Thủ tướng yêu cầu giảm tải chương trình học
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 tuần vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD&ĐT giảm nhẹ chương trình.
Thủ tướng yêu cầu triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế - xã hội, cung cấp dịch vụ công, giao dịch điện tử. Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập. Cùng với đó, xử lý phù hợp kiến nghị của các trường quốc tế theo quy định.
Ngày 13/3, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình. Các Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn của Bộ để tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, một cách phù hợp.
Bộ GD&ĐT lưu ý thêm: “Trong quá trình triển khai thực hiện, các Sở GD&ĐT cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.”
Ngoài ra, các Sở GD&ĐT sẽ phải chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học qua internet có chất lượng.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở tham mưu UBND cấp tỉnh thành chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Sở GD&ĐT để tổ chức dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện địa phương.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, khi học sinh đi học trở lại, Sở GD&ĐT phải chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học. (Ảnh:VGP) |
Bộ GD&ĐT chỉ đạo đẩy mạnh dạy học trực tuyến
Dịch Covid-19 là điều kiện khách quan, ngoài ý muốn nhưng là cơ hội để giáo dục Việt Nam áp dụng công nghệ thông tin, bổ sung mới hình thức dạy học như online, trên truyền hình và trên điện thoại…
Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các đơn vị thuộc bộ nghiên cứu, đề xuất việc dạy học đại trà trên truyền hình cho học sinh, đồng thời làm rõ giá trị kết quả học trực tuyến.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường, giáo viên không tổ chức kiểm tra, đánh giá trên trực tuyến. Khi học sinh quay trở lại, trường phải tổ chức ôn tập và kiểm tra, đánh giá để công nhận kết quả, đảm bảo học sinh nắm được kiến thức. Trong quá trình ôn tập đó, nếu thấy học sinh hổng chỗ nào, giáo viên phải tổ chức ôn tập hoặc yêu cầu học sinh ôn tập.”
Điều chỉnh khung kế hoạch năm học 2019-2020 lần 2
Trưa ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký quyết định về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 lần 2, trong đó lùi kỳ thi THPT quốc gia đến ngày 8 -11/8.
Theo điều chỉnh mới, thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020 . |
Công văn gửi UBND các tỉnh, TP của Bộ GD&ĐT, nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ tiếp tục điều chỉnh khung thời gian năm học.
Cụ thể, thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020. Trước đó, tại lần điều chỉnh thứ nhất, thời gian kết thúc năm học kết thúc trước ngày 30/6.
Kỳ thi THPT được tổ chức từ ngày 8 đến 11/8, thay vì 23-26/7 như lần điều chỉnh trước đó. Như vậy, so với kỳ thi năm ngoái, kỳ thi năm nay được điều chỉnh lần thứ 2 cách gần 1,5 tháng.
Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian nêu trên, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP quyết định thời gian cho học sinh đi học trở lại đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị, trong thời gian học sinh nghỉ học, UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các Sở GD&ĐT rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ; đồng thời triển khai các hình thức dạy học qua internet và truyền hình, kiểm tra công nhận kết quả học tập qua internet và truyền hình khi học sinh đi học trở lại.