Cụ thể, khi học sinh vi phạm kỉ luật, giáo viên thu thập các thông tin khách quan để xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm.
Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỉ luật tích cực phù hợp với từng học sinh như khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm.
Phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm. Tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý.
Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện, theo nội quy của nhà trường như: Hoàn thành bổ sung nhiệm vụ học tập và rèn luyện có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh; viết cảm nhận về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng khắc phục sửa chữa.
Tìm hiểu tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh. Từ đó, các em trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và rút ra bài học cho bản thân. Tự khắc phục hậu quả do vi phạm của học sinh gây ra hoặc khắc phục hậu quả với sự giúp đỡ của bạn bè, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh.
Khi học sinh mắc khuyết điểm, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực đã kể trên hoặc áp dụng các hình thức kỷ luật khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm. Tuy nhiên, không áp dụng các hình thức kỉ luật đối với học sinh cấp tiểu học.