Thầy cô đồng hành bên trò sau thiên tai

Thứ tư - 04/11/2020 00:06 333 0
GD&TĐ - Học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra. Nhà trường, cộng đồng xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong trợ giúp tâm lý, giúp các em phục hồi hiệu quả nhất.
Thầy cô đồng hành bên trò sau thiên tai

Không để HS nào bị bỏ rơi

Sau mưa lũ, thầy trò Trường THPT Quảng Ninh, Quảng Bình phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Cô Nguyễn Thị Phương Nam, Bí thư Đoàn Trường THPT Quảng Ninh cho biết: Bên cạnh những thiệt hại của trường vì ngập nước, điều trăn trở, băn khoăn nhất là nhiều HS vốn gia đình đã nghèo, nay càng khó khăn bội phần sau lũ dữ.

“Nhà trường chủ trương, lũ rút đến đâu, giáo viên tới nhà HS đến đó. Đặc biệt, HS khó khăn đều được thầy cô đến từng nhà, chia sẻ, động viên để các em yên tâm trở lại trường học. HS của trường, gia đình đều thiệt hại do lũ, nhưng trong đó có những hoàn cảnh rất đáng thương. Có em bố là thương binh, mất sớm, mẹ đã ngoài 60 tuổi già yếu; sau cơn lũ gia đình hầu như không còn lại gì nguyên vẹn. Hoặc trường hợp hai anh em sinh đôi, đều là HS của trường, gia đình thuộc hộ nghèo, bố tâm thần bỏ đi nhiều năm, chị cũng bị bệnh tâm thần, tài sản gia đình em đều trôi theo dòng nước” – cô Nam chia sẻ.

Bên cạnh quan tâm khó khăn về vật chất, hàn gắn tổn thương tinh thần, giúp HS nhanh chóng ổn định tâm lý khi quay trở lại trường học được thầy cô Trường THPT Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Giáo viên chủ nhiệm bám sát tình hình lớp, kịp thời chia sẻ khó khăn, để các em thấy mình luôn có sự đồng hành của nhà trường, thầy cô, bè bạn. Các thầy cô tổ tư vấn tâm lý, dù chỉ là kiêm nhiệm nhưng luôn sẵn sàng chủ động hỗ trợ, hoặc lắng nghe tâm tư HS.

Thầy Hà Văn Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Ninh, trên trang cá nhân đã chia sẻ lời dặn dò với tấm lòng thấu hiểu, thẫm đẫm yêu thương tới học trò khi các em quay trở lại trường học. Thầy gửi gắm HS đến trường không nhất thiết phải mặc đồng phục, miễn là quần áo đủ khô, đủ ấm; không nhất thiết phải đi dép quai hậu, miễn đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân; không có cặp sách, có thể bỏ tất cả vào bao ni lông cột chặt. HS có thể đi trễ một chút cũng không sao, miễn là an toàn; nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, cũng đừng quá lo lắng vì thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái… Khi đi học, khoan hãy học bài cũ để có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi... Thầy hiệu trưởng cũng mong học trò trân quý những đồ dùng mình nhận được từ các nhà hảo tâm, bởi đó không chỉ là sự cho nhận thông thường, mà còn cả tấm lòng tương thân tương ái từ mọi miền cả nước... dành cho mình.

Thầy cô đồng hành bên trò sau thiên tai - Ảnh minh hoạ 2
Giáo viên và các lực lượng chức năng dọn dẹp trường lớp sau trận lũ lịch sử vừa qua tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). 

Cần giải pháp lâu dài

Từ thực tế của một trường trực tiếp chịu ảnh hưởng của thiên tai, ông Vương Kim Thành, Trưởng phòng Công tác SV, Trường ĐH Quảng Bình, cho biết: Việc hỗ trợ tâm lý cho SV là vô cùng quan trọng, bởi với những thiệt hại sau lũ lụt, khó khăn của gia đình có thể khiến nhiều em chán nản, muốn nghỉ học kiếm việc làm để có tiền giúp cha mẹ. Hội đồng trường/Ban giám hiệu thành lập 1 ban tư vấn tâm lý cho SV. Ban này phải nắm rõ từng SV do các khoa gửi đến; trao đổi qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp để nắm tâm tư nguyện vọng SV, từ đó biết từng em đang gặp khó khăn gì, cần nhà trường hỗ trợ ra sao... có thể can thiệp hoặc có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Việc chống chọi với mưa bão, lũ lụt khốc liệt gây tác động lớn đến tâm lý  trẻ em, như lo sợ, hoảng loạn,… cộng thêm sự mệt mỏi về thể chất làm tăng thêm khó khăn cho quá trình phục hồi sau này. Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, TS Lê Thanh Hà, Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cho rằng: Nhà trường, cộng đồng xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong trợ giúp tâm lý, giúp HS, SV nhanh chóng phục hồi sau thiên tai. Trường cần có sự phối hợp vào cuộc của nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội và các nhà tâm lý để có phương án phục hồi tâm lý hiệu quả. Có thể kết hợp giữa phục hồi theo nhóm và cá nhân. Trường hợp HS chịu tác động mạnh từ hậu quả của thiên tai, như mất mát về người, trải qua biến cố nguy hiểm đến thân thể và tính mạng, cần phối hợp với cơ quan y tế, tiến hành chuyển tuyến để có hỗ trợ tốt hơn từ các nhà chuyên môn về chăm sóc tâm lý, chăm sóc y tế. Trường hợp nhẹ hơn, có thể tiến hành phục hồi theo nhóm, nhận sự hỗ trợ từ cộng đồng địa phương; hoặc cũng có thể để các em tham gia vào quá trình tái phục hồi theo khả năng, như hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, lớp học.

Xuất phát từ tình huống thiên tai lũ lụt bất thường của miền Trung, theo TS Lê Thanh Hà, nhà trường và các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa rủi ro thiên tai. Theo đó, tăng cường tuyên truyền phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; giáo dục kỹ năng ứng phó thiên tai cho giáo viên, HS; tăng khả năng dự báo kết hợp chỉ dẫn kịp thời; thành lập ban chỉ đạo phòng chống lụt bão thiên tai trong cơ sở trường học và phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để bảo đảm thông tin kịp thời. Nhà trường cũng nên chuẩn bị các kịch bản trước, trong và sau khi thiên tai bất thường xảy ra để chủ động trong ứng phó.

“Giải pháp quan trọng, mang tính ổn định lâu dài là phải có nhà chuyên môn làm công tác tư vấn tâm lý trường học. Đội ngũ này có thể tham gia hiệu quả, kịp thời trong mọi tình huống thiên tai xảy ra như: Tư vấn phòng ngừa rủi ro thiên tai, hỗ trợ tâm lý trong quá trình thiên tai và phục hồi tổn thương tâm lý sau thiên tai. Hơn lúc nào hết, ngành Giáo dục cần một nhà chuyên môn làm tâm lý học trường học trong hệ thống nhà trường. Đây vừa là đòi hỏi tất yếu của cơ sở giáo dục, vừa là mong mỏi của phụ huynh và HS trong hỗ trợ tâm lý không chỉ trong ứng phó thiên tai mà trong mọi hoạt động giáo dục khác của nhà trường.” - TS Lê Thanh Hà nêu quan điểm.

Thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập, và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta! - Thầy Hà Văn Quý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập745
  • Hôm nay36,441
  • Tháng hiện tại314,571
  • Tổng lượt truy cập51,670,530
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944