Trường ĐH địa phương: Sáp nhập, liên kết có dễ tồn tại?

Thứ ba - 03/11/2020 07:38 704 0
GD&TĐ - Trước xu thế phải tự chủ ĐH, cùng khó khăn trong tuyển sinh, nhiều trường ĐH địa phương đã và đang có phương án liên kết, sáp nhập vào các trường ĐH lớn để tồn tại.
Trường ĐH địa phương: Sáp nhập, liên kết có dễ tồn tại?

Tuy nhiên giải pháp này gặp phải những ý kiến trái chiều.

Sáp nhập có mạnh hơn?

Trường ĐH An Giang (AGU) được thành lập trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm An Giang và là một trong những trường ĐH tỉnh được đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất tương đối khang trang với diện tích 40 ha. Tuy nhiên, nguồn thu của trường không đáp ứng nhu cầu hoạt động, ngân sách tỉnh phải bù đắp rất nhiều. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, ngày 13/8/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1007/QĐ-TTg chuyển AGU về trực thuộc ĐH Quốc gia TPHCM.

Theo PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng AGU, từ năm học 2020 - 2021, nhà trường hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần trong chi thường xuyên cùng với các trường trong hệ thống ĐHQG TPHCM như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH KHXH&NV.

Tương tự AGU, UBND tỉnh Thái Bình cũng có văn bản đề nghị Ban Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nghiên cứu, xem xét chuyển Trường ĐH Thái Bình trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Trước thực trạng một số tỉnh thành có xu thế sáp nhập trường ĐH địa phương vào các ĐH lớn, vừa qua, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam (Hiệp hội) đã có kiến nghị một số giải pháp khẩn cấp để bảo tồn và phát triển hệ thống trường ĐH địa phương. Theo Hiệp hội, việc sáp nhập trường ĐH địa phương vào một số ĐH trọng điểm quốc gia, để hy vọng trở thành thành viên là động thái hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống giáo dục ĐH của đất nước.

Việc sáp nhập các trường ĐH địa phương vào các ĐH trọng điểm quốc gia, về hình thức vốn được xem là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao đẳng cấp và năng lực tài chính cho các trường này. Nhưng thực tế, kỳ vọng đó sẽ không đạt được, thậm chí còn làm cho các trường địa phương dễ có nguy cơ bị tiêu vong hơn. Nguyên nhân do hai loại trường có sứ mệnh khác nhau, chuẩn mực kiểm định khác nhau, cơ cấu trình độ nhân lực cũng khác. Theo Hiệp hội, dù đất nước gặp khó khăn về kinh tế nhưng không phải vì thế mà một số địa phương “hy sinh” trường ĐH địa phương bằng cách sáp nhập.

Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), cả nước có trên 400 trường ĐH, CĐ. Nhiều trường không phát triển nổi nên việc sáp nhập các trường ĐH địa phương vào hệ thống các ĐH lớn là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, việc sáp nhập các trường có hai vấn đề được đặt ra: Sáp nhập để nâng cao chất lượng và vị thế của các trường ĐH ở tỉnh hoàn toàn nên làm. Sáp nhập để lấy tiếng (mà không có miếng) nhằm lấp kín chỉ tiêu tuyển sinh thì không nên.

“Sáp nhập để nâng cao chất lượng và vị thế của trường ĐH ở tỉnh, cần có chiến lược và thời gian mới đạt được. Nếu hấp tấp thực hiện sẽ rơi vào vấn đề số 2 là sáp nhập chỉ để lấy tiếng” - TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ đồng thời cho rằng: Sáp nhập để nâng tầm các trường đi lên. Khi thực hiện cũng cần phải có cơ chế rõ ràng, không thể để các “ông lớn” bao trùm hết, chăm chăm vào tài chính mà không phát triển về chất lượng các trường ĐH tỉnh. 

Trường ĐH địa phương: Sáp nhập, liên kết có dễ tồn tại? - Ảnh minh hoạ 2
Trường ĐH An Giang. Ảnh IT

Liên kết theo hướng ĐH sẻ chia

Ở hướng đi khác, một số trường ĐH địa phương chọn cách tồn tại theo hướng liên kết với trường ĐH lớn. Tháng 8/2020, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) và Trường ĐH Kiên Giang (KGU) ký kết biên bản hợp tác về công tác phối hợp tuyển sinh, đào tạo trình độ SĐH chính quy chương trình chuyển tiếp 2 giai đoạn (gọi tắt là chương trình 2+2).

Theo đó, thỏa thuận hợp tác được áp dụng ngay từ kỳ tuyển sinh 2020. SV học 2 năm học tại KGU và 2 năm tại HCMUTE theo đúng tiến độ. Mục tiêu tuyển 200 chỉ tiêu mỗi năm, áp dụng cho trình độ ĐH chính quy các ngành của HCMUTE (được Bộ GD&ĐT cấp phép) bao gồm: Quản lý công nghiệp; Kỹ thuật y sinh (Điện tử y sinh); Năng lượng tái tạo; Công nghệ kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa.

Người học đăng ký xét tuyển theo 2 phương thức: Xét tuyển bằng điểm học bạ (theo Đề án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2020 của KGU) hoặc xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT. Phương thức tổ chức đào tạo: 50% khối lượng chương trình đào tạo sẽ tổ chức học tại KGU (giai đoạn 1), 50% khối lượng chương trình đào tạo còn lại sẽ tổ chức học tại HCMUTE (giai đoạn 2). Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy gồm giảng viên của KGU và HCMUTE. Về học phí: Giai đoạn 1, KGU thu học phí theo quy định của KGU và sử dụng toàn bộ cho hoạt động tổ chức đào tạo. Giai đoạn 2, HCMUTE thu học phí theo quy định của HCMUTE và sử dụng toàn bộ cho hoạt động tổ chức đào tạo.

Hai trường phối hợp tổ chức Lễ khai giảng các lớp học tại KGU, Lễ phát bằng tốt nghiệp tại HCMUTE. Khi tốt nghiệp, người học sẽ được nhận bằng do HCMUTE cấp. Người học được tạo điều kiện thuận lợi để chuyển sang học theo các chương trình đào tạo của KGU nếu có nguyện vọng.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE, trong bối cảnh tự chủ ĐH, các trường ĐH đều phải tăng học phí làm cuộc sống của đa số SV rất khó khăn. Đồng thời, xuất phát từ xu thế sẻ chia của nền kinh tế thế giới, sự ra đời của giáo dục ĐH sẻ chia sẽ là một vấn đề tất yếu.

“Giáo dục ĐH sẻ chia sẽ giúp giảm chi phí đào tạo, tiến tới giảm học phí, giúp sinh viên tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian đi lại, dành thời gian trải nghiệm thực tế, đi làm thêm trang trải cuộc sống… giảm gánh nặng cuộc sống của các em và gia đình. Hơn nữa, việc “sẻ chia” các nguồn lực trong giáo dục giúp các trường tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh tự chủ theo Luật GDĐH mới sửa đổi, công nghệ thông tin tiên tiến cũng cho phép các trường chuyển đổi và công nhận tín chỉ mà sinh viên tích lũy một cách dễ dàng” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập755
  • Hôm nay38,482
  • Tháng hiện tại316,612
  • Tổng lượt truy cập51,672,571
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944