Tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi
Tại buổi làm việc, bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 toàn tỉnh có 28.380 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 23.796 thí sinh THPT và 4.584 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.
Địa phương bố trí 58 điểm thi với số lượng 1.205 phòng thi, dự kiến huy động 3.258 cán bộ giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, 290 cán bộ làm nhiệm vụ lãnh đạo tại các điểm thi. Ngoài ra còn có trên 700 người được huy động đảm nhận nhiệm vụ chấm thi, đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự, y tế…
Cán bộ coi thi được huy động chéo từ đơn vị huyện này sang coi thi ở huyện khác để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, công bằng, nghiêm túc.
Đến nay mọi công tác chuẩn bị tại Đồng Nai cơ bản đã hoàn thành. Tất cả các khâu liên quan, các sở, ban ngành liên quan phối hợp đều đã có kế hoạch cụ thể chi tiết, thực hiện đúng theo quy chế.
Liên quan đến công tác chuẩn bị, đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho biết, đã triển khai kế hoạch xuống tận các trung tâm y tế, nhằm phối hợp thực hiện tham gia công tác hỗ trợ từng điểm thi. Do kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 và gần đây xuất hiện thêm bệnh bạch hầu nên ngành Y tế đã chủ động có các kịch bản ứng phó để đảm bảo thuận tiện nhất cho thí sinh, đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ, giám thị… tại từng điểm thi.
Về phía Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, lãnh đạo Sở này cho biết đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị để đảm bảo phân luồng giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt trong quá trình kỳ thi diễn ra. Triển khai tăng chuyến trong 4 ngày từ 8/8 đến 11/8. Ngoài ra, các thí sinh tham dự kỳ thi nếu di chuyển bằng xe buýt sẽ được miễn phí vé, đi tuyến cố định được giảm 50%.
Tại huyện Tân Phú, huyện xa nhất của tỉnh, theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện, kỳ thi năm địa bàn huyện có 4 điểm thi, với 1.711 thí sinh dự thi, trong đó có 70 em ở xã Đắc Lua. Với những thí sinh này, UBND huyện đã có kế hoạch triển khai mượn KTX của Trường Dân tộc nội trú trên địa bàn làm nơi ở và phục vụ ăn uống cho thí sinh trong kỳ thi.
Chú trọng kĩ lưỡng từng khâu
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, dù trong quy chế thi không yêu cầu thành lập ban chỉ đạo thi cấp huyện nhưng yêu cầu UBND tỉnh cần ban hành văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện có kế hoạch trong triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trên địa bàn.
Địa phương cần chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tốt nhất để đảm bảo cho các khâu "trọng yếu" của kỳ thi như in sao đề, coi thi, chấm thi, vận chuyển bài thi… diễn ra an toàn, nghiêm túc, tuân thủ quy chế.
Tỉnh Đồng Nai cần chú trọng công tác tập huấn, thậm chí có thể làm các bài kiểm tra để nắm xem những người tham gia tập huấn đã nắm rõ các nội dung, quy chế thi chưa…
Đồng thời yêu cầu địa phương cần lưu ý công tác dự phòng, có kịch bản cụ thể cho từng trường hợp bất ngờ (nếu có) xảy ra, để có sự chủ động, không lúng túng, có lực lượng, có đầu mối để xử lý ngay, đảm bảo thuận lợi cho thí sinh. Các khâu đều cần được chú ý, chuẩn bị kĩ từ Sở y tế, Công an, Giao thông và chú trọng công tác truyền thông cho kỳ thi.
Thứ trưởng cho rằng, qua những năm trước, tỉnh Đồng Nai thực hiện nghiêm túc trong việc tổ chức kỳ thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, nhưng mọi sự chuẩn bị kĩ lưỡng, chi tiết là không dư thừa và không được phép chủ quan.
Địa phương cần tiếp tục tính toán các phương án kĩ lưỡng, có kịch bản chi tiết, cụ thể từng khâu để đảm bảo kỳ thi diễn ra thuận lợi cho thí sinh, vừa đảm bảo tuyệt đối an toàn, nghiêm túc, tuân thủ quy chế.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) thành viên của đoàn công tác đã có một số lưu ý nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra thuận lợi, nghiêm túc, tuyệt đối an toàn.
Theo đó, địa phương cần phân công cụ thể nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, chi tiết của từng thành viên trong Ban chỉ đạo kỳ thi của tỉnh để có đầu mối xử lý các vấn đề (nếu có) xảy ra. Ngành y tế phải có kịch bản ứng phó với từng trường hợp cụ thể, ví dụ: có một thí sinh bị sốt, ho hay có dấu hiệu dịch tễ… phải xử lý như thế nào vừa đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến việc thi của thí sinh đó, vừa không gây ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh khác tại điểm thi.
Tương tự, đơn vị công an, Sở Thông tin Truyền thông… cũng cần chủ động lên kịch bản chi tiết. Tại các điểm thi cần chú ý, phòng lưu trữ bài thi, đề thi phải tuyệt đối an toàn, vị trí an toàn, có bình PCCC, tủ đựng chắc chắn, lắp đặt camera theo quy định, quy chế hướng dẫn…
Trong đó, đề nghị các đơn vị chú ý, tại các phòng thi tại điểm thi có gắn camera (do trường học được chọn làm điểm lắp phục vụ dạy học) cần phải vô hiệu hoá, kiểm tra về ánh sáng trong các phòng thi, thậm chí cả khu vệ sinh cần được đảm bảo an toàn, sạch sẽ…
Về khu vực in sao đề thi phải tuân thủ tuyệt đối theo quy chế. Tại điểm chấm thi cần lưu ý đặc biệt với phòng lưu trữ bài thi sau khi thi xong phải tuyệt đối an toàn, cũng như chú ý đến công tác phòng cháy chữa cháy ở khu vực này.
Cục trưởng Mai Văn Trinh cũng yêu cầu Đồng Nai chú ý đến công tác dự phòng như phòng thi dự phòng, cán bộ coi thi dự phòng...
Sau buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác đã tới điểm in sao đề thi, điểm chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại Đồng Nai để trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị.