Trường vùng khó sáng kiến trong dạy học
Cách đây 3 năm, khi chương trình vừa mới được thực hiện, khó khăn chồng chất khó khăn, cô Mai Thị Quang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hội (Quỳ Châu, Nghệ An) cho biết, không chỉ Ban giám hiệu mà giáo viên đều rất lo lắng.
Học sinh của trường chiếm hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế Tiếng Việt, khả năng tiếp nhận kiến thức ban đầu chậm, còn rụt rè, thiếu kỹ năng. Trong khi đó trường vùng cao cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, công tác xã hội hóa giáo dục không đáng kể.
Để khắc phục những khó khăn ban đầu, Trường Tiểu học Châu Hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1, 2, 3, 4 theo lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Trước hết, giáo viên chủ động trong dạy học theo chương trình mới, vận dụng kinh nghiệm bản thân và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ được tập huấn, bồi dưỡng để đổi mới phương pháp dạy học. Tổ chức kiểm tra đánh giá theo hướng hỗ trợ phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. “Việc kiểm tra đánh giá cũng cần sáng tạo để khích lệ được học sinh. Có thể trong 1 buổi, các em chưa nắm được hết kiến thức bài học, thì giáo viên sẽ nhắc lại trong giờ học buổi chiều. Thông thường học kỳ I tiến độ sẽ chậm hơn một chút so với các trường vùng xuôi. Nhưng sang học kỳ II sẽ ổn định và bắt kịp. Chúng tôi không ép học sinh học nhanh, vượt quá khả năng tiếp nhận sẽ gây áp lực, chán học, sợ đến trường cho các em, mà sẽ tìm ra điểm tiến bộ để động viên, khen thưởng”, cô Quang cho biết.
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường tiểu học tại Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất được hiện đại hóa để đáp ứng yêu cầu dạy học. Ảnh: Hồ Lài |
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, khi triển khai chương trình dạy học mới, cơ sở vật chất nhà trường cũng được đầu tư quan tâm, bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đầu tư từ ngân sách, thì trường cũng tích cực vận động xã hội hóa từ phụ huynh, các nhà hảo tâm. Kết quả đến nay, 100% lớp có tivi màn hình lớn để giáo viên sử dụng sách điện tử và ứng dụng các chương trình công nghệ thông tin khác phục vụ cho việc giảng dạy.
Trên toàn tỉnh Nghệ An, khoảng 500 trường tiểu học cũng đã có sự thay đổi tích cực khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều sáng tạo, đổi mới, linh hoạt, từ vùng khó đến vùng thuận lợi.
Tại huyện Diễn Châu, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện cấp ngân sách, có giải pháp để đảm bảo đủ giáo viên dạy 2 tiết/tuần đối với cấp tiểu học. Đồng thời ưu tiên quan tâm triển khai dạy học tăng cường tiếng Anh số lượng 2 tiết/tuần, Phòng cũng hướng dẫn các trường hợp đồng với các Trung tâm được Sở cấp phép để tổ chức dạy học thêm tiếng Anh tăng cường. Nhờ vậy, chất lượng của bộ môn này đã ngày càng được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Còn tại TP Vinh, Phòng GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học, phát huy vai trò sáng tạo của giáo viên. Theo đó, các tổ chuyên môn chủ động đề xuất những nội dung cần điều chỉnh hoặc bổ sung, nội dung tích hợp theo chủ đề; điều chỉnh thời lượng thích hợp, nguồn học liệu và thiết bị dạy học; hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá người học. Quá trình triển khai, giáo viên có thể trao đổi, thảo luận trong nội bộ trường, hoặc trong các đợt sinh hoạt chuyên môn cấp cụm trường, cấp thành phố. Tìm giải pháp khắc phục, thống nhất qui trình xây dựng kế hoạch bài học, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các đơn vị.
Tồn tại cần tiếp tục giải quyết
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Nghệ An, đến năm thứ 4 triển khai Chương trình GDPT 2018, cấp tiểu học đã có nhiều chuyển biến tích cực, và chứng minh được tính ưu việt của chương trình mới. Học sinh được chủ động tham gia các hoạt động giáo dục, tích cực với việc học của bản thân và khơi gợi sự sáng tạo, mạnh dạn, tự tin cho các em.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Do đó, chương trình chưa triển khai được đồng bộ trên toàn tỉnh. Hiện chỉ có 50% trường tiểu học thực hiện được dạy học 2 buổi/ngày với 32 tiết/tuần như thị xã Cửa Lò, TP Vinh, Diễn Châu, Đô Lương, thị xã Thái Hòa, Thanh Chương.
Còn lại hầu hết dao động từ 25 đến 30 tiết/tuần, thậm chí có địa phương do thiếu giáo viên nên chỉ dạy học theo số giáo viên thực có, với 23 đến 25 tiết/tuần.
Phòng Tin học của Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ an đang phải trưng dụng từ phòng hội đồng giáo viên. Ảnh: Hồ Lài |
Với môn tự chọn tiếng Anh cho học sinh khối 1, 2 hiện chỉ có TP Vinh, Nam Đàn, Cửa Lò, Hưng Nguyên triển khai được 100%. Các huyện miền núi tỷ lệ rất thấp như Kỳ Sơn là 1,3%, Quế Phong 4,4%, Tương Dương 13,3. Môn Tin học cũng là môn bắt buộc nhưng đến nay toàn tỉnh vẫn đang còn 76 điểm trường chưa có phòng tin học.
Về cơ sở vật chất cũng chưa có những tồn tại chung như: thiếu phòng học, phòng học không đảm bảo diện tích, thiếu phòng Tin học, Ngoại ngữ, phòng chức năng… Ở huyện miền núi cao Tương Dương, Kỳ Sơn để học sinh được tiếp cận, học môn Tin học, địa phương đã thực hiện sáp nhập các điểm trường nhỏ lẻ, hoặc tổ chức mô hình trường dân tộc bán trú. Theo đó, gom học sinh lớp 3, 4, 5 về trường chính hoặc về điểm trường trung tâm có phòng Tin học để tạo thuận lợi cho các em.
Thầy Trần Đức Quỳ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) thông tin, qua nhiều hình thức vận động, nhà trường đã có cơ bản đủ máy tính cho học sinh. Tuy nhiên, do đang thiếu phòng học nên nhà trường phải tận dụng, chia đôi phòng hội đồng của giáo viên để làm phòng Tin cho học sinh.
Toàn tỉnh chỉ có duy nhất Cửa Lò có 100% phòng học được trang bị ti vi,máy chiếu. Tỷ lệ này trên toàn tỉnh là 76,2%, trong đó có nhiều địa phương chỉ mới đạt trên 60%. Điều này, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học và triển khai các hoạt động giáo dục.
Ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: Những khó khăn này đã được xác định từ khi bắt đầu triển khai Chương trình GDPT 2018, và đang từng bước được đồng bộ hóa. Thời gian tới, các địa phương cần ưu tiên tuyển dụng giáo viên, sắp xếp hợp lý bố trí đội ngũ hiện có. Về cơ sở vật chất liên quan đến kinh phí lớn nên cần có thời gian để từng bước khắc phục chứ không thể nóng vội.
Theo đó, các địa phương cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng tập trung, tránh dàn trải. Đồng thời đảm bảo phòng tin học ở các trường hoặc điểm trường trung tâm, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học đủ theo danh mục thiết bị tối thiểu được Bộ GD&ĐT quy định.
Ông Đào Công Lợi cũng đề nghị các địa phương cần phải xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng cho cấp tiểu học. Trong đó, giao quyền chủ động cho giáo viên trong tổ chức dạy và học. Đổi lại giáo viên, nhà trường cũng phải cam kết chất lượng với ngành giáo dục, với phụ huynh và lấy kết quả và sự tiến bộ của học sinh là thước đo đánh giá cuối cùng.
Ý kiến bạn đọc