Thi hay xét tuyển
Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) không đồng tình với việc bỏ thi tuyển vào các trường THPT công lập trên địa bàn và cho rằng: Sau dịch, học sinh sẽ đi học bình thường. Bộ GD&ĐT đã lùi thời gian kết thúc năm học và thời gian thi THPT quốc gia; các hoạt động khác như thi chẳng hạn sẽ lùi lại tương ứng, vì thế nên để mọi việc diễn ra bình thường. “Thi vào lớp 10 vừa mới bỏ xét tuyển, thi THPT quốc gia cũng vừa giảm tỷ lệ điểm theo hồ sơ để tăng tính khách quan, bây giờ lại “lối cũ ta về” thì không nên” – ông Nguyễn Quý Xuân cho hay.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho rằng: Với các thành phố lớn, địa phương có nhu cầu vào lớp 10 lớn hơn nhiều so với điều kiện hiện sẵn có rất dễ xảy ra tiêu cực; trong khi còn thiếu các công cụ để kiểm soát thật chặt chẽ ở THCS. Về lâu dài, khi đã thật tốt phân luồng học sinh sau THCS, có thể giao tự chủ cho trường THPT. Lúc đó, giao cho trường THPT tự chủ (khảo sát năng lực) để chọn người học.
“Việc phân luồng học sinh sau THCS chưa thật tốt, tâm lý phổ biến là phải tiếp tục học THPT, số học sinh tốt nghiệp THCS đi học các trường nghề chưa nhiều. Vì vậy, áp lực về tuyển sinh tại các trường THPT công lập rất lớn. Nếu bỏ thi tuyển sinh ngay e rằng khó kiểm soát tiêu cực. Thái Bình vẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập bằng thi tuyển. Công tác này được thực hiện hết sức nghiêm túc” - ông Đỗ Trường Sơn chia sẻ.
Trong khi đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết: 4 năm nay, ngoài thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, 31 trường THPT còn lại trên địa bàn đều thành lập hội đồng xét tuyển. Năm học 2020 - 2021 tới, 100% trường (535) từ mầm non đến phổ thông tại Cà Mau sẽ xét hồ sơ nhập học cho học sinh bằng hình thức đăng ký trực tuyến. Trước mắt, nếu phụ huynh nào không có điều kiện vẫn thực hiện nộp hồ sơ như cũ. Nhưng về lâu dài sẽ xoá bỏ hình thức thực hiện thủ công này.
Tuyến sinh vào lớp 10 trường công lập tại các đô thị lớn luôn được quan tâm. Ảnh: Hữu Cường |
Địa phương quyết định
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm 2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Quy định này được sửa đổi bởi Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT (Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018). Theo đó, Bộ GD&ĐT đã giao quyền quyết định lựa chọn hình thức tuyển sinh vào THCS cho sở GD&ĐT và vào THPT cho UBND tỉnh/thành phố. Hình thức tuyển sinh ở các cấp được quy định như sau:
Đối với cấp THCS: Tuyển sinh theo hình thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo hình thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Đối với cấp THPT: Tổ chức theo một trong ba phương thức: Xét tuyển (dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở THCS của đối tượng tuyển sinh...); Thi tuyển; Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Liên quan đến nội dung này, theo ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, trong quy chế, Bộ GD&ĐT đã giao cho địa phương quyết định hình thức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, trong đó có lớp 10. “Các sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch tuyển sinh cho phù hợp. Bộ GD&ĐT không nên hướng dẫn gì thêm” – ông Đỗ Văn Phu nêu quan điểm.