Chiều 4/1, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp báo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023.
Tại buổi họp báo, liên quan đến chế độ cho viên chức biệt phái làm việc tại Phòng GD&ĐT cấp huyện được đại diện các sở, ngành liên quan trả lời.
Ông Nguyễn Viết Hưng – Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho rằng, vấn đề viên chức biệt phái làm việc tại Phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị đã có thanh tra tỉnh kết luận.
Trong đó, về việc chi trả phụ cấp cho giáo viên biệt phái này có nơi làm chưa đúng khi viên chức không tham gia giảng dạy ở các trường mà vẫn nhận phụ cấp. Trước mắt, cần làm đúng quy định pháp luật, giáo viên biệt phái phải thực hiện giảng dạy chuyên môn ở các đơn vị đảm bảo số tiết quy định.
UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp báo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023. Ảnh: PV |
Cách đây hơn 10 năm, các Phòng GD&ĐT ở Nghệ An rơi vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng, trong khi khối lượng, yêu cầu ngày càng lớn, đáp ứng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Trước thực trạng này, tỉnh Nghệ An thực hiện chủ trương biệt phái cán bộ, giáo viên tại các trường học đến làm việc cho Phòng. Những người thuộc diện biệt phái hầu hết đều là hiệu phó hoặc hiệu trưởng từ các trường, có chuyên môn vững vàng, được giáo viên tín nhiệm, cấp trên ghi nhận và lựa chọn kỹ càng để giúp việc cho Phòng.
Biệt phái giáo viên về Phòng GD&ĐT các huyện được thực hiện theo văn bản 6612 của UBND tỉnh Nghệ An ngày 24/9/2012. Theo đó, căn cứ vào nhu cầu công tác và vị trí việc làm, Chủ tịch UBND cấp huyện có thể biệt phái viên chức tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Viên chức biệt phái chịu sự phân công và quản lý của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo. Ngoài công việc, công tác chuyên môn, viên chức biệt phái còn trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục. Tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tham gia giảng dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc.
“Viên chức biệt phái được hưởng lương, phụ cấp thâm niên nghề và các khoản phụ cấp khác theo quy định. Số lượng viên chức biệt phái ở mỗi Phòng Giáo dục và Đào tạo từ 4 đến 8 người”, văn bản 6612 nêu rõ.
Ông Nguyễn Viết Hưng – Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An trả lời vấn đề liên quan đến giáo viên biệt phái làm việc tại Phòng GD&ĐT cấp huyện. Ảnh: PV |
Tuy nhiên, đến năm 2018, Sở Tài chính Nghệ An có văn bản cho rằng, việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi theo công văn 6612 không đúng với tinh thần trong Quyết định số 42, ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục.
Sở Tài chính Nghệ An cho rằng, công văn này không phải là văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành mà chỉ mang tính chất hướng dẫn. Do đó, việc UBND cấp huyện căn cứ công văn 6612 để ban hành quyết định điều động, biệt phái viên chức về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo và chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thêm niên nghề là không đúng quy định.
Do có nhiều nội dung không phù hợp, Sở Tài chính đã 2 lần kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An hủy hoặc bãi bỏ công văn số 6612. Đồng thời chỉ đạo UBND cấp huyện dừng chi trả phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề đối với giáo viên được điều động, biệt phái làm công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định tại Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên sau đó, do vẫn chưa có văn bản mới nào của cấp có thẩm quyền quy định về chính sách hỗ trợ nên hầu hết các huyện sau đó vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp ưu đãi cho những viên chức biệt phái về Phòng GD&ĐT.
Năm 2022, vấn đề chi trả các chế độ cho viên chức biệt được lật lại, kết quả thanh tra tỉnh Nghệ An chỉ ra, trong 2 năm 2021 và 2022, tại 19 huyện, thị đã chi trả phụ cấp hơn 10 tỷ đồng cho các giáo viên biệt phái.
Tổng số giáo viên biệt phái và có hưởng phụ cấp trong giai đoạn 2021-2022 tại 19 huyện, thị (ngoại trừ thị xã Cửa Lò và TP Vinh), là 281 người, trong đó năm 2021 là 143 người, năm 2022 là 138 người. Tổng số tiền các loại phụ cấp đã chi trả cho những người này trong 2 năm là hơn 10 tỷ đồng.
Trong đó, những địa phương chi trả khoản tiền phụ cấp khá lớn như Kỳ Sơn là hơn 1,8 tỷ đồng, huyện Thanh Chương hơn 1 tỷ đồng, huyện Quỳ Châu hơn 1,1, tỷ đồng, huyện Tương Dương hơn 970 triệu đồng…
Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh nghệ An chỉ đạo UBND cấp huyện khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chi trả chế độ cho các giáo viên biệt phái; cho ý kiến chỉ đạo việc xem xét, thống nhất biện pháp xử lý các vi phạm trong việc chi trả các chế độ cho giáo viên biệt phái; đồng thời, chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện việc biệt phái giáo viên và chi trả chế độ phụ cấp cho họ theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên trên địa bàn tỉnh.
Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trả lời các vấn đề đặt ra tại cuộc họp báo. Ảnh: PV |
Quan điểm của Thanh tra tỉnh trong báo cáo với UBND tỉnh Nghệ An nêu. “Cán bộ, giáo viên được điều động biệt phái về Phòng Giáo dục và Đào tạo, không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị trường học mà được hưởng các loại phụ cấp tương ứng là chưa phù hợp với quy định…”, Thanh tra tỉnh nêu quan điểm.
Sau khi có kết luận của thanh tra tỉnh, cũng như lấy ý kiến từ các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị dừng chi trả các khoản phụ cấp không đúng quy định đối với giáo viên biệt phái công tác tại Phòng GD&ĐT cho đến khi có quy định của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, giao Sở Tài chính hướng dẫn các huyện xử lý các khoản phụ cấp đã chi trả không đúng quy định; tổng hợp tham mưu UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi về ngân sách cấp huyện theo đúng quy định…
Thực hiện quyết định này, hiện các địa phương tại Nghệ An đang tạm dừng chi trả các loại phụ cấp cho viên chức biệt phái về Phòng GD&ĐT. Tuy nhiên, việc thu hồi số tiền phụ cấp đã chi trả theo kết luận của thanh tra tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Các địa phương, Phòng GD&ĐT cũng đã có kiến nghị UBND xem xét việc thu hồi này để đảm bảo quyền lợi cũng như ổn định tâm lý cho viên chức biệt phái. Vì việc chi trả sai do không thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn, văn bản luật chứ không phải lỗi của giáo viên biệt phái.
Nhiều Phòng GD&ĐT cấp huyện tại Nghệ An đang thiếu nhân sự trầm trọng. Ảnh: PV |
Thực tế quyết định thu hồi các khoản phụ cấp này đã tác động lớn đến giáo viên. Nhiều địa phương, các viên chức biệt phái đồng loạt xin quay về cơ sở, trường học công tác, không làm việc tại Phòng GD&ĐT sau khi hết thời hạn biệt phái. Điều này dẫn đến các Phòng GD&ĐT không đủ nhân sự làm việc khi số lượng công chức chỉ có 3-4 người như Phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp…
Về thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Nội vụ, ông Nguyễn Viết Hưng – Giám đốc cho biết: “Nếu đơn vị nào thấy cấp thiết thì để xuất để chúng tôi tham mưu, ưu tiên thi tuyển công chức cho các huyện, tăng thêm số lượng công chức cho Phòng GD&ĐT”.
Ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng lần nữa khẳng định, công văn 6612 trước đó là văn bản hướng dẫn, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy không thể căn cứ vào đó để thực hiện chi trả các chế độ cho viên chức biệt phái về Phòng GD&ĐT.
“Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo, căn cứ kết luận thanh tra, thực hiện đúng pháp luật, chi không đúng quy định thì thu hồi. Nếu viên chức biệt phái về Phòng GD&ĐT không giảng dạy, thì không được hưởng phụ cấp đứng lớp. Nếu không ở vùng sâu vùng xa thì không được hưởng phụ cấp khu vực miền núi”, ông Long cho hay.
Trước đó khi cho ý kiến về thực hiện chế độ đối với viên chức biệt phái theo các văn bản đã ban hành, Sở GD&ĐT Nghệ An nêu quan điểm, giáo viên biệt phái làm các nhiệm vụ chuyên môn ở Phòng GD&ĐT được hưởng đầy đủ chính sách đối với nhà giáo là phù hợp. Bởi vì ngoài công việc tham mưu, quản lý chuyên môn, họ còn trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục, bồi dưỡng học sinh giỏi, các lớp năng khiếu hoặc tham gia dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc.
Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, những người này dù đã biệt phái những họ vẫn giữ chức danh nghề nghiệp là giáo viên (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) và hưởng lương tại các cơ sở giáo dục. Chế độ này đã thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 36, Luật Viên chức 2020.
Ý kiến bạn đọc