Tiêu chuẩn 5 “Tuyển sinh và đào tạo” đưa ra tiêu chí: Tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%; tỷ lệ người tốt nghiệp hài lòng tổng thể về quá trình học tập và trải nghiệm không thấp hơn 70%.
Sinh viên Trần Hữu Phúc - Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Bưu chính viễn thông (Hà Nội) nhìn nhận, quy định trên đáp ứng mong mỏi của người học. Theo đó, chúng em được bày tỏ quan điểm, “chấm điểm” giảng viên nói riêng và chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nói chung. “Với quy định này, em được phát huy quyền và lợi ích chính đáng. Em sẽ kiến nghị, đề xuất nếu thấy chất lượng dịch vụ đào tạo không tốt, chưa đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên”, Trần Hữu Phúc bày tỏ.
Tán thành với quy định trên, PGS.TS Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang cho hay, tiêu chí trên phù hợp với thực tiễn nhằm hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng sự hài lòng của người học. Suy cho cùng đó là tôn trọng người học, coi người học như “khách hàng đặc biệt” và cũng vì sự phát triển của nhà trường.
“Trường ĐH Tiền Giang có hơn 6 nghìn sinh viên, học viên. Hằng năm, trường tiến hành khảo sát sự hài lòng của người học về chất lượng đào tạo và dịch vụ. Theo đó, tỷ lệ này luôn đạt trên 70%”, PGS.TS Võ Ngọc Hà thông tin.
Năm nào Trường ĐH Cần Thơ cũng tiến hành khảo sát sự hài lòng của người học, GS.TS Trần Ngọc Hải – Phó Hiệu trưởng thông tin và thấy hợp tình, hợp lý khi Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đưa ra tiêu chí này, bởi đây cũng là công việc thường niên của nhà trường. Tiêu chí về sự hài lòng của người học thể hiện quan điểm coi người học là trung tâm; đồng thời phát huy quyền dân chủ và tôn trọng “tiếng nói” người học, có tính khả thi cao.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC |
Xét riêng về tiêu chuẩn tuyển sinh và đào tạo, TS Lưu Viết Tĩnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) nhận thấy, các tiêu chí đưa ra tường minh, định lượng rõ ràng và vì sự tiến bộ, thành công của người học. Tiêu chí nhấn mạnh yếu tố chất lượng và hiệu quả của cơ sở đào tạo nói riêng và hệ thống đại học nói chung. “Song, làm sao số liệu về tỷ lệ hài lòng của người học chính xác. Nói cách khác, phải là số liệu thực không phải trường tự “bốc thuốc”, TS Lưu Viết Tĩnh đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cơ sở đào tạo cần nghiêm túc khi tiến hành khảo sát, báo cáo số liệu về Bộ GD&ĐT. Đây cũng là quyền lợi, trách nhiệm của các trường.
Tuy nhiên, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sinh viên, đơn vị cần chú trọng xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn mực nghề nghiệp, đồng thời phát triển đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, khả năng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho sinh viên. “Chương trình và giảng viên là hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới sự hài lòng của sinh viên về chất lượng đào tạo nói chung”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, giáo dục đại học có vai trò cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao cho xã hội, góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế mỗi quốc gia. Số lượng sinh viên tham gia vào hệ thống giáo dục đại học ngày càng tăng. Vì vậy, việc đo lường mức độ hài lòng của sinh viên với giảng viên về chất lượng, hiệu quả giảng dạy, quá trình học tập, trải nghiệm là cần thiết. Đây phải là tiêu chí “cứng” trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Theo Thông tư 01, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm cung cấp, cập nhập đầy đủ, chính xác và nhất quán số liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học. Thời điểm chốt số liệu là ngày 31/12 hằng năm; đối với số liệu về tài chính, thời điểm chốt số liệu là ngày 31/3 của năm tiếp theo.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đặt lợi ích người học làm trọng tâm, toàn xã hội có thể giám sát, đánh giá để cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan. Cùng đó, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống giáo dục đại học và đa dạng của từng loại cơ sở.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), không giống như chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học năm 2015, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng để bao quát những điều kiện và kết quả hoạt động chủ yếu của các cơ sở giáo dục đại học.
Các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số được hệ thống hóa, mang tính tường minh và khả thi vì chỉ số đều định lượng hoặc định tính được yêu cầu các minh chứng cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện. Phương pháp đánh giá mức độ đạt được các tiêu chuẩn tiêu chí rõ ràng và được hướng dẫn cụ thể. “Nói cách khác, nguyên tắc áp dụng trong xây dựng Chuẩn lần này luôn gắn với chất lượng, hiệu quả, định lượng, dễ đo đếm, giám sát… Những thay đổi này sẽ đảm bảo khả thi trong thực hiện”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Theo Thông tư 01, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết để thường xuyên giám sát, cải tiến chất lượng và hiệu quả hoạt động, bảo đảm đạt được tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học thuộc phạm vi áp dụng cho cơ sở giáo dục đại học từ năm 2025; Đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc