Dù đã qua hai năm thực hiện Chương trình GDPT 2018 nhưng học sinh, phụ huynh còn bối rối trong lựa chọn tổ hợp môn học tự chọn. Câu hỏi nhiều phụ huynh đặt ra với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các trường là con em mình có thể thay đổi tổ hợp môn nếu thấy không phù hợp? Nếu chuyển trường mà tổ hợp môn trường cũ và trường có nguyện vọng đến khác nhau thì làm thế nào?
Băn khoăn của phụ huynh xuất phát từ việc nhiều học sinh chưa xác định rõ các môn thế mạnh cũng như ngành nghề hướng nghiệp, trong khi đó việc chuyển đổi tổ hợp môn giữa chừng khá phức tạp. Về mặt lý thuyết, chuyển trường/tổ hợp môn là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của học sinh và các trường phải đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ.
Thế nhưng trên thực tế, để thực hiện quy định, nhà trường phải vất vả nhiều công đoạn như: Sắp xếp lại lớp học, phân công giáo viên bộ môn hướng dẫn ôn tập, tổ chức kiểm tra đánh giá... Các thầy cô bộ môn được phân công không chỉ lo đề cương học, mà còn mất nhiều buổi ôn tập cho trò đạt các điều kiện học tiếp trong năm mới, trong khi đó chế độ chính sách cho giáo viên hỗ trợ học sinh học chuyển đổi tổ hợp chưa có, đa số “tùy tâm”.
Sau 2 năm triển khai chương trình mới ở cấp THPT, đa số trường làm tốt công tác tư vấn nên số lượng học sinh xin chuyển tổ hợp môn trong nội bộ rất ít, nhiều trường 100% học sinh không chuyển đổi. Rắc rối hiện nay là việc học sinh ngoài trường/tỉnh xin chuyển đến, nhưng tổ hợp các môn lựa chọn ở trường cũ không trùng với trường có nguyện vọng chuyển đến.
Thời gian qua vì sự phức tạp trong tổ chức học chuyển đổi tổ hợp môn nên một số trường “né” nhận học sinh chuyển trường khác tổ hợp môn, mà gợi ý phụ huynh/học sinh chọn trường đến có tổ hợp môn trùng với trường cũ. Một số phụ huynh phải “xất bất xang bang” tìm trường trùng tổ hợp cho con, có người tìm được nhưng trường đến lại không phù hợp nguyện vọng (về khoảng cách địa lý, chất lượng dạy học…), dẫn đến nhiều bức xúc.
Tình hình này khá nóng sau năm đầu tiên thực hiện chương trình mới cấp THPT nên ngay đầu năm 2023, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT theo hướng hỗ trợ tối đa cho học sinh. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các địa phương cần hỗ trợ tối đa người học, không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh khi chuyển trường.
Tuy Bộ, sở tăng cường chỉ đạo, nhiều trường nỗ lực tạo điều kiện cho học sinh chuyển đổi tổ hợp, trường nhưng cần thấy khâu quan trọng nhất vẫn là phía học sinh có đủ điều kiện theo học tiếp môn học mới hay không, nhất là những em chuyển đổi sau lớp 11.
Bởi theo quy định, học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo. Việc bù kiến thức 1 năm, 2 năm… của một môn học là gánh nặng không nhỏ, nhất là các em có học lực vừa phải.
Vì thế làm sao để học sinh lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập phù hợp nhất và giữ ổn định đến hết lớp 12 vẫn là lưu ý đầu tiên của Bộ trong Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT. Muốn vậy, công tác tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 và khi học sinh chuyển tổ hợp môn, chuyển trường cần được làm kỹ và chắc hơn nữa, để học sinh có phương án học tập dài hơi, phù hợp nhất, tránh xáo trộn giữa chừng.
Tác giả bài viết: Gia Khánh
Ý kiến bạn đọc