Sáng 29/2, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM (Hội đồng hiệu trưởng) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và thông qua chương trình hoạt động trong năm 2024.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng chủ trì hội nghị.
Trong phần kết luận buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi đã nêu 5 vấn đề với Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học và các sở, ban, ngành của thành phố.
Thứ nhất, thành phố sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý, đất đai, quy hoạch để các trường đại học phát huy nguồn lực đất đai trong đầu tư và phát triển.
Thứ hai, thành phố sẽ thông qua chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, sẽ nghiên cứu chính sách cho vay. Theo ông Mãi, nhiều trường đại học đã hưởng thụ từ chương trình này và rất có hiệu quả.
Thứ ba, thành phố sẽ chọn lựa để đề xuất với Trung ương hoặc thành phố sẽ đầu tư để phát triển các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở một số trường đại học.
Ông Phan Văn Mãi phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng |
Ông Phan Văn Mãi đề nghị các trường tập trung triển khai đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ.
Bên cạnh hoàn thiện đề án tổng thể này, Hội đồng phải triển khai song song việc đào tạo các ngành thuộc đề án thành phần.
Trong đó, từ nay đến tháng 6/2024, phải triển khai kế hoạch đào tạo được ít nhất 4 ngành. Thời gian còn lại của năm 2024 và các năm sau, hoàn thiện 4 ngành còn lại.
“Đào tạo những ngành nào, số lượng bao nhiêu, ai sẽ tham gia đào tạo và thành phố phải đầu tư, có chính sách gì? Trong quý 1/2024, các sở ngành, các trường phải trả lời các câu hỏi như thế. Thành phố sẽ dành một khoản để đầu tư, hỗ trợ việc này. Thành phố sẵn sàng hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc đào tạo nguồn nhân lực", ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thứ tư, Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu Hội đồng đầu tư cho đề án xây dựng TPHCM trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên khu vực và thế giới. Trung tâm này phải mang tầm vóc quốc gia chứ không phải cấp tỉnh.
Cuối cùng, người đứng đầu chính quyền TPHCM đề nghị trong năm nay, Hội đồng hiệu trưởng cần nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả hoạt động.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đã báo cáo sơ bộ kết quả hoạt động của Hội đồng hiệu trưởng trong năm 2023.
Theo đó, Hội đồng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như các hội đồng khối ngành đẩy mạnh các hoạt động hội thảo, hội nghị và tổ chức các cuộc thi cho sinh viên với quy mô liên trường.
Từ đó, mở rộng hoạt động và tăng sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường thành viên của hội đồng khối ngành; phát huy nền tảng số, trang thông tin kết nối giữa Hội đồng hiệu trưởng với các Hội đồng hiệu trưởng khối ngành...
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng hiệu trưởng trong năm 2023. Ảnh: Mạnh Tùng |
Hội đồng hiệu trưởng đã tập trung cho Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế 8 ngành (Công nghệ thông tin - Truyền thông, Cơ khí - Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính - Ngân hàng, Y tế, Du lịch, Quản lý đô thị) giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ; Đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên khu vực và thế giới.
Trong năm qua, các đề án thành phần được thành phố đặt hàng, các cơ sở giáo dục đại học chủ trì thiết kế, xây dựng.
Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã phê duyệt và đã ký kết hợp đồng thực hiện 7/9 đề án với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng.
Một số hạn chế trong hoạt động của Hội đồng hiệu trưởng cũng được nêu ra. Trong đó, hoạt động của một số hội đồng khối ngành chưa tương xứng với tiềm năng của các trường đại học do công tác truyền thông, quảng bá và phối hợp chưa chặt chẽ. Một số hoạt động theo kế hoạch hội đồng khối ngành triển khai còn chậm.
PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM chia sẻ tham luận. Ảnh: Mạnh Tùng |
Tại hội nghị, các đại biểu từ các trường đại học đã chia sẻ tham luận, như: "Quốc tế hoá giáo dục đại học tại TPHCM: Kinh nghiệm triển khai" của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM); "Triển khai thí điểm đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành trí tuệ nhân tạo" của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM); "Xây dựng văn hóa hội nhập trong môi trường đại học tại TPHCM" của Trường Đại học Hoa Sen...
Ý kiến bạn đọc