Đây là giai đoạn rất cần đột phá trong chính sách tuyển dụng và đãi ngộ giáo viên để bảo đảm nguồn lực.
Thiếu chế độ đãi ngộ tương xứng
TPHCM hiện có hơn 2.300 trường học. Hằng năm, nhu cầu tuyển dụng giáo viên của địa phương rất lớn, tuy nhiên không phải năm học nào ngành cũng tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Trong số đó, thiếu nguồn tuyển giáo viên tập trung ở các môn như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mĩ thuật ở bậc tiểu học, THCS.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh (TPHCM) cho biết: Công tác tuyển dụng giáo viên tiếng Anh gặp nhiều khó khăn do không có người tham gia ứng tuyển hoặc bỏ nhiệm sở sau một thời gian công tác. Năm học 2020 - 2021, Bình Chánh thiếu 42 giáo viên tiếng Anh và 17 giáo viên Tin học cấp tiểu học. Giải pháp của một số trường trong huyện là hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ, hoặc có thể chia sẻ giáo viên với trường bạn.
Tương tự, năm học 2020 - 2021, ở quận Phú Nhuận (TPHCM), nhu cầu môn Tiếng Anh tuyển 15 giáo viên nhưng chỉ được 1 người. Các môn Mĩ thuật tuyển 5 giáo viên, Tin học tuyển 3 giáo viên nhưng không ai đủ điều kiện dự tuyển. Hay tại Quận 4, năm học vừa qua cần tuyển 12 giáo viên tiếng Anh tiểu học, trong đợt tuyển dụng đầu năm không có ứng viên dự tuyển, đợt 2 có 2 ứng viên tham gia dự tuyển. Thậm chí có một số quận, huyện khác của TPHCM, dù có giáo viên ứng tuyển nhưng lại bỏ sau khi nhận nhiệm sở.
Ngành GD-ĐT TPHCM cũng kiến nghị với UBND thành phố xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo phù hợp với thực tiễn phát triển GD-ĐT. Tại TP Thủ Đức, các quận, huyện chủ động rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn, chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, tuyển bổ sung đội ngũ, sử dụng và phân công hợp lý giáo viên hiện có. Một kiến nghị được Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất là cần có chế độ đãi ngộ tương xứng với giáo viên tiếng Anh, để khuyến khích thầy cô gắn bó với ngành.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Sóc Trăng, triển khai chương trình mới, tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, đặc biệt là thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học. Theo Chương trình mới với cấp tiểu học, môn Ngoại ngữ, Tin học sẽ bắt buộc từ lớp 3, nhưng phần lớn các trường tiểu học của tỉnh chưa có phòng chức năng phục vụ dạy học 2 môn này… Tỉnh Bạc Liêu cũng đang gặp khó với các môn Tin học, Tiếng Anh và một số hoạt động giáo dục.
Theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu, hiện chưa có quy định cụ thể việc tuyển dụng giáo viên các môn này. Đội ngũ giáo viên cốt cán của tỉnh còn thiếu, thậm chí không có ở một số môn, nhất là các môn mới, môn ghép, các hoạt động giáo dục nên việc hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn...
Tuyển đã khó, giữ chân giáo viên còn khó hơn
Có nhiều lý do dẫn đến nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh, Tin học thiếu, trong đó có vấn đề thu nhập. Thầy N.H.T, giáo viên tiếng Anh đang dạy ở một trường tư thục tại quận Bình Thạnh (TPHCM) chia sẻ: Với tấm bằng Ngoại ngữ, Tin học cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định ở TPHCM rất dễ dàng. Trước những áp lực về tài chính, công việc, nhiều bạn trẻ mới ra trường sẽ cân nhắc, lựa chọn hướng đi khác chứ không chọn nghề giáo, nhất là thi tuyển vào trường công…
Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, ở cấp tiểu học Chương trình phổ thông năm 2000, môn Tin học là môn tự chọn. Do đó, tỉnh gặp khó trong vấn đề đội ngũ giáo viên khi chuyển sang chương trình mới. Qua rà soát để có thể thực hiện chương trình phổ thông mới, tỉnh còn thiếu cả giáo viên tiếng Anh lẫn Tin học. Về vấn đề tuyển dụng, theo ông Khanh, một số trường hợp có trình độ cử nhân tiếng Anh nhưng không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Để tháo gỡ, tỉnh đề xuất Bộ GD&ĐT có thêm thông tư về bồi dưỡng sư phạm cho đội ngũ này để hỗ trợ địa phương tuyển được giáo viên.
Để gỡ khó, một số địa phương chủ động trong chính sách tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên… Như TP Cần Thơ, ngành Giáo dục khuyến khích các trường tiểu học thực hiện giảng dạy những môn tự chọn như Tin học, Tiếng Anh... Nhờ có bước chuẩn bị, nên khi áp dụng bắt buộc dạy học môn đặc thù từ lớp 3, các trường bảo đảm được yêu cầu giáo viên, cơ sở vật chất.
Bên cạnh thuận lợi, một số đơn vị tại TP Cần Thơ gặp khó khăn khi triển Chương trình mới, nhất là điều kiện dạy học môn Tin học. Cô Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cho biết: Chuyển từ môn học tự chọn sang bắt buộc, các môn như Tiếng Anh, Mĩ thuật, Âm nhạc… có thể linh động được. Nhưng môn Tin học thì rất khó, vì phải đầu tư thêm phòng học, máy tính. Hiện trường chỉ có một phòng máy tính nên phải xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn bổ sung và đầu tư phòng dạy học… “Nhà trường sẽ nỗ lực hơn khi giảng dạy các môn học đặc thù. Với tinh thần chung là cố gắng triển khai, thấy khó khăn chỗ nào thì khắc phục chỗ đấy”, cô Bích Huyền chia sẻ.