Trường trung cấp nghề bị “từ chối” tư vấn tuyển sinh

Thứ ba - 11/01/2022 03:13 213 0
GD&TĐ - Nhiều lãnh đạo trường nghề thừa nhận, 2021 là một năm quá khó khăn cho công tác tuyển sinh.
Trường trung cấp nghề bị “từ chối” tư vấn tuyển sinh

Nhiều trường phổ thông thấy đại học đến tư vấn tuyển sinh thì niềm nở mời vào còn trường trung cấp đến thì bị từ chối ngay từ cổng.

Chỉ học sinh yếu mới theo trung cấp, nghề?

Các khó khăn cố hữu chưa được giải quyết thì năm 2021 lại bị tác động nặng nề từ Covid-19 khiến việc tuyển sinh của các trường trung cấp càng điêu đứng hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương, Ủy viên HĐQT Trường Trung cấp Việt Giao cho rằng, có 3 khó khăn chính cản trở học sinh đến với trường nghề là chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học quá nhiều. Trong khi đó, quan niệm coi trọng bằng cấp của phụ huynh khiến việc cho con đi học trường nghề không phải là ưu tiên hàng đầu.

Ông Chương cũng nêu thực trạng, các trường phổ thông thấy có trường đại học đến tư vấn tuyển sinh thì niềm nở mời vào. Còn trường trung cấp đến thì bị từ chối ngay từ cổng.

“Phụ huynh thì vẫn nặng tâm lý muốn con em mình có được tấm bằng tốt nghiệp đại học, không muốn cho con đi học nghề. Họ cho rằng, chỉ có học sinh yếu mới phải đi học trung cấp, học nghề”, ông Chương nêu.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương đề nghị cơ quan quản lý, báo chí và các trường phải chung tay đẩy mạnh truyền thông về học nghề nói chung. Theo ông, chỉ khi nào nhận thức về học nghề ở nước ta được nâng cao thì người học, hay phụ huynh học sinh mới quan tâm tìm hiểu các trường nghề, các ngành nghề.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương, yêu cầu xã hội đặt ra là phải tăng nhanh số lượng lao động có tay nghề, đảm bảo cơ cấu đào tạo hợp lý giữa đại học và giáo dục nghề nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, một mình ngành giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề không thể làm được mà đòi hỏi phải có sự nhận thức, vào cuộc của cả xã hội.

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao chia sẻ, một nhóm đối tượng tuyển sinh chính của các trường trung cấp là học sinh tốt nghiệp THCS cũng đang bị các trường cao đẳng cạnh tranh gay gắt với chương trình 9+.

Các em học xong lớp 9 vẫn thích chương trình 9+ của cao đẳng hơn là vào trường trung cấp. Chính vì vậy mà các trường trung cấp phải chuyển hướng sang cạnh tranh với trường đại học để tuyển sinh nhóm học sinh tốt nghiệp THPT.

Bà Lương Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đại Việt chia sẻ, trường đã lên kế hoạch tuyển sinh năm 2021 từ tháng 12/2020 nhưng Covid-19 làm đảo lộn tất cả.

Năm 2021, nhà trường lên kế hoạch đi các tỉnh tư vấn hướng nghiệp, tham gia gian hàng tuyển sinh của các báo tổ chức… Tuy nhiên Covid-19 bùng phát đã buộc phải hủy, chuyển phương thức tuyển sinh từ trực tiếp sang trực tuyến nên rất khó khăn.

Việc tư vấn tuyển sinh, hướng dẫn học sinh đăng ký nhập học khi dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khó rồi mà việc đào tạo trực tuyến càng khó khăn hơn. Theo đó, nhiều em không muốn học theo hình thức này đã nghỉ học, chuyển hướng đi làm.

“Việc phải học trực tuyến khiến nhiều phụ huynh thiếu tin tưởng, đắn đo về chất lượng đào tạo, nên cân nhắc chưa cho con em mình nhập học. Thậm chí là có em rút hồ sơ chuyển trường, có em học vài ngày thì nghỉ, có em học nhưng không chịu đóng học phí…”, bà Kim Anh nêu.

Đứng trước những khó khăn trên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đại Việt đề nghị ngoài sự nỗ lực của từng trường thì cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý ngành giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, các trường phải đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau.

Bà kiến nghị, các trường nên liên kết trong việc tuyển sinh. Ví dụ như giới thiệu người học muốn học những ngành mà trường không đào tạo, hoặc những ngành mà trường chưa đủ học sinh để mở lớp đến học ở trường khác trong cụm thi đua…

Trường cao đẳng thiếu chỉ tiêu trầm trọng

Không chỉ trường trung cấp, nhiều trường cao đẳng nghề cũng đau đầu vì tuyển sinh. Đại diện một số trường phản ánh, do đời sống của nhiều lao động gặp khó khăn nên nhiều học sinh không thể học nghề.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều lao động mất việc làm, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên. Theo tính toán, sẽ có nhóm học viên có nhu cầu học nghề ngắn hạn để chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường lao động không có nhiều cơ hội việc làm, khiến người lao động không định hướng được nên học nghề gì cho phù hợp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của các nhà trường.

TS Lê Đình Kha – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, khó khăn chung của các trường là làm sao để không những tuyển sinh được, mà còn phải tuyển được thí sinh có chất lượng vào học.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, công tác tuyển sinh trong hệ thống GDNN khó khăn hơn rất nhiều. Dịch bệnh đã làm hạn chế lớn trong việc tiếp cận trực tiếp học sinh cuối cấp, cũng như tổ chức các chương trình, hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp.

Theo TS Lê Đình Kha, muốn tuyển sinh được cần cả một quá trình xây dựng và phát triển. Giá trị cốt lõi phải đạt được là đảm bảo chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp phải được doanh nghiệp đánh giá cao, có kỹ năng nghề nghiệp tốt. Đồng thời, có tác phong công nghiệp, có tư duy giải quyết các vấn đề.

Hơn nữa, nhà trường cần đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh. Hoạt động tư vấn tại trường phổ thông, tư vấn tập trung cần được tổ chức theo khu vực. Những buổi hướng nghiệp cần có sự tham gia, đồng hành của đội ngũ giảng viên nhằm giúp thí sinh hiểu về ngành, nghề mà mình muốn đăng ký học.

Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, tính đến đầu tháng 10/2021, bậc cao đẳng mới tuyển sinh đạt hơn 44%, bậc trung cấp đạt hơn 27%. Trước đây, khi các trường đại học xét tuyển xong thì khối trường nghề dễ dàng hơn khi tuyển sinh bằng học bạ.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, trường đại học đa dạng phương thức đầu vào. Điều này dẫn tới các trường cao đẳng, trung cấp phải chờ đến cuối mùa tuyển sinh mới biết được có đủ chỉ tiêu hay không.

TS Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn cho biết, trường mới tuyển được 60% trong số hơn 500 chỉ tiêu. Trong khi cán bộ nhà trường đã đến tận các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở để tuyển sinh.

“Dù không thuận lợi, trường vẫn cố gắng tìm hướng giải quyết. Trong đó tập trung vào các ngành nghề chất lượng cao để thu hút người học” - TS Hoàng Văn Phúc nói.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập522
  • Hôm nay19,748
  • Tháng hiện tại297,878
  • Tổng lượt truy cập51,653,837
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944