Nhận diện khó khăn trong thực hiện chuyển trường đối với học sinh học Chương trình GDPT 2018, thầy Nguyễn Trọng Năm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) nhắc đến 4 yếu tố:
Thứ nhất, các trường học bộ sách khác nhau. Thứ hai, mỗi lớp có môn học tự chọn, lựa chọn và cụm chuyên đề khác nhau. Thứ ba, nếu có nhiều học sinh cùng chuyển đến và chọn môn học lựa chọn khác nhau sẽ khó khăn bố trí giáo viên hỗ trợ trò bồi dưỡng và tổ chức kiểm tra đánh giá. Cuối cùng, việc xếp lớp cho học sinh khó khăn, mất nhiều thời gian hơn.
Thầy Nguyễn Trọng Năm cho biết, thực tế tại Trường THPT Quan Sơn có một số học sinh chuyển đến và chuyển sang trường khác, chuyển lớp trong trường. Nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em vào lớp phù hợp nhất.
Với các môn lựa chọn và cụm chuyên đề học tập có thay đổi, nhà trường hỗ trợ học sinh tự bổ sung kiến thức, kỹ năng môn học mới; hoặc tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng môn học đó nếu học sinh, phụ huynh có nhu cầu. Sau đó, kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình để bảo đảm các em có đủ năng lực học tiếp môn học/cụm chuyên đề học tập mới.
“Qua theo dõi quá trình và kết quả học tập thấy rằng các em theo học kịp thời, không gặp quá nhiều khó khăn ở môn học lựa chọn, cụm chuyên đề, bộ sách mới”, thầy Nguyễn Trọng Năm thông tin.
Thầy Dương Văn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) cho biết: Sẽ thuận lợi nếu trường - nơi học sinh muốn chuyển đến có lớp học các môn lựa chọn mà học sinh đã học ở trường nơi đi.
Trường hợp trường nơi đến không có lớp học trùng môn lựa chọn mà học sinh vẫn muốn chuyển đến, các em có thể chọn vào lớp có môn học lựa chọn phù hợp nguyện vọng và phải hoàn thành nội dung, chương trình các môn học mới, bảo đảm về kiến thức, kỹ năng cũng như quy định về kiểm tra, đánh giá trước khi nhập học (vẫn phải đảm bảo các điều kiện và quy định về chuyển trường).
Chuyển trường khó khăn nhất là học sinh đang học tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập ở trường chuyển đi không trùng với trường chuyển đến. Cùng đó, lớp của trường chuyển đến có trùng môn học lựa chọn và chuyên đề học tập thì sĩ số có bảo đảm để bố trí vào học được không? Nếu không trùng các tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập, dạy bổ sung kiến thức cho học sinh thế nào? Do vậy, khó khăn khi học sinh học Chương trình GDPT 2018 chuyển trường là trường đến (nơi nhận).
“Từ đầu năm đến nay, Trường THPT Tân Sơn tiếp nhận 4 học sinh chuyển từ trường khác về. Nhà trường đã tư vấn cho học sinh viết đơn ghi rõ tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Các em được hỗ trợ kịp thời nên đều thuận lợi trong quá trình chuyển trường”, thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ) cho hay.
Cô trò Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ). Ảnh: NTCC |
Thông tin từ bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, sở GD&ĐT đã có hướng dẫn chuyển trường và tiếp nhận học sinh THCS, THPT. Theo đó, đối với học sinh THPT, sở GD&ĐT giao hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét, quyết định nếu chuyển trường trong cùng tỉnh. Trường hợp học sinh chuyển trường đến từ tỉnh/thành phố khác, sở GD&ĐT tiếp nhận, giới thiệu về trường theo nơi cư trú, kèm theo hồ sơ đã kiểm tra.
Khi chuyển trường, nếu tổ hợp các môn học lựa chọn tại trường nơi đi và chuyển đến không trùng nhau, hoặc học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi môn học thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH ngày 6/1/2023 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập lựa chọn cấp THPT.
Nhà trường (nơi tiếp nhận học sinh) cần có kế hoạch, giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng môn học mới để học sinh đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo. Việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh không phụ thuộc vào sách giáo khoa được lựa chọn khác nhau giữa trường nơi chuyển đi và đến.
“Học sinh sau khi hoàn thành chương trình, đủ điều kiện lên lớp thì được chuyển trường. Không thực hiện việc chuyển trường với học sinh thuộc diện trái tuyến và mở rộng vùng tuyển. Hiệu trưởng các trường có trách nhiệm hướng dẫn phụ huynh học sinh nộp hồ sơ giải quyết thủ tục chuyển trường tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Hòa Bình”, bà Bùi Thị Kim Tuyến cho biết thêm.
Với Hà Nội, tại Quyết định số 1257/QĐ-SGDĐT ngày 25/7/2023, Giám đốc sở GD&ĐT cũng phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho hiệu trưởng các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó cấp học cao nhất là THPT) thuộc thẩm quyền quản lý của sở đối với các thủ tục hành chính: Chuyển trường đối với học sinh THPT; xin học lại tại trường khác đối với học sinh THPT.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng có quyết định tương tự và từ năm học 2023 - 2024, hiệu trưởng trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp học cao nhất là THPT) có trách nhiệm giải quyết việc chuyển trường và xin học lại đối với học sinh THPT theo hướng dẫn của sở GD&ĐT…
Từ thực tế Trường THPT Tân Sơn, thầy Nguyễn Văn Hùng đồng tình với quy định giao cho hiệu trưởng quyết định việc chuyển trường. Căn cứ thực tế của trường chuyển đi và đến, hiệu trưởng sẽ tư vấn giúp cha mẹ học sinh lựa chọn việc chuyển trường cho con em mình hợp lý nhất.
Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, giao quyền cho hiệu trưởng giúp thuận lợi hơn cho công tác chuyển trường. Tuy nhiên, phải quy định cụ thể các trường hợp chuyển trường từ vùng khác về thành phố; tránh thuyên chuyển tùy ý gây ra nhiều bất cập trong công tác tuyển sinh vào 10.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh học theo Chương trình GDPT 2018, sau khi đã hoàn thành chương trình, đủ điều kiện lên lớp thì được chuyển trường. Việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh không phụ thuộc vào sách giáo khoa được lựa chọn khác nhau giữa trường nơi chuyển đi và đến.
Các sở GD&ĐT chỉ đạo đơn vị thực hiện chuyển trường và tiếp nhận học sinh không lấy sách giáo khoa làm căn cứ, gây khó khăn cho học sinh khi chuyển trường. Học sinh có thể thay đổi môn lựa chọn, cụm chuyên đề học tập.
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn
Ý kiến bạn đọc