Chọn nghề từ sự đam mê
Khái niệm đam mê ở đây tuy rất rộng, nhưng theo nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, hai chữ đam mê sẽ đóng vai trò “chìa khóa” để giúp các bạn trẻ vượt qua khó khăn, vượt qua những trở ngại ngay từ trong quá trình học tập, đi làm cho đến cả khi phát triển nghề nghiệp. “Làm bất cứ một điều gì cũng cần phải có đam mê. Bạn có thể không giỏi, bạn có thể chậm hơn người khác, nhưng nếu bạn có niềm tin và đam mê với điều chọn lựa, theo đuổi, chắc chắn sẽ có ngày sự thành công đến với bạn”- TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhấn mạnh.
Theo TS Trần Đình Lý, nhiều HS chỉ nghĩ đơn giản rằng: Mình thích làm nghề gì thì chọn nghề đó. Nhưng thực tế, để chọn được một nghề nghiệp phù hợp cần sự kết hợp của rất nhiều yếu tố và phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức để xem xét trước khi đưa ra quyết định. Lựa chọn nghề nghiệp là quá trình bao gồm nhiều bước, trong đó có bốn bước quan trọng là hiểu rõ bản thân, tìm kiếm thông tin về ngành nghề bạn yêu thích, trường đào tạo chất lượng và phù hợp. Cuối cùng chính là sự đam mê mà bạn dành cho nghề.
Nhiều năm làm công tác đào tạo, tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cho HS, TS Trần Đình Lý đúc kết được nhiều điều. Trong hàng loạt những gì ông thấy, điều làm ông trăn trở nhất chính là tỉ lệ sinh viên rơi rụng trong quá trình học, cũng như tỉ lệ bỏ cuộc để bắt đầu lại bằng những điều nhận ra trong chính quá trình học.
Nhìn nhận công tác chọn nghề với HS đóng vai trò rất quan trọng, Ths Trần Nam - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tin rằng: Việc chọn nghề đúng còn ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực ngay trong quá trình học của các em. Không ít HS lớp 12 rồi mà khái niệm về chọn ngành, chọn nghề vẫn rất mơ hồ.
Chính sự thiếu “trưởng thành” với bản thân của nhiều HS, cùng sự thiếu tìm hiểu ngành nghề, khiến không ít em chọn ngành nghề chỉ vì vẻ hào nhoáng của nghề, chọn nghề vì cha mẹ định hướng hoặc đơn giản theo kiểu phong trào. Điều đó không chỉ làm mất thời gian của các em, tiền bạc của gia đình, mà còn góp phần không nhỏ vào việc tạo “độ vênh” cho nguồn nhân lực chất lượng trong xã hội khi tỉ lệ sinh viên làm trái ngành nghề ngày càng cao.
Hạnh phúc với nghề mình chọn
Thống kê mới nhất của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, hơn 70% sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đang làm trái ngành nghề được học. Nhiều bạn học đến năm 3, 4 hoặc thậm chí tốt nghiệp mới phát hiện mình yêu ngành nghề khác. ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM phát biểu: Trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, nếu HS biết đưa sở thích gần lại với nhu cầu và thỏa mãn được ba yếu tố: Khả năng mình có, môi trường phát triển và đam mê với nghề thì dù trong bối cảnh vận động nào của xã hội, của thị trường lao động các em vẫn sẽ có thể tìm thấy niềm vui từ nghề nghiệp mà mình đã chọn.
“Tất nhiên, đam mê chưa chắc phù hợp với năng lực bạn đang có. Không phải người đam mê kinh doanh đều trở thành doanh nhân thành đạt, yêu thích âm nhạc sẽ thành ca sĩ nổi tiếng. Vì vậy, điều quan trọng là học sinh cần biết và hiểu giữa sở thích và khả năng là hai thứ khác nhau. Không phải tất cả mọi thứ chúng ta thích, chúng ta đều có thể có khả năng. Do đó, muốn đạt được ngưỡng có niềm vui và hạnh phúc với ngành nghề mà mình chọn lựa, các em học sinh cần phải hiểu rõ năng lực và điều mình muốn hướng đến” - ThS Phạm Thái Sơn phân tích.
TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế NTT (NIIE) - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng: Một ngành nghề phù hợp cần thỏa mãn 3 yếu tố: Đam mê, năng lực và nhu cầu xã hội. Khi HS không thấy hứng thú với ngành mình học và chọn lựa lại đó cũng là điều hết sức bình thường. Quan trọng là các em cảm thấy hạnh phúc, hài lòng với công việc mà mình chọn lựa lại ấy. Thực tế xu hướng bằng cấp trong xã hội và từ chính các đơn vị tuyển dụng cũng đã thay đổi nhiều. Nhiều doanh nghiệp giờ chọn người được việc hơn là người có nhiều bằng cấp mà không được việc.
Quan trọng là sinh viên cần biết phát huy và nâng cao thế mạnh bản thân trong quá trình học nghề. Nếu có sở thích du lịch và tìm hiểu văn hóa các nước, học tốt các môn xã hội, năng động, sáng tạo và giao tiếp tốt, các em sẽ thành công với mảng nhà hàng, khách sạn hoặc du lịch hơn là theo ngành văn hóa học hay Marketing… khi đáp ứng được 3 yếu tố: Đam mê, năng lực và nhu cầu xã hội.