“Online hoá” giáo án, sổ sách giúp GV giảm tối đa “những việc không tên”, dành thời gian nhiều hơn cho công tác chuyên môn.
Tận dụng lợi thế của CNTT
Chia sẻ về việc ứng dụng CNTT vào hồ sơ, sổ sách cho giáo viên, cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết: Nhiều năm qua, nhà trường thực hiện giáo án điện tử, sổ liên lạc điện tử. Giáo án lên lớp được nhiều giáo viên vận dụng phần mềm mindmap. Các kế hoạch giảng dạy trước đây, thầy cô thường in ra, kí tên và nộp cho ban giám hiệu thì nay đã được gửi qua email.
Ngoài việc sử dụng sổ liên lạc điện tử, nhà trường cũng dùng hệ thống tin nhắn để thông báo với phụ huynh về lịch học, lịch nghỉ, họp phụ huynh; Sử dụng app, cấp mật khẩu để phụ huynh truy cập nắm tình hình học tập của con em. Đặc biệt, trường cũng khuyến khích các giáo viên tận dụng tối đa mạng xã hội lập các nhóm của lớp để thông tin kịp thời đến phụ huynh những thông báo cũng như trao đổi về tình hình học tập, hay là giải đáp những thắc mắc của phụ huynh (nếu có).
Cô Mai Hương cho rằng: Việc ứng dụng tối đa CNTT trong công tác sổ sách cho giáo viên, giúp họ “bớt việc”, có nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn. Cụ thể ứng dụng CNTT vào các hồ sơ sổ sách giúp lưu trữ tốt hơn, đảm bảo tính chính xác và về mặt hình thức cũng đẹp, rõ ràng.
Ví dụ với học bạ điện tử, giáo viên truy cập vào và nhập điểm lên cổng thông tin C1. Khi nhập điểm đều có sự kiểm tra chéo giữa giáo viên các khối để đảm bảo tính khách quan, chính xác. Khi giáo viên nhập hoàn thành sẽ không có quyền sửa (phần mềm không phân quyền). Sau khi hoàn thành cả hệ thống, nhà trường sẽ trích xuất file và các giáo viên kí tên để dán vào sổ học bạ vào cuối năm học.
Ảnh minh họa/ INT |
Tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), theo cô Trần Thuý An, Hiệu trưởng nhà trường, thực hiện chỉ đạo của ngành, các hồ sơ, sổ liên lạc, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ điểm… của giáo viên đều được thực hiện online. Việc ứng dụng hiệu quả CNTT vào công tác này đã giảm những việc “không tên, không tuổi” cho giáo viên để thầy cô tập trung vào chuyên môn, vào đổi mới dạy học.
Cần triển khai đồng bộ
Hữu ích của việc số hoá hồ sơ sổ sách cho giáo viên ai cũng nhìn thấy rõ, nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng “đối phó” trong soạn giáo án hay có giáo viên nhận xét học sinh cơ bản giống nhau, thậm chí có giáo viên copy của em này, lộn em kia… cho nên chưa phát huy hết tính hiệu quả. Một hiệu trưởng bày tỏ, học bạ điện tử tốt, hữu ích nhưng lo ngại về dữ liệu bị mất, có thể gặp sự cố bị hack tài khoản… Vì vậy, cần tính bảo mật tốt nhất có thể.
Ngoài ra, theo phán ánh của giáo viên, nhiều trường học tại TPHCM, học bạ phải viết tay chứ không được trích xuất file từ cổng thông tin ra để dán vào sổ học bạ. Họ in ra, nhưng phải viết bằng tay vào sổ, mất thời gian và… cũng lắm nhiêu khê.
Bên cạnh đó, một số trường học tại TPHCM vẫn chưa thực hiện phần mềm tin nhắn điện tử… thư thông báo, nhắc nhở hay thông tin cho phụ huynh vẫn chủ yếu giấy in ra. Các giáo viên cũng đã bước đầu tận dụng Zalo, Facebook để liên lạc với phụ huynh nhưng không thể tương tác hết với toàn bộ.
Minh chứng cho điều này đó chính là trong thời gian sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, thông tin về dịch bệnh Corona được Sở GD&ĐT TP, nhiều trường cập nhật liên tục trên trang fanpge, web trường, Facebook các thầy cô. Phần mềm tin nhắn cho phụ huynh được gửi đi liên tục các biện pháp phòng chống, hướng dẫn phòng ngừa của Bộ Y tế thì một số trường, phụ huynh phản ánh “vẫn không nghe cô giáo gọi điện, nhắn tin báo”.
Qua tìm hiểu được biết, việc triển khai tin nhắn điện tử và các app cài đặt trên điện thoại mỗi phụ huynh phải đóng khoản phí theo tháng. Nhưng không phải trường nào cũng nhận được sự đồng thuận của phụ huynh nên… vẫn phải dùng hình thức liên lạc với phụ huynh qua điện thoại, tin nhắn thông thường hoặc gửi giấy.
Thầy Phạm Thư Tùng
Giáo viên Vật lý Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1)