Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) có nhiều học sinh người Mông. Những năm trước đây, sau kỳ nghỉ Tết, nhiều em có tư tưởng không muốn trở lại trường học, ở nhà theo bố, mẹ đi làm nương rẫy, hoặc lấy chồng, lấy vợ.
Thầy Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Lý cho hay, năm nay, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh ở các bản xa, như: Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Giáng... (cách trường khoảng 40 - 50km) đã chủ động tập trung sớm hơn 1 ngày.
“Nếu mọi năm, các thầy, cô giáo phải đi vận động học sinh ra lớp sau kỳ nghỉ Tết, năm nay giáo viên chỉ cần gọi điện, nhắn tin cho phụ huynh. Ý thức về việc học tập của con em được nâng cao nên gia đình chủ động nhắc nhở, bảo ban trẻ đến trường theo lịch”, thầy Thủy thông tin.
Năm học này, Trường PTDTBT THCS Trung Lý có 503 học sinh, trong đó 397 em dân tộc Mông. “Bản Tà Cóm cách trường 50km. Đường đi lối lại khó khăn. Vì thế, để ổn định sĩ số sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường đã dặn dò các em kỹ càng, đồng thời động viên phụ huynh nhắc nhở con sau ăn Tết cùng gia đình thì phải trở lại lớp đúng theo quy định”, thầy Thủy chia sẻ.
Em Sùng Thị Lan Anh - lớp 9B, Trường PTDTBT THCS Trung Lý tâm sự: “Gia đình ở bản Tà Cóm, cách xa trường lắm. Mỗi lần lên trường học, em được bố chở bằng xe máy. Năm nay cuối cấp, nên sau nghỉ Tết, em phải trở lại trường học theo đúng lịch để tập trung học thật tốt, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới”.
Còn em Giàng Thị Bâu - lớp 6A, nhà ở Cánh Cộng (cách trường khoảng 40km) cũng được bố chở bằng xe máy lên trường. “Bố, mẹ dặn em phải chịu khó học tập thật tốt, vì đi học đã không mất tiền, còn được ăn, ngủ miễn phí. Các thầy, cô giáo quan tâm và chăm lo cho chúng em như cha, mẹ ở nhà nên đến trường học vui hơn ở nhà”, Giàng Thị Bâu tâm sự.
Theo thầy Nguyễn Duy Thủy, trong số 503 học sinh của trường, đến thời điểm này, có 4 em bỏ học, trong đó có 1 em lớp 9, 2 em lớp 8 và 1 em lớp 7. “Khi giáo viên đến nhà vận động mới biết 2 học sinh nữ học lớp 8 và lớp 9 ở bản Khằm 1 và bản Cánh Cộng bỏ học để lấy chồng. Biết thông tin này, nhà trường đã báo cáo chính quyền xã, cùng vận động học sinh trở lại trường học. Tuy nhiên, bước vào tuần học thứ 2 sau Tết nhưng các em chưa trở lại trường”, thầy Thủy cho biết.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) trở lại lớp học sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: TG |
Những năm trước đây, vấn đề ổn định sĩ số học sinh sau kỳ nghỉ Tết ở huyện vùng cao, biên giới nói chung rất khó khăn. Nhiều học sinh người dân tộc có tư tưởng không muốn trở lại trường sau Tết, hoặc đến thì qua ngày Rằm tháng Giêng. Do đó, giáo viên các trường phải lặn lội đi đến những bản xa xôi, hẻo lánh, vào tận gia đình để vận động học sinh ra lớp.
Cô Lê Thị Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, ổn định tâm lý cho học sinh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài là điều quan trọng. “Trước hết, thầy, cô giáo tạo tâm lý vui tươi, thoải mái cho học sinh thông qua các hoạt động khởi động như trò chơi dân gian, dân vũ, múa hát, kể chuyện... Tiếp theo, nắm rõ tư tưởng từng em để đưa ra lời động viên tích cực, phù hợp trong từng tiết học, buổi học. Lồng ghép dạy kiến thức với những bài học về lòng yêu thương, sẻ chia trước những khó khăn, đau thương của người khác”, cô Việt cho hay.
Tại Mường Lát (Thanh Hóa) có những bản cao, xa như: Sài Khao, Trung Thắng, Suối Ún, Xi Lô (xã Mường Lý); Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Ráng, Pa Búa... (xã Trung Lý) cách xa trường hàng chục km đường rừng. Để vận động học sinh đến lớp sau Tết, giáo viên nhà trường phải lặn lội đến tận nhà, vận động phụ huynh cho các em trở lại trường học. Năm nay, tín hiệu đáng mừng đối với ngành Giáo dục Mường Lát là gần 97% học sinh trở lại trường đúng quy định sau kỳ nghỉ Tết dài.
Cũng như Trường PTDTBT THCS Trung Lý, Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát) có 390 học sinh, trong đó có 314 học sinh người Mông. Do địa hình của xã Mường Lý phức tạp, nhiều bản như Sài Khao, Trung Thắng, Trung Tiến, Suối Ún... nằm cách xa trường, nên sau kỳ nghỉ Tết, giáo viên nhà trường đã lặn lội đến tận bản, vào từng gia đình vận động.
Thầy Nguyễn Văn Quý - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm nay học sinh được nghỉ Tết dài ngày (đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch), trong khi mùng 6 Tết (14/2/2024), giáo viên đã có mặt ở trường. Do đó, các thầy, cô có thời gian đi vận động trò. Vì thế, sĩ số đến lớp đạt gần 100%.
Tại huyện Than Uyên (Lai Châu), để tạo không khí vui tươi, phấn khởi thu hút trẻ đến trường đông đủ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, điểm trường Bản Khá, Trường Mầm non xã Tà Mung đã tổ chức nhiều hoạt động vui xuân như: Múa xòe, nhảy sạp; tổ chức các trò chơi dân gian như Tó má lẹ, tát yến... Với sự tham gia của phụ huynh, trẻ đi học với tâm thế vui tươi phấn khởi ngay trong ngày đầu xuân. Tỷ lệ chuyên cần ngày đầu đến lớp sau kỳ nghỉ Tết đạt 96%.
Để học sinh có thêm trải nghiệm về Tết cổ truyền, Trường THCS xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu) cũng tổ chức chương trình ngoại khóa với nhiều hoạt động, trò chơi dân gian...
Ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên chia sẻ: “Ngay ngày đầu tựu trường sau Tết, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt gần 94%. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động vui xuân sau Tết để thu hút học sinh đến trường đông đủ. Đến nay, tỷ lệ học sinh đến trường tăng lên đáng kể”.
Cô Vũ Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (huyện Krông Búk, Đắk Lắk) chia sẻ: “Giờ sinh hoạt dưới cờ đầu năm mới, chúng tôi sử dụng nhiều câu hỏi liên quan đến Tết cổ truyền. Sau mỗi câu trả lời của học sinh, dù đúng hay chưa, thầy cô đều có lời động viên, khen ngợi tinh thần mạnh dạn của các em trước tập thể. Động viên và khen ngợi đúng lúc sẽ giúp học sinh vượt qua rào cản tâm lý rụt rè, e ngại trước đám đông. Từ đó, các em tự tin trong học tập, rèn luyện, tới trường đông đủ”.
Tác giả bài viết: T.Lượng – Th.Thành
Ý kiến bạn đọc