Đạt kết quả khả quan từ thách thức
Học kỳ I năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT Lào Cai đã đạt được một số kết quả khả quan.
Về quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được sắp xếp, quy hoạch, số trường học đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục tăng, cuối năm học 2020-2021, có 390/602 trường đạt chuẩn. Khoảng 30 trường của các cấp học được các Đoàn kiểm tra của tỉnh kiểm tra, công nhận mới.
Công tác xã hội hóa giáo dục và hội nhập, hợp tác quốc tế được quan tâm. Trên địa bàn tỉnh có một số các cơ sở mầm non theo mô hình xã hội hóa có chất lượng cao; Tháng 10/2021, Tổ hợp Trường Quốc tế Canada - Lào Cai được khởi công xây dựng và có thể tiếp nhận khoảng 2.000 học sinh từ cấp mầm non đến Trung học phổ thông sau khi hoàn thiện.
Toàn tỉnh có 26 Trung tâm Ngoại ngữ ngoài công lập góp phần thúc đẩy phong trào và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Mới đây, trung tâm Ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế tại Lào Cai đã khai trương đi vào hoạt động.
Đối với, công tác phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao chất lượng ở 100% xã, 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 612 trường, 8.242 lớp với 227.749 học sinh; tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 90,1%; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 từ 90,3 lên 95,2%;
Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông được tích hợp rõ vào chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa; giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ cả ở vùng thấp và vùng cao và đạt được một số kết quả nổi bật…
Còn đó những khó khăn
Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục Lào Cai còn những hạn chế, bất cập; một số kết quả đạt được chưa như mong muốn và kỳ vọng.
Cụ thể như, chưa quyết liệt, còn chậm trong việc đổi mới, phân cấp nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị trong ngành. Trong năm 2021 các cơ quan, đơn vị của tỉnh Lào đã thực hiện 16 đổi mới, 16 phân cấp, tuy nhiên riêng ngành giáo dục đào tạo chưa đăng ký nội dung đổi mới, phân cấp.
Chất lượng giáo dục đã được nâng lên nhưng chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị chiếm khoảng 28%, còn lại chất lượng giáo tại các khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu còn thấp. Chất lượng dạy và học các môn ngoại ngữ và giáo dục tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Công tác đào tạo học sinh năng khiếu, đào mũi nhọn chưa nhiều, chưa được mở rộng; kết quả thi HS giỏi các môn khoa học cơ bản chưa có nhiều giải cao. Chất lượng đội ngũ CBQL, giáo viên chưa đồng đều, một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Còn tình trạng thiếu giáo viên mầm non, tiểu học và một số môn chuyên biệt như tin học, ngoại ngữ chưa được giải quyết.
Quy hoạch mạng lưới trường lớp học chưa phù hợp và chậm được điều chỉnh. Còn các điểm trường nhỏ lẻ, phân tán chia cắt. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao tuy đã được đầu tư nhưng còn thiếu. Hệ thống số liệu thống kê và tỷ lệ huy động học sinh các độ tuổi ra lớp, số liệu người lớn đạt chuẩn xóa mù chữ còn thiếu độ tin cậy gây khó khăn cho công tác xây dựng cơ chế, chính sách và chỉ đạo điều hành của tỉnh.
Hạ tầng số, công nghệ thông tin trong trường học chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu; việc quản lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu số chưa tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số trong ngành.
Nhiệm vụ thời gian tới
Dự và phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho rằng: Năm 2021 là năm đầu tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Đây cũng là năm Lào Cai phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cả nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng, nhất là các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo hết sức linh hoạt, chủ động với nhiều giải pháp sáng tạo, kết thúc năm mặc dù một số chỉ tiêu không đạt như mong muốn, nhưng những chỉ tiêu chính, quan trọng Lào Cai đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch giao...
Chia sẻ những khó khăn với ngành GD&ĐT và trên cơ sở đánh giá những thành quả tồn tại của học kỳ I, ông Đặng Xuân đã yêu cầu ngành quan tâm, thực hiện một nội dung như:
Trước hết, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng về về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế…
Đặc biệt, Lãnh đạo của ngành cần dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, đề án, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn phong phú để tham mưu, đề xuất với Tỉnh các giải pháp, cơ chế, chính sách về GD&ĐT, đảm bảo đúng và trúng, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Cùng đó, ngay trong đầu năm 2022, ngành cần tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ lựa chọn một số công việc, nội dung có tính lan tỏa cao và khả thi để đăng ký thực hiện trước việc phân cấp, đổi, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của các cơ quan, đơn vị trong ngành.
Tiếp tục rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới các trường lớp học trên địa bàn tỉnh bảo đảm chính xác, chi tiết, cụ thể đến từng thôn bản, điểm trường. Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội, giao thông đi lại… tham mưu tổng thể công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng và lộ trình phù hợp với điều kiện của tỉnh để tập trung nguồn lực, từng bước hoàn thiện hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh; giảm bớt các điểm trường nhỏ lẻ, ít học sinh.
Thẳng thắn, khách quan nhìn nhận, đánh giá những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cùng những tồn tại, bất cập khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; chất lượng và đội ngũ cán bộ, giáo viên; chất lượng đào tạo học sinh tại các cấp học; chuyển đổi số…
Từ đó đề ra các giải pháp, biện pháp khắc phục, chủ động tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn để tạo sự chuyển biến, rõ rệt trong trong ngành giáo dục thời gian tới.
Cũng theo ông Đặng Xuân Phong, tình hình dịch bệnh Covid-19 dự báo còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Do đó, đề nghị toàn ngành giáo dục nêu cao tinh thần chủ động, linh hoạt tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên...
Duy trì môi trường dạy và học an toàn để bảo đảm chất lượng dạy và học. Đồng thời chủ động sẵn sàng các phương án, kịch bản cho tình huống dịch bệnh có diễn biến xấu để chuyển trạng thái khi cần thiết.