Tư vấn tâm lý học đường: Mới dừng lại ở… tên gọi

Chủ nhật - 16/01/2022 06:40 301 0
GD&TĐ - Công tác tư vấn tâm lý ngày càng được nhận thức đúng và quan tâm hơn trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, triển khai hoạt động này hiệu quả vẫn hạn chế do còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân lực.
Tư vấn tâm lý học đường: Mới dừng lại ở… tên gọi

Những con số biết nói

Dù công tác tư vấn tâm lý được quan tâm nhưng hiện Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) vẫn chưa có giáo viên chuyên trách làm công tác này. Đây là tình hình chung của nhiều trường phổ thông hiện nay. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ rằng, để tư vấn tâm lý cho học sinh, nhà trường thành lập một hội đồng gồm giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội và bí thư chi đoàn; trong đó giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng.

Hoạt động tư vấn tâm lý của trường khá đa dạng, phong phú, như: Tổ chức chuyên đề, ngoại khóa về tâm lý tuổi dậy thì; phòng chống bạo lực học đường; tọa đàm về tác động tiêu cực của mạng xã hội và biện pháp phòng chống; sân khấu hóa bằng các vở kịch ngắn hay hoạt cảnh; hòm thư Cánh én báo tin; viết bài tuyên truyền phát thanh măng non...

Khẳng định tầm quan trọng của dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em, cô Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang), cho biết: Dịch vụ này ở nhà trường đã hình thành dưới dạng tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, tuy nhiên chưa phổ biến và còn mang tính hình thức, hoạt động chưa đủ sự tin tưởng. Do đó, tỷ lệ học sinh, phụ huynh học sinh biết đến dịch vụ này không cao. Học sinh thường chưa tự tìm đến tổ tư vấn mà do giáo viên chủ nhiệm hoặc gợi ý cho gia đình. Học sinh, phụ huynh thiếu thông tin nên không thể tìm đến hay sử dụng dịch vụ này...

“Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia tổ tư vấn tâm lý của nhà trường là mấu chốt quyết định hiệu quả nhưng thường lại là khâu yếu nhất. Vì kiêm nhiệm và ít được tập huấn, bồi dưỡng nên không thể đáp ứng yêu cầu đặc thù của công việc. Chỉ bằng kinh nghiệm cá nhân và hoạt động khi được phân công nên việc tiếp nhận, nghiên cứu công việc còn nhiều hạn chế.

Chất lượng tư vấn không cao, thường chỉ xử lý được những vấn đề cơ bản, lúng túng hoặc không biết cách xử lý các tình huống khó nên không đáp ứng nhu cầu của học sinh. Còn bị động trong công tác tư vấn, chỉ tháo gỡ khó khăn khi học sinh tìm đến; không thể chủ động thu thập thông tin, tìm đến học sinh cần được tư vấn; từ đó, không phát hiện, can thiệp sớm” – thầy Trần Văn Hân trăn trở.

Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) đã thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường do Phó Hiệu trưởng làm tổ trưởng và các thành viên là giáo viên có kinh nghiệm tư vấn, nhân viên y tế, đại diện cha mẹ học sinh và các em trong Ban Chấp hành Đoàn trường. Theo thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hân,  phạm vi của tổ chỉ giải quyết chủ yếu những vấn đề liên quan đến học tập của học sinh. Khúc mắc về các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội chưa được tìm hiểu, giải đáp. Nhất là những vấn đề phát sinh từ cuộc sống gia đình, môi trường sống xung quanh, ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội ít được quan tâm.

Ngoài ra, học sinh ít khi tự tìm đến để được tư vấn, nhất là vấn đề có tính riêng tư, khó trình bày như tình cảm gia đình, tâm lý sức khỏe, vấn đề nhận thức của các em về thế giới xung quanh… Và tổ tư vấn cũng không có điều kiện bao quát, tìm hiểu, gợi mở nên không phát hiện ra một số trường hợp có biểu hiện tâm lý thay đổi, tự cô lập mình và có thể dẫn đến trầm cảm hoặc những trường hợp có những suy nghĩ, hành động nguy hiểm hơn dù nguyên nhân ban đầu không quá phức tạp.

Tư vấn tâm lý học đường: Mới dừng lại ở… tên gọi - Ảnh minh hoạ 2
HS Trường THCS Thụy Liên tham gia ngoại khóa tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; phòng chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em.

Nhìn nhận đúng vai trò, đầu tư xứng đáng

Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường, thầy Trần Văn Hân cho rằng phải nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ tham gia tư vấn; nhất là cần có cán bộ, giáo viên chuyên trách. Trước mắt, cần có nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn để đảm bảo nhu cầu được tư vấn tâm lý của học sinh. Bên cạnh đó, các trường quan tâm thành lập tổ tư vấn tâm lý theo Thông tư 31 ngày 18/12/2017 của Bộ GD&ĐT; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, chủ động tìm đến học sinh để kịp thời tư vấn, không thụ động như hiện nay. Ứng dụng công nghệ thông tin để làm phong phú, nội dung, hình thức tư vấn cho học sinh…

Cô Nguyễn Phương Lan cũng nhấn mạnh, trước hết cần đào tạo chuyên môn cho cán bộ tâm lý học đường; tạo hành lang pháp lý (tính giờ, hoặc có chế độ khuyến khích với cán bộ tư vấn kiêm nhiệm...); quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết tạo không gian riêng phù hợp với nhà trường/trung tâm. Cũng cần có sự liên kết chặt chẽ, hỗ trợ giữa tổ tư vấn học đường với các cơ sở dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em có uy tín, có chuyên môn (Khoa tâm lý tại tại các bệnh viện, trung tâm tư vấn).

Liên quan đến nội dung này, thầy Nguyễn Tiến Dũng lại nhấn mạnh việc ngành Giáo dục nói riêng, toàn xã nói chung, cần có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cấp thiết của công tác tư vấn tâm lý học đường. Sau đó, cần có đủ đội ngũ cán bộ chuyên trách được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về tư vấn tâm lý tại các cơ sở đại học có đào tạo chuyên ngành về khoa học tâm lý giáo dục.

Tiếp đến, có kinh phí, chế độ chính sách (ví dụ, với giáo viên kiêm nhiệm tư vấn thì tính bao nhiêu tiết/tuần), cơ sở vật chất để thành lập tổ tư vấn, phòng tư vấn tâm lý trong nhà trường. Cuối cùng, cần cơ chế phối hợp giữa các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường; đặc biệt là sự phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh; các đoàn thể chính trị xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên… cùng vào cuộc.

“Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, vai trò của nhà trường, đặc biệt đội ngũ giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Qua quan sát hành vi, cử chỉ, lời nói của các em, thầy cô có thể gợi mở xem trẻ đang có băn khoăn, tâm tư gì để sớm phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột (tư vấn trực tiếp đến đối tượng). Hoặc tư vấn cho phụ huynh biện pháp để kịp thời quan tâm, chia sẻ, cùng tháo gỡ tiêu cực ngay từ khi mới phát sinh nơi các em (tư vấn gián tiếp).
Gia đình và bản thân trẻ cũng có thể chủ động liên hệ với chuyên gia tư vấn, tổng đài tư vấn tâm lý, Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống... Bên cạnh việc dạy kiến thức, các nhà trường cũng luôn phải thực hiện tốt việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống để tạo cơ sở cho hình thành, phát triển nhân cách tốt đẹp của HS” – thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập767
  • Hôm nay37,117
  • Tháng hiện tại315,247
  • Tổng lượt truy cập51,671,206
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944