đủ nước để học sinh sử dụng. Đồng thời, rà soát cơ sở vật chất nhằm đảm bảo phòng học, phòng ở cho học sinh nội trú, bán trú luôn thoáng khí. Quan tâm bảo trì, bảo dưỡng hệ thống làm mát như quạt trần, quạt treo tường các lớp học”.
Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ có 39/446 em bán trú và 205 em diện bán trú dân nuôi. Cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Đơn vị luôn quan tâm đến nguồn gốc, đảm bảo thực phẩm tươi sống mỗi ngày. Đặc biệt, tuân thủ nghiêm quy trình chế biến. Nhà trường hợp đồng với cửa hàng uy tín trên địa bàn huyện để mua rau sạch, thịt, cá, trứng...
Thực phẩm được tiếp nhận dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường. Thực hiện lưu mẫu thức ăn hằng ngày 24/24 giờ theo quy định. Đối với vấn đề nước sạch, bên cạnh 2 mó nước tự nhiên, nhà trường vừa nhận tài trợ 1 giếng khoan nên đảm bảo nguồn nước uống và sinh hoạt cho học sinh và giáo viên”.
Từ nguồn xã hội hóa với sự ủng hộ của cá nhân, đội nhóm thiện nguyện, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn duy trì bữa ăn trưa cho học sinh các điểm trường lẻ. Theo thầy Hiệu trưởng Trương Công Một, trong số 11 điểm trường lẻ, có một số điểm trường chưa có điện lưới quốc gia nên việc bảo quản thực phẩm khó khăn. 2 điểm trường vùng sâu được tặng tủ lạnh và có hệ thống năng lượng mặt trời tạm yên tâm về bảo quản thực phẩm tươi sống.
Thầy Hồ Văn Ngọc - điểm trường thôn Ông Thái cho biết: “Chủ nhật nào khi quay lại trường cũng tính toán lượng thực phẩm đủ dùng cho một tuần, từ thịt, trứng, cá khô để nấu bữa trưa cho 13 học sinh. Do không có tủ lạnh để bảo quản nên thịt phải ưu tiên nấu trước, nấu mặn mặn một chút để đủ dùng trong 2 ngày đầu, sau đó sẽ đến trứng, cá khô”.
Dù ăn trưa tại trường, nhưng học sinh tiểu học ở điểm thôn vẫn được nhận trọn vẹn tiền ăn theo chế độ của Nhà nước. Các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ kinh phí ăn trưa cho các em, thầy cô nhận thêm phần việc nấu ăn với sự giúp sức của phụ huynh.
Có tài liệu gì liên quan đến kiến thức VSATTP, thầy Một lại in ra để chuyển cho các thầy cô ở các điểm trường thôn cập nhật. Các thầy cô đều là tuyên truyền viên, vận động cả học sinh và bà con thôn bản trong bảo đảm vệ sinh.
“Nếu đòi hỏi bếp ăn đúng quy trình, điều kiện về VSATTP thì không thể duy trì tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh các điểm trường thôn. Thầy cô nhận thêm chức “bếp trưởng” cũng là cách để cải thiện tình trạng thể chất cho học sinh, giữ chân các em không bỏ học giữa chừng. Nhưng không vì vậy mà chúng tôi lơ là khâu giữ gìn vệ sinh, đảm bảo học sinh được ăn chín, uống sôi, không sử dụng thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng”, thầy Một khẳng định.
Thầy Hồ Văn Ngọc cõng lương thực dự trữ đủ cho một tuần để nấu ăn bữa trưa cho học sinh điểm trường Ông Thái, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: NTCC |
Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) được chọn xây dựng bếp ăn mẫu bán trú thuộc dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT và Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) triển khai.
Bếp được xây dựng chuẩn Nhật Bản, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc về VSATTP và nâng cao hiệu suất hoạt động. Thiết kế bếp phân chia theo khu vực riêng biệt như khu tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến, vệ sinh... với quy định trang phục khác nhau và dụng cụ làm việc được đánh dấu theo màu sắc.
Theo cô Nguyễn Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), để bảo đảm VSATTP, bếp ăn nhà trường được xây dựng đúng quy trình yêu cầu về các khâu chế biến thức ăn, bảo quản. Cấp dưỡng mang bảo hộ lao động theo quy định trong suốt thời gian phục vụ học sinh; đặc biệt khu vực bếp ăn nghiêm cấm người không phận sự.
Ban giám hiệu, nhân viên y tế giám sát thực hiện bếp ăn, từ nhập đến kiểm định nguyên liệu như kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, formol, ure, hàn the…; quá trình chế biến và chia khẩu phần…
Ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) cho biết: “Trong quá trình tổ chức bữa ăn bán trú, nội trú, chúng tôi yêu cầu các trường tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, không sử dụng lại thực phẩm bữa trước”.
Để kiểm soát thực đơn hằng ngày của nhà trường, phòng giáo dục yêu cầu các đơn vị nhập thực đơn lên phần mềm theo dõi. Ví dụ thực đơn tuần sau, các trường phải nhập vào ngày Chủ nhật tuần này để có quá trình kiểm tra. Phòng GD&ĐT nếu góp ý thì phản hồi ngay trong ngày Chủ nhật để các trường kịp điều chỉnh.
Đối với đơn vị cung ứng thực phẩm phải có kiểm định chất lượng từ trung tâm y tế. Thực phẩm hằng ngày phải kiểm định, các trường lưu mẫu thực phẩm nhập vào trong 24 giờ để kiểm soát. Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cũng yêu cầu các trường có học sinh nhà xa, ở lại thứ 7 và Chủ nhật cân đối tiền ăn để đảm bảo bữa ăn của các em đầy đủ chất dinh dưỡng.
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã mời Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng giám sát khâu thực phẩm đầu vào, chế biến, chia thức ăn chín, cả việc ăn thử để góp ý chất lượng bữa ăn cho đội ngũ cấp dưỡng. Công tác này có thể thực hiện định kỳ hoặc đột xuất. Ngoài ra, Ban giám hiệu, nhân viên y tế, Trưởng ban Thanh tra nhân dân và Chủ tịch Công đoàn kiểm tra thường xuyên, hằng ngày. Nếu có tình huống xảy ra phải xử lý kịp thời.
Tác giả bài viết: Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc