Cũng từ đây, gần 10.000 HS dân tộc thiểu số (các tỉnh miền núi phía Bắc) đã trưởng thành, trở thành nguồn nhân lực quan trọng đóng góp cho đất nước.
Ngôi trường của tình hữu nghị
Trường Hữu nghị T78 thành lập năm 1958, với 129 chiến sĩ Pathet Lào được chọn cử sang Việt Nam học văn hóa, mang phiên hiệu “T399”. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập “Khu học xá miền núi Trung ương”.
Khu học xá miền núi Trung ương đã trở thành trường đầu tiên ở Việt Nam dành cho lưu học sinh Lào học tiếng Việt và văn hóa các cấp. Đây là một quyết định đặc biệt với tầm chiến lược của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào.
Dù trải qua những tên gọi khác nhau: Khu học xá miền núi Trung ương, Trường Bổ túc văn hóa miền núi Trung ương - Mật danh T78, Trường Bổ túc văn hóa Hữu nghị hoặc Trường Hữu nghị T78 như hiện nay, nhưng ở bất cứ giai đoạn nào, trường đều có một tên gọi đặc biệt và thân mật: “Trường Lào”. Trường là nơi đầu tiên và cũng là trường cội nguồn của tất cả các trường văn hóa dành cho lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam.
Suốt chặng đường 60 năm hoạt động, Trường Hữu nghị T78 trải qua 9 lần di chuyển, đứng chân ở 15 xã, 7 huyện, 6 tỉnh, thành phố khác nhau. Năm 1980, trường chuyển về thường trú tại xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Quá trình phát triển của trường là một chặng đường dài vượt qua biết bao thử thách về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vì liên tục phải di chuyển địa điểm nên đội ngũ cán bộ luôn biến động, đời sống giáo viên và học viên, HS vất vả nhưng tập thể nhà trường vẫn vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hiện nay, trường được giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào; đào tạo bổ túc văn hóa cho HS dân tộc thiểu số (miền núi phía Bắc) theo mô hình dân tộc nội trú; đào tạo THPT cho HS dân tộc thiểu số (miền núi phía Bắc). Cả hai đối tượng học sinh dân tộc thiểu số Việt Nam và lưu học sinh Lào có những nét tương đồng, gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ và phong tục tập quán, thuận lợi cho việc bổ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt.
Đồng thời, nhà trường còn có chức năng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục; tham gia biên soạn giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài; hỗ trợ các đơn vị giáo dục trong nước và nước ngoài trong công tác dạy học tiếng Việt; tuyển sinh và quản lý học sinh, sinh viên; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
Không ngừng nâng cao chất lượng
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và đòi hỏi nâng cao chất lượng trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, những năm gần đây, trường đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, đào tạo.
Năm học 2020 - 2021, trường có 1.146 học sinh THPT chia làm 29 lớp, cùng với gần 200 lưu học sinh Lào. Đến nay, trường có 136 cán bộ viên chức, người lao động. Chất lượng đội ngũ cơ bản bảo đảm với 103 cán bộ GV trực tiếp đứng lớp, trong đó có 25 GV giảng dạy tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài. GV trong trường đều đạt chuẩn trình độ, nhiều người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ.
Năm học 2019 - 2020, nhà trường đã tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Dù việc triển khai chương trình có khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm cao, nhà trường chủ động, quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp theo đúng Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ và các hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ.
TS Lê Phú Thắng - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Trường Hữu nghị T78 là một trong những đơn vị phòng chống dịch trong điều kiện có HS. Do đặc thù của trường nên gần 200 lưu học sinh Lào đã không thể về nước trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch bệnh. Bởi vậy, nhà trường đã đề xuất với cấp trên giữ lưu học sinh ở lại tiếp tục học tập, đồng thời thực hiện triệt để các giải pháp cho việc phòng chống dịch bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng HS của trường đã đạt thành tích cao trong học tập, hiệu quả đào tạo đạt ngang mọi năm, thậm chí có điểm sáng vượt hơn.
Trong các kỳ thi HS giỏi, đội tuyển của trường thi chung với các trường THPT trên địa bàn Hà Nội. Do mặt bằng thấp hơn nên HS thường đoạt rất ít giải, có năm không có. Năm nay, đội tuyển của trường có 16 em đi thi thì có 6 em đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhì. Các môn KHTN vốn là điểm yếu của HS trong trường, nhưng năm nay đã có em đoạt giải Ba môn Sinh học. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhiều HS đạt điểm cao, trong đó có 1 em đỗ thủ khoa Đại học Lâm nghiệp, 3 em đạt 27 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên).
TS Lê Phú Thắng cho biết: Trường đã biên soạn chương trình tiếng Việt theo khung năng lực 6 bậc, hiện đang triển khai dạy thí điểm. Trường Hữu nghị T78 cũng là đơn vị đầu tiên hoàn thiện giáo trình dành cho người nước ngoài theo khung năng lực 6 bậc. Là đơn vị đào tạo lưu học sinh Lào đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, bởi vậy cán bộ GV đều nhận thức tự hào quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng với biểu tượng hợp tác Việt - Lào trong giáo dục và đào tạo.