Vì trò, thầy cô sẵn sàng đổi mới: Điểm tựa giúp giáo viên chuyển đổi số

Thứ bảy - 20/11/2021 07:23 302 0
GD&TĐ - Giáo dục trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện, thực hiện chuyển đổi số, dạy học trực tuyến... đòi hỏi đội ngũ giáo viên khả năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để nâng cao chất lượng dạy học.
Vì trò, thầy cô sẵn sàng đổi mới: Điểm tựa giúp giáo viên chuyển đổi số

Làm được điều này, cần hỗ trợ từ các nhà trường để giáo viên sớm thích ứng và triển khai hiệu quả.

Phát huy vai trò hỗ trợ

Thầy Quách Đức Hiển - Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình) trao đổi: Trường đã thành lập tổ hỗ trợ CNTT gồm 5 người. Nhiệm vụ chính là giúp giáo viên tháo gỡ vướng mắc liên quan tới đường truyền, cách sử dụng phần mềm, triển khai tốt hoạt động dạy học trực tuyến, khai thác học liệu điện tử vào bài giảng...

Để đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ, bên cạnh chọn lựa kĩ càng nhân sự (giáo viên, nhân viên văn phòng giỏi về CNTT), trường còn yêu cầu mỗi thành viên tự nghiên cứu, tìm hiểu sâu các phần mềm dạy học, vấn đề liên quan tới ứng dụng CNTT… để chủ động hỗ trợ đồng nghiệp. Về phía giáo viên, trong quá trình dạy học, khai thác học liệu điện tử gặp vướng mắc có thể đề xuất để nhận hỗ trợ.

Theo thầy Quách Đức Hiển, năm học này tình hình dịch ở Ninh Bình được kiểm soát, việc dạy học đang triển khai trực tiếp nhưng tổ hỗ trợ CNTT không vì thế “nhàn” hơn. Tổ tập trung vào công tác tập huấn phần mềm dạy học online cho giáo viên để sẵn sàng cho việc chuyển sang dạy học trực tuyến. Do chủ động chuẩn bị nên giáo viên trong trường đã sẵn sàng bước vào dạy học trực tuyến với tinh thần tự tin, vững vàng khai thác CNTT.

Đặc biệt, không chỉ dừng lại hỗ trợ giáo viên trong trường, tổ còn triển khai “trường giúp trường”, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cho giáo viên cốt cán các trường khác khi nhận được đề nghị...

Là trường liên cấp Tiểu học và THCS nên năm học 2021 - 2022 cả ba khối lớp 1, 2, 6 của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa – Lào Cai) cùng triển khai Chương trình GDPT mới. Theo thầy Liễu Tiến Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, điều này đòi hỏi giáo viên phải ứng dụng CNTT trong soạn giáo án và khai thác học liệu điện tử đưa vào các bài giảng, tiết dạy rất nhiều.

Dù đội ngũ đã được tập huấn, song không phải giáo viên nào cũng thao tác thành thạo CNTT để dạy học trực tuyến. Hơn thế, giáo viên quen dạy học theo phương pháp truyền thống nên không tránh được những lối mòn, phương pháp cũ đã ăn sâu khi truyền tải kiến thức cho học sinh.

Như vậy, việc thành lập tổ hỗ trợ CNTT trong trường là đòi hỏi thiết yếu để hỗ trợ tối đa giáo viên ứng dụng CNTT trong quá trình dạy học, không ngừng đổi mới về phương pháp và chuyển đổi số thành thạo.

Tổ hỗ trợ CNTT của trường với 7 thành viên hàng tháng sẽ tập huấn nâng cao kĩ năng cho giáo viên các vấn đề liên quan đến ứng dụng CNTT vào soạn giáo án, triển khai văn bản trên máy tính; khai thác học liệu điện tử vào bài giảng; tìm kiếm bài giảng hay, thông tin kiến thức chuyên ngành, sử dụng sách giáo khoa điện tử trong dạy học…

Đặc biệt, với giáo viên đã lớn tuổi, khả năng ứng dụng CNTT hạn chế, tổ còn xây dựng phương án tập huấn riêng với các vấn đề trọng tâm để phù hợp khả năng tiếp nhận cũng như giúp các thầy, cô giáo nhanh chóng ứng dụng công nghệ vào hoạt động giáo dục.

“Với sự giúp đỡ của tổ hỗ trợ, đến nay cơ bản đội ngũ giáo viên trong trường đã ứng dụng CNTT thành thạo khi dạy học trực tuyến. Các thầy, cô giáo đã xây dựng giáo án, đặc biệt tích cực trong việc xây kho học liệu điện tử chất lượng, hiệu quả…”, thầy Sơn cho biết.

Bước vào năm học mới, Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) đã triển khai chuyển đổi số trên 2 nội dung chính là: Sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến để kích thích học sinh học tập và kiểm tra đánh giá trực tuyến.

Do số giáo viên thành thạo CNTT còn hạn chế nên hiệu trưởng nhiều lúc phải trực tiếp “cầm tay chỉ việc”. Thậm chí, với nhà giáo lớn tuổi gặp khó khăn về ứng dụng công nghệ, hiệu trưởng trực tiếp dự giờ nắm bắt thực tế, trên cơ sở đó trao đổi giúp giáo viên khắc phục điểm yếu ngay trên lớp.

Thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, hình thức dạy học có thể điều chỉnh bất kỳ lúc nào để phù hợp thực tế càng đòi hỏi giáo viên thành thạo CNTT để chất lượng, hiệu quả dạy học trực tiếp và trực tuyến thu hẹp khoảng cách. Để giúp giáo viên toàn trường làm chủ công nghệ, không tụt hậu trong thời đại 4.0, trường sẽ thành lập tổ hỗ trợ CNTT và thúc đẩy hoạt động của tổ trong thực tế…

Vì trò, thầy cô sẵn sàng đổi mới: Điểm tựa giúp giáo viên chuyển đổi số - Ảnh minh hoạ 2
Để soạn giáo án điện tử có chất lượng, giáo viênphải không ngừng học hỏivề CNTT. Ảnh: Đức Trí 

Đòi hỏi tất yếu của giáo dục thời 4.0

Từ thực tế năng lực đội ngũ trong ứng dụng CNTT, những “rào cản” khi giáo viên bước vào chuyển đổi số tại nhà trường, thầy Liễu Tiến Sơn khẳng định, việc thành lập tổ hỗ trợ CNTT vô cùng cần thiết. Đây được xem như “điểm tựa” giúp giáo viên được tích lũy, học tập thường xuyên. Từ đó, giáo viên nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ, bảo đảm khai thác học liệu điện tử hiệu quả, giúp tiết học thêm sinh động, thu hút học sinh. Là 1 trong 4 trường của thị xã Sa Pa thí điểm phần mềm Quản lý văn bản điện tử (iOffice) đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên… vai trò tổ hỗ trợ CNTT càng không thể thiếu.

Thầy Quách Đức Hiển cũng cho rằng, dù việc tiếp cận CNTT của đội ngũ hiện nay không là vấn đề mới nhưng vẫn còn giáo viên lớn tuổi, khả năng tiếp cận chậm. Giáo viên cũng không được đào tạo chuyên sâu CNTT để khai thác, ứng dụng vào dạy học... Do đó, ít nhất trong 2 năm tới, vai trò hỗ trợ đối với giáo viên về CNTT vẫn là đòi hỏi bức thiết.

Tuy nhiên, vấn đề mà hầu hết các nhà trường, nhà quản lý giáo dục đều đặt ra đó là cần có cơ chế thỏa đáng cho đội ngũ kiêm nhiệm hỗ trợ ứng dụng CNTT trong trường học. Hiện hầu hết tổ hỗ trợ vẫn hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, phát huy trách nhiệm với nhà trường, đồng nghiệp (chỉ một số ít trường quy đổi thời gian hỗ trợ thành số tiết dạy để giảm trừ, hoặc hỗ trợ kinh phí). Như vậy, việc duy trì và nâng cao chất lượng tổ hỗ trợ trong trường học gặp khó khăn nhất định khi hoạt động lâu dài cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả...

Cô Nguyễn Thị Lan Phương - Giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm -Hà Nội) cho biết: Hơn 20 năm trong nghề, đã quen với dạy học trực tiếp khi chuyển sang dạy học trực tuyến khá lo lắng vì phương thức dạy học khác nhau đòi hỏi việc soạn giáo án, cách truyền tải thay đổi. Với sự hỗ trợ trách nhiệm và bài bản của tổ hỗ trợ, kết hợp với tự nghiên cứu và ứng dụng CNTT vào dạy học, các bài giảng trực tuyến của tôi được học sinh đón nhận tích cực. Đặc biệt, khi kĩ năng ứng dụng CNTT tốt hơn cũng giúp giáo viên tự tin sáng tạo giáo án và khai thác học liệu điện tử trong quá trình dạy học… 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1389 | lượt tải:302

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1124 | lượt tải:287

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2408 | lượt tải:380

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2911 | lượt tải:477

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2230 | lượt tải:324
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập485
  • Hôm nay8,349
  • Tháng hiện tại12,223
  • Tổng lượt truy cập50,560,599
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944