Ra ngoài để hướng nghiệp
Tổ chức cho các em tham quan khu công nghệ cao, các công ty, doanh nghiệp và trải nghiệm làm tiểu thương mua bán, nuôi trồng thủy sản… đã được nhiều trường THPT ở TP Cần Thơ lựa chọn. Đây là hoạt động ngoài giờ được thầy, trò cùng thiết kế, đó còn là hình thức trải nghiệm, hướng nghiệp hiệu quả.
Mở đầu cho các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp này là Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Nhiều em không có điều kiện trải nghiệm cuộc sống bên ngoài và việc chọn nghề nghiệp cho tương lai chưa rõ ràng. Để giúp HS, BGH nhà trường đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp. Với lợi thế gần chợ nổi Cái Răng và các làng nghề sản xuất truyền thống nên thầy trò cùng nhau thiết kế “tour trải nghiệm hướng nghiệp”.
Vào các giờ ngoại khóa, các em tham gia làm hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh rau màu trên chợ nổi, bán rau màu trên bờ, nuôi trồng và bán thủy sản... Người truyền lửa cho các em là thầy hiệu trưởng Võ Đức Chỉnh. Theo thầy Chỉnh, trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình giáo dục phổ thông kết hợp giữa giáo dục nhà trường và đặc thù sản xuất kinh doanh của địa phương. Việc HS trải nghiệm, tập làm hướng dẫn viên, mua bán trên chợ nổi giúp các em được tiếp cận thực tiễn, sớm có những định hướng nghề nghiệp cho mình…
Thầy Chỉnh chia sẻ rằng, giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho HS là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Đến nay, chương trình giáo dục nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại địa phương là một trong những bước đi của lộ trình đổi mới giáo dục. Đây là bước chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Những mô hình như vậy giúp HS không chỉ tăng cường kiến thức thực tế mà còn hiểu hơn về thế mạnh kinh tế địa phương. Từ đó sẽ có định hướng phù hợp cho tương lai của mình. Cho học trò trải nghiệm, chúng ta sẽ thu được nhiều kết quả cả về hiện tại và tương lai.
Hoạt động ngoài giờ lên lớp là phương pháp hướng nghiệp hiệu quả cho HS |
Sớm định hướng nghề nghiệp
Thông tin từ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, việc tổ chức hoạt động giáo dục gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương được nhiều trường học ủng hộ. Trong đó, HS Trường THPT Nguyễn Việt Hồng đã được tham gia các dự án: Giáo dục của nhà trường gắn với nghề hướng dẫn viên du lịch trên Chợ nổi Cái Răng; Giáo dục của nhà trường gắn với nghề kinh doanh rau màu trên ghe tại Chợ nổi Cái Răng; Giáo dục của nhà trường gắn với nghề kinh doanh rau màu ở TP Cần Thơ gắn liền với Chợ nổi Cái Răng; Giáo dục của nhà trường gắn với nghề sản xuất và kinh doanh hủ tiếu tại phường An Bình; Giáo dục của nhà trường gắn với nghề nuôi cá và kinh doanh thủy sản ở TP Cần Thơ…
Một số trường học trên địa bàn quận Bình Thủy, quận Cái Răng, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) còn tổ chức cho HS trải nghiệm ở một số làng nghề, cơ sở kinh doanh như: Làng thủ công mỹ nghệ, khu sản xuất rau sạch...
Các trường học trên địa bàn quận Ninh Kiều phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ tổ chức học tập hướng nghiệp thực tế với chuyên đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 với các đơn vị tư vấn hướng nghiệp: Trường Đại học FPT, Công ty Dược Hậu Giang... Qua các hoạt động đã góp phần tạo sự hứng thú trong học tập và định hướng nghề nghiệp cho HS, thực hiện định hướng đổi mới hoạt động dạy và học của nhà trường theo Chương trình phổ thông mới.
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đến nay có 100% trường THCS thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp, tư vấn học đường cho học sinh tại trường. Bố trí phòng tư vấn cho HS, tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Bên cạnh đó, còn cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động nhằm định hướng các hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phục vụ nhu cầu của địa phương.