Trong đó, quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường tương tác với gia đình, thôn bản, bộ đội biên phòng…
Tăng cường liên hệ với thôn bản, phụ huynh
Tri Lễ là xã biên giới rộng lớn nhất của huyện Quế Phong, Nghệ An. Trong đó, khoảng cách xa nhất giữa các bản lên đến 40 – 50km. Chính vì vậy, để quản lý, nắm bắt tình hình học sinh trong thời gian nghỉ phòng dịch là nỗ lực lớn của các nhà trường.
Thầy Hoàng Ngọc Thanh – Hiệu trưởng trường Phổ thông DTBT THCS Tri Lễ cho biết: Trường có gần 700 học sinh, chủ yếu là dân tộc Thái và Mông. Ngay từ đầu đợt nghỉ học phòng dịch bệnh Covid-19, trường đã căn dặn học sinh chú ý tránh tụ tập nơi đông người, không đi chơi, đi thăm thân ở các bản xa hoặc sang Lào. Đồng thời giao bài tập để các em ở nhà tự học.
Xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) có nhiều bản nằm tách biệt, cách xa trung tâm xã gần 30km |
“Dịp nghỉ học phòng dịch nối tiếp với nghỉ tết nguyên đán. Đây cũng là thời điểm thanh niên trai gái, nhất là lứa tuổi 13, 15 đi chơi xuân và có không ít trường hợp thích nhau, bắt vợ, làm đám cưới. Trường đặc biệt chú ý phổ biến pháp luật, thông qua thôn bản tuyên truyền học sinh, tránh nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, thầy Thanh nói.
Phun khử khuẩn phòng học tại Trường Tiểu học Thông Thụ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) |
Cũng đóng ở xã biên giới, Trường Tiểu học Thông Thụ 1 (huyện Quế Phong) còn có điểm trường đóng tại bản Mường Piệt có cửa khẩu sang nước Lào. Bình thường, khu vực này khá đông đúc người qua cửa khẩu giao thương, buôn bán. Từ khi có dịch bệnh Covid-19, địa phương đã hạn chế việc đi lại giữa 2 nước, chỉ giao và nhận hàng hóa.
Nhiều trường tranh thủ dịp nghỉ học phòng dịch bệnh đã tu sửa, dựng khu vui chơi, trưng bày cho trẻ |
Thầy Tăng Xuân Sơn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thông Thụ 1 cho hay: “Nhà trường nằm trên địa bàn phức tạp, nên công tác phòng dịch bệnh, tuyên truyền quản lý học sinh chặt chẽ hơn. Chúng tôi phân công giáo viên đến tận bản để thăm hỏi, dặn dò cả học sinh lẫn phụ huynh tốt nhất không đi khỏi địa phương vào thời điểm này. Qua nắm bắt, hơn 1 tháng qua các em đã thực hiện tốt hướng dẫn của trường, thôn bản”.
Về phía giáo viên, đối với những thầy cô nhà ở khu vực miền xuôi nơi có đông lao động trở về từ vùng dịch nước ngoài, nhà trường cũng cho “tự cách ly”, hạn chế nguy cơ đem dịch từ nơi khác đến Thông Thụ.
Chống “quên tiếng Việt” đối với trẻ tiểu học
Hiện học sinh THPT toàn tỉnh Nghệ An đã đi học bình thường, các trường THCS, tiểu học, mầm non vẫn tiếp tục nghỉ học. Trong thời gian qua, việc ôn tập cho học sinh được các nhà trường chú trọng.
Giáo viên đem bài tập đến nhà cho học sinh |
“Nhưng ở bậc tiểu học, chúng tôi không đặt nặng việc giao nhiều bài tập cho các em làm ở nhà. Lý do vì thời gian nghỉ dài, các bài tập cơ bản cũng đã được ra cho học sinh làm hết. Trong khi không thể dạy bài mới, vì vùng cao điều kiện dạy học trực tuyến không thuận lợi, đồng bộ. Cái đáng lo nhất là ở nhà quá lâu, học sinh DTTS sẽ quên mất tiếng Việt”, thầy Tăng Xuân Sơn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thông Thụ 1, huyện Quế Phong nói.
Nhiều trường vùng cao lo lắng học sinh lớp 1, 2 nghỉ học dài ngày sẽ quên tiếng Việt |
Để hạn chế tình trạng này, trường Tiểu học Thông Thụ 1 mở cửa thư viện, phân công giáo viên hàng tuần mang sách báo, truyện, các ấn phẩm thiếu nhi đến bản cho học sinh. Các em sẽ đến nhà trưởng bản, hoặc nhà văn hóa để lấy sách báo về, đọc xong mang trả lại. Thầy cô cũng khuyến khích anh chị lớn tập đọc, tập viết chữ tiếng Việt các em lớp 1, 2.
Tại huyện Tương Dương, việc đem bài tập, sách báo đến từng bản, tận nhà cho học sinh cũng được duy trì suốt hơn 1 tháng vừa qua. Theo bà Võ Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thư viện mỗi trường trên địa bàn đều có khoảng 1.000 đầu sách, đảm bảo đủ cho học sinh mượn đọc thường xuyên.
Ngoài bài tập, giáo viên còn mang sách báo từ thư viện đến bản cho học sinh |
Giáo viên có nhiệm vụ phân loại sách báo phù hợp với từng độ tuổi, tạo hứng thú, đam mê đọc sách cho các em. Qua đó, hạn chế việc “tái mù chữ” ở học sinh lớp nhỏ, vì khi nhà, sử dụng tiếng mẹ đẻ, học sinh dân tộc thiểu số hầu như không sử dụng tiếng Việt nữa. Ngoài ra, sách báo cũng là nguồn kiến thức, hiểu biết xã hội phong phú, đa dạng cho học sinh vùng cao.
Giáo viên trực trường thường xuyên, trang trí trường lớp sạch đẹp sẵn sàng đón học sinh trở lại đi học |
Cùng với nhiệm vụ giao nhận sách, việc đi đến từng bản cũng là dịp để giáo viên phối hợp với gia đình, thôn bản tuyên truyền phòng dịch bệnh Covid-19, kịp thời nắm bắt thông tin học tập, sức khỏe của học sinh.